Mới lên sóng được 2 tháng, Vua tiếng Việt đã trở thành một trong những chương trình gameshow nhận được nhiều quan tâm nhất từ phía khán giả, mang nét đẹp của ngôn ngữ đến gần hơn với người Việt.

"Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Câu nói trong dân gian được người xưa truyền tay nhau nay thật sự ứng với đời thực. Lần đầu tiên một chương trình gameshow về tiếng Việt được lên sóng trên Đài truyền hình quốc gia. Sự xuất hiện của Vua tiếng Việt không chỉ đem tới một luồng gió mới ở sân chơi truyền hình mà còn khơi dậy sự hứng thú, lan tỏa niềm yêu thích của mỗi cá nhân đối với tiếng mẹ đẻ thông qua cuộc "dạo chơi" cùng các con chữ.

Vua tiếng Việt là sân chơi tích hợp giữa giải trí và kiến thức, được phát sóng lần đầu tiên trên kênh VTV3 từ ngày 10/9/2021. Tính đến nay, Vua tiếng Việt mới chỉ có "tuổi đời" 2 tháng và vẫn còn là "gà mờ" trong giới gameshow nhưng sức ảnh hưởng của chương trình lại vượt xa so với tưởng tượng.

Từ những tập phát sóng đầu tiên, chương trình nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả và trở nên "viral" trên mạng xã hội bởi loạt câu hỏi cực kỳ “xoắn não” ở mỗi vòng chơi, đan xen các tình huống giải trí hài hước. Vua tiếng Việt do NSƯT Xuân Bắc cầm trịch với vai trò MC đầy dí dỏm cùng 4 người chơi ở mỗi tập. Về cơ bản, format chương trình khá đơn giản khi cùng người chơi trải qua lần lượt 4 vòng thi bao gồm Phản xạ, Giải nghĩa, Xâu chuỗi và vòng đặc biệt Soán ngôi.

Song, cái khó của gameshow này nằm ở phần thử thách đòi hỏi người chơi phải có phản xạ nhanh, tìm hay sắp xếp các từ tiếng Việt đúng nghĩa mà vẫn đảm bảo yếu tố thời gian. Tưởng như có vẻ dễ dàng, thế nhưng ngay cả khán giả đang ngồi trước màn hình dù không mang tâm lý gấp gáp như người chơi cũng cảm thấy khó nhằn với loạt ngữ pháp mà chương trình đưa ra.

Điển hình, thử thách "ghép từ tiếng Việt" nằm trong vòng Phản xạ của gameshow khiến khán giả phải thốt lên rằng "quá xoắn não". Những chữ cái của một danh từ hay động từ vốn quen thuộc nhưng khi được sắp xếp không theo trật tự bỗng nhiên trở nên xa lạ trong mắt người xem. Chẳng hạn, "p/c/c/é/á/h" liệu bạn có thể đoán nhanh ra từ "cá chép" hay "a/c/c/o/u/n" mang nghĩa "con cua", n/ệ/n/ả/h/đ/i là "điện ảnh", ọ/c/l/n/ồ là "lọ cồn",... Đặc biệt, với sự phong phú của tiếng Việt, câu chuyện ghép chữ thành từ có nghĩa còn tạo ra những tình huống dở khóc dở cười khi người xem nhìn chữ cái lại ngờ ngợ ra đáp án “cứ đen tối thế nào ấy”.

Ngoài phần thi ghép từ, Vua tiếng Việt còn sử dụng chuỗi các câu hỏi đề cập tới ca dao, tục ngữ khiến cả người chơi hay khán giả ngồi xem cũng phải "méo mặt" khi nghĩ về kho tàng ngôn ngữ dân gian mà cha ông ta để lại. Và một điều chắc chắn, chẳng có ai đủ tự tin để dõng dạc vỗ ngực nói rằng bản thân hoàn toàn am hiểu hệ thống từ ngữ phong phú này. Nhiều người thừa nhận, dù là tiếng mẹ đẻ nhưng đôi khi vẫn muốn xin quyền "vietsub" để hoàn toàn hiểu được nội dung và tìm ra câu trả lời.

Nguyễn Bắc Bình - người chơi đầu tiên đi tới vòng Soán ngôi của Vua tiếng Việt không ngần ngại bày tỏ sự hoài nghi về bản thân sau khi tham gia chương trình, không biết mình có phải người Việt hay không: "Nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao hay mà tôi chưa được nghe, hoặc có những cái tôi nghĩ là mình biết, mà thật ra là chả biết gì".

