Phiên bản gốc của chương trình đã có từ tháng 8 năm 1994 tại Anh quốc và được phát sóng trên kênh BBC. Sau hơn 26 năm ra đời, Vua đầu bếp nhí đã có mặt ở 28 quốc gia và trở thành chương trình truyền hình cho trẻ em được yêu thích bậc nhất.


Sau sự thành công của phiên bản người lớn, Vua đầu bếp nhí được sản xuất dưới bàn tay của 3 gương mặt nổi danh của truyền hình xứ sở sương mù: Franc Roddam, Karen Ross và John Silver. Vua đầu bếp nhí bản Anh quốc đã trải qua 8 mùa giải phát sóng với thời kỳ đầu tiên từ năm 1994 tới 1999 (1997 không tổ chức) và thời kỳ hồi sinh vào các năm 2010, 2012, 2014. Như nhiều chương trình truyền hình khác, phải đến năm 2013 khi Fox mua bản quyền và phiên bản Mỹ được sản xuất thì Vua đầu bếp nhí mới trở nên nổi tiếng cũng như được yêu thích như hiện nay. 

Các cô cậu bé từ 8 tới 13 tuổi cũng sẽ phải trải qua những phần thử thách giống với phiên bản người lớn như thử thách kỹ năng, chiếc hộp bí ẩn, thử thách đồng đội, thử thách loại trừ, bài thi áp lực với độ khó tăng dần theo từng tuần, để tìm ra người chiến thắng cùng danh hiệu Vua đầu bếp nhí cao quý. Ở Mỹ, phiên bản nhí của chương trình này rất được yêu thích và thậm chí còn đạt nhiều thành công hơn cả phiên bản người lớn vốn từng có không ít tiếng vang khi lên sóng. Ngoài ra, Vua đầu bếp nhí còn nhận được 12 đề cử ở các giải thưởng truyền hình ở Mỹ, trong đó có cả giải thưởng danh giá bậc nhất Primetime Emmy Awards 2017. 

Vua đầu bếp nhí cũng đã có mặt ở Việt Nam vào năm 2016 với độ tuổi tham gia từ 9 tới 14 và nhận được nhiều lời khen ngợi, thậm chí còn được đánh giá là mùa giải đáng xem nhất nhì trong số 5 mùa của Vua đầu bếp Việt Nam (3 mùa người lớn, 1 mùa người nổi tiếng, 1 mùa trẻ em).

Một trong những lý do tạo nên thành công cho Vua đầu bếp nhí nằm ở việc tạo ra một sân chơi đúng nghĩa cho các cô bé, cậu bé có niềm đam mê với ẩm thực. Nếu như ở phiên bản người lớn, các thí sinh cạnh tranh nhau từng chút một với bầu không khí căng thẳng và gay gắt. Ban giám khảo cũng không ngần ngại buông ra những lời chê bai nặng nề nhất hay vất thức ăn của thí sinh vào thùng rác nếu không đạt chuẩn, thì ở Vua đầu bếp nhí những hành động như thế không bao giờ xảy ra.

Tất nhiên vẫn có sự cạnh tranh trong thi đấu giữa các thí sinh nhí nhưng sự cạnh tranh đó trở nên đáng yêu hơn rất nhiều dưới góc độ của một đứa trẻ còn nhiều ngây thơ và trong sáng.Thay vì nặng lời, những giám khảo nổi tiếng khó tính như Gordon Ramsay lại hết sức nhẹ nhàng động viên những “đầu bếp nhí” để họ rút kinh nghiệm và trở nên tốt hơn trong các thử thách sau. 

Điều quan trọng khác dẫn đến sự thành công của một chương trình là chất lượng thí sinh và điều đó thì Vua đầu bếp nhí hoàn toàn chinh phục được khán giả. Mọi người đã phải trầm trồ khen ngợi cậu bé tóc xoăn đáng yêu Alexander Weiss - quán quân Vua đầu bếp nhí mùa 1 với phong độ tuyệt đỉnh khi chiến thắng 3/6 tập trước khi có mặt ở chung kết hay cô bé 11 tuổi Jasmine Stewart ở mùa 6 xuất sắc trở thành quán quân sau khi có cơ hội quay trở lại cuộc thi. Và chắc chắn khán giả không thể nào quên cậu bé gốc Việt - Sean Lê lanh lợi ở mùa 2 với 4 chiến thắng thử thách trước khi ra về tiếc nuối ở Top 6. Tại Việt Nam, quán quân Vua đầu bếp nhí Việt Nam duy nhất, Đinh Thanh Hải cũng để lại nhiều ấn tượng cho khán giả bởi khả năng nấu nướng xuất sắc khi mới 13 tuổi cùng tính cách điềm đạm và vô cùng lễ phép của mình. 

Vua đầu bếp nhí là một tấm gương sáng mà các nhà sản xuất nên chú tâm tới khi muốn sản xuất chương trình truyền hình cho trẻ em. Ở Vua đầu bếp nhí, trẻ em được sống đúng với lứa tuổi của mình, nơi mà chúng có thể thỏa sức thể hiện đam mê và tài năng mà không có quá nhiều áp lực đè nặng lên vai. Bạn sẽ hiểu điều đó nếu đọc lời bình luận của một khán giả trên trang commonsensemedia: “Chương trình đáng yêu, với một nhóm trẻ em ngọt ngào tới từ mọi tầng lớp cho xã hội. Mọi người có cạnh tranh nhau nhưng tôi cảm giác chúng giống như một gia đình hơn khi luôn đối xử tốt và động viên nhau”.