“Victoria’s Secret thực sự là thương hiệu tôn vinh phụ nữ và những gì mà họ đại diện: Sức Mạnh" - Cara Delevingne


Victoria's Secret từng là nhà bán lẻ đồ lót lớn nhất ở Mỹ. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, Victoria’s Secret không đơn thuần chỉ còn là một thương hiệu nội y, nó đã trở thành một biểu tượng văn hóa được giới mộ điệu nói riêng và khán giả đại chúng nói chung nhớ tới. Sau khi bùng nổ vào các thập niên 1990 và 2000, thương hiệu này đang chìm trong khủng hoảng.

Nếu như ZARA được ra đời với mục tiêu giúp khách hàng bắt kịp các xu hướng thời trang với giá cả phải chăng nhất, Guess mong muốn mang phong cách jean đến tất cả mọi người, thì Roy Raymond - “cha đẻ” của Victoria’s Secret lại có một mục đích sáng lập thương hiệu vô cùng khác biệt. Vào thập niên 1960 – 1970 ở Mỹ, người ta chưa có cửa hàng đồ lót chuyên biệt nào mà bán chung tại tiệm tạp hoá. Roy Raymond trong một lần phải đi mua đồ lót cho vợ đã vô cùng xấu hổ bởi ánh mắt mà nhân viên cửa hàng nhìn mình, cộng thêm sự khó chịu với thiết kế xấu xí không phù hợp của những sản phẩm đồ lót. Trải nghiệm này đã thôi thúc ông mở một cửa hàng chỉ chuyên bày bán đồ lót.

Với vốn khởi điểm là 80 nghìn đôla Mỹ (khoảng hơn 8 tỷ đồng) từ vay mượn, ông khai trương cửa hàng tại một góc trung tâm thương mại Palo Alto của California năm 1977, đặt nền móng đầu tiên cho Victoria’s Secret và ngành công nghiệp đồ lót trên toàn thế giới. 

Doanh thu của thương hiệu đạt mức 4 triệu đô la Mỹ (hơn 92 tỷ đồng) sau 5 năm hoạt động. Tuy nhiên, sau đó Victoria’s Secret gặp phải nhiều đối thủ cạnh tranh dẫn đến buôn bán khó khăn, thậm chí là suýt phải phá sản. Lúc này, ông chủ của thương hiệu đồ thể thao nổi tiếng lúc đó The Limited, Leslie Wexner đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, đã nắm lấy cơ hội và mua lại Victoria’s Secret từ tay Roy Raymond với giá 1 triệu đô la Mỹ (khoảng hơn 23 tỷ đồng).

Tận dụng những thành công ấn tượng trong việc kinh doanh, Victoria’s Secret ra đời chương trình thời trang Victoria’s Secret Fashion Show, được xem là một trong những bước ngoặt mang tính lịch sử của thương hiệu. 

Victoria’s Secret Fashion Show được diễn ra lần đầu vào năm 1995 ở khách sạn nổi tiếng The Plaza, thành phố New York. Ban đầu show diễn khá đơn giản cùng những thiết kế không quá cầu kỳ. Cùng với sự phát triển của thương hiệu và doanh thu tăng cao mỗi năm, Victoria’s Secret Fashion Show được đầu tư ngày càng hoành tráng hơn. Vào năm 1998, đôi cánh thiên thần lần đầu tiên được xuất hiện do siêu mẫu Tyra Banks trình diễn. Từ đó, danh xưng “thiên thần” ra đời và trở thành niềm mơ ước của biết bao thiếu nữ trên toàn thế giới. 

Victoria’s Secret Fashion Show đã trở thành một sự kiện thời trang được công chúng trên toàn thế giới luôn mong chờ. Những cô người mẫu nóng bỏng, đôi cánh thiên thần đẹp mắt hay những bộ Fantasy Bra được thiết kế cầu kỳ và tinh xảo, là “nam châm” thu hút truyền thông và khán giả mỗi năm. Chẳng ai có thể quên được những phần trình diễn đỉnh cao của Justin Timberlake vào năm 2006, màn song ca ngọt ngào của Heidi Klum cùng Seal (ông xã của cô) năm 2007 hay vào năm 2012 có sự góp mặt của hai ngôi sao lớn Rihanna và Justin Bieber. Trong lịch sử của VSFS, đã có 4 năm mà rating đạt 6 con số, đó là vào các năm 2001 với 12, 4 triệu lượt xem, năm 2002 với 10,5 triệu lượt xem, năm 2010 với 10,4 triệu lượt xem và 10,3 triệu lượt xem vào năm 2011.

Những tên tuổi nổi bật nhất của Victoria’s Secret đều là những gương mặt có thu nhập cao nhất nghề người mẫu suốt nhiều năm liên tiếp như Gisele Bundchen, Heidi Klum, Adriana Lima hay Alessandra Ambrosio. Giai đoạn sau, công thức lựa chọn này vẫn được áp dụng khi chúng ta được chiêm ngưỡng những Kendall Jenner, chị em nhà Hadid, Cara Delevingne hay Karlie Kloss sải bước đầy tự tin trước sự theo dõi của khán giả cũng như ống kính của truyền thông.

Từ năm 2015 cho đến nay, doanh số của thương hiệu bắt đầu chững lại. Trang báo Business Insider nhận định các thiết kế của Victoria's Secret không còn bắt kịp xu hướng thời trang mới và chất lượng sản phẩm đang có dấu hiệu đi xuống. Thị trường đồ lót cũng ngày một khắc nghiệt với những tên tuổi khác cũng đang làm ăn và có sự đầu tư mạnh mẽ. Thị phần tại Mỹ của Victoria's Secret giảm từ 33% xuống còn 24%.

Việc kinh doanh bị tác động, Victoria’s Secret Fashion Show cũng gặp phải nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Rating của chương trình đã tụt giảm nghiêm trọng so với thời hoàng kim, khi chỉ còn 4,98 triệu lượt xem vào năm 2017 hay tệ hơn nữa khi chạm đáy vào năm 2018 với chỉ 3,27 triệu lượt xem.

Một trong những lý do lớn nhất dẫn đến sự sụt giảm lượt xem đáng kinh ngạc này, đó là do sự ra đi của những gương mặt kỳ cựu như Karlie Kloss, Miranda Kerr, Adriana Lima, Alessandra Ambrosio khiến khán giả không còn động lực để tiếp tục theo dõi nữa. Dù rất cố gắng để chiêu mộ những tên tuổi mới, tươi trẻ hơn và cũng có sức ảnh hưởng không kém như Kendall Jenner, Taylor Hill, Winnie Harlow, Duckie Thot nhưng như vậy vẫn không đủ sức để VSFS trở lại vinh quang như xưa. Chưa kể, chương trình này còn nhận sự tẩy chay từ những người mẫu ngoại cỡ, mẫu chuyển giới và khán giả, khi giám đốc tiếp thị Ed Razek có những phát ngôn không hay nhắm tới họ. Sự bảo thủ về quan niệm cái đẹp cũng chính là thứ “giết chết” khả năng phát triển của hãng.

Cora Harrington, biên tập viên của trang web The Lingerie Addict đã nhận định rằng: "Tầm nhìn của Victoria’s Secret về sự quyến rũ đã quá lỗi thời". Cũng theo tờ The Guardian, có tới 68% người tiêu dùng cho biết rằng niềm yêu thích của họ với Victoria’s Secret nói chung và Victoria’s Secret Fashion Show nói chung đã giảm xuống.

Cuối tháng 11/2019 công ty chủ quản của Victoria’s Secret là L Brands đã thông báo show diễn năm nay chính thức bị hủy bỏ. Giải thích về quyết định này, ngài Les Wexner - CEO của L Brands phát biểu: “Thời trang là một ngành luôn thay đổi. Chúng tôi phải thay đổi để phát triển. Với quan niệm đó, chúng tôi đã quyết định xem xét lại show nội y truyền thống của Victoria's Secret và đưa ra quyết định rằng việc tiếp tục show trên sóng truyền hình không còn phù hợp nữa”. Trước thông tin này, nhiều khán giả trung thành đã “chua xót” mà nói rằng có lẽ cú ngã của người mẫu Trung Quốc Ming Xi ở VSFS 2017 chính là điềm báo hiệu cho hồi kết đáng buồn của Victoria’s Secret Fashion Show.

Tháng 2/2020, L Brands - công ty mẹ của Victoria's Secret - tuyên bố sẽ bán 55% cổ phần của đế chế đồ lót này cho Sycamore Partners. Thỏa thuận này sụp đổ vào ngày 4/5 theo Reuters đưa tin. Đến 20/5, Victoria’s Secret tuyên bố kế hoạch đóng cửa vĩnh viễn 250 cửa hàng