Đối với người chơi, độ khó và lắt léo của tiếng Việt là khỏi bàn khi tính tới nay, mới chỉ có 2 người đạt được tới ngôi vua trong tổng số 36 thí sinh (9 tập). Nhiều người sau khi tham gia chương trình mới biết bản thân vẫn còn nhầm lẫn trong việc sử dụng tiếng Việt. Điều đáng nói, những nhầm lẫn này còn xảy ra ở ngay cả ban tổ chức.

Trong tập 6 (số phát sóng ngày 16/10), một khán giả đã chỉ ra lỗi của chương trình khi sử dụng đáp án sai. Cụ thể, chương trình đưa ra cụm từ "xoay sở" là câu trả lời đúng, song trên thực tế "xoay xở" với từ "xở" mang nghĩa gỡ rối mới thực sự là đáp án chính xác. Ghi nhận điều này, phía ban tổ chức đã tiến hành cập nhật và chỉnh sửa. 

"Sau khi được khán giả góp ý, bộ phận biên tập đã họp rút kinh nghiệm và có thêm giải pháp kiểm tra chính tả của chữ trên màn hình. Đồng thời sẽ thông báo với khán giả về cách viết đúng của từ "xoay xở" ở số phát sóng thứ 9 của chương trình", đạo diễn Khuất Ly Na chia sẻ.

Trường hợp khác, cách giải thích ý nghĩa của thành ngữ từ 2 thành viên ban cố vấn cũng vô tình gây tranh cãi không đáng có. Theo đó, với câu: "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ", tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ cho biết vế 1 mang nghĩa "đi hỏi già ý nói chào hỏi người cao tuổi, đó là kính lễ vô cùng quan trọng". Trong khi đó, khán giả lại bày tỏ sự đồng tình với cách giải thích của tiến sĩ Đoàn Hương khi cho rằng "đi hỏi già còn có nghĩa người già từng trải, hiểu nhiều, hỏi già là chắc chắn".

Hiện tại, việc nhận định ai đúng - ai sai vẫn chưa có câu trả lời bởi trên thực tế, kho tàng ca dao, tục ngữ còn bỏ ngỏ những tranh luận hay quan điểm không đồng nhất về cách hiểu. Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi - giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư Phạm TP.HCM, người từng là cố vấn và thẩm định câu trả lời trong một chương trình gameshow tiếng Việt - cũng nói về cái khó trong việc đưa ra đáp án hợp ý mọi người: 

“Trong tiếng Việt vẫn còn một số hiện tượng mà ngay cả giới chuyên môn cũng chưa hoàn toàn đồng thuận với nhau. Thêm vào đó, trên thực tế vẫn có một số khác biệt giữa tiếng Việt trong đời sống và tiếng Việt như một đối tượng của khoa nghiên cứu ngôn ngữ. Do vậy, cố vấn phải tìm cách dung hòa các quan điểm. Mọi sự kiến giải đều phải căn cứ vào tài liệu, chuyên luận uy tín”. 

Bỏ qua những tranh cãi không đáng có, chẳng thể phủ nhận rằng, Vua tiếng Việt mang tới nguồn kiến thức vô hạn cho mọi người về độ "khó chơi" của tiếng mẹ đẻ. Thế nhưng, những gì càng khó, con người lại càng muốn chinh phục. Từ đây, sân chơi tiếng Việt trở thành nơi lan tỏa, truyền đi ngọn lửa tình yêu đối với thứ ngôn ngữ ở nơi ta "chôn rau cắt rốn".

Tiến sĩ ngữ văn Đoàn Hương nhận định: "Chưa ai có thể nói mình nắm vững tiếng Việt, dù có chuyên môn và bằng cấp cao đến đâu. Chúng ta trau dồi tiếng Việt là chúng ta trau dồi đời sống tâm hồn, tâm linh của chúng ta".

Hay như nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ: "Tiếng Việt được chúng ta sử dụng thường xuyên vì đó là ngôn ngữ mẹ đẻ với mục đích đơn giản nhất là để truyền đạt. Nhưng bên cạnh đó nếu tìm hiểu kỹ hơn sẽ thấy tiếng Việt xứng đáng được nghiên cứu và sử dụng nhuần nhuyễn, am hiểu ngọn ngành".

Trước Vua tiếng Việt, chương trình Thử thách bất ngờ (HTV9) cũng từng nhận được sự quan tâm với những phần thi kiểm tra vốn từ khó nhằn. Độ khó của 2 gameshow được đánh giá tương đương nhau và khiến người chơi hay cả người xem phải tự hoài nghi về khả năng thông thạo tiếng mẹ đẻ của chính mình.

Nhìn lại giá trị mà gameshow tiếng Việt mang lại khi tạo ra trào lưu tìm hiểu ngôn ngữ trong thế hệ trẻ, đây được xem là thành công đáng nể mà không phải chương trình kiến thức nào cũng có thể làm được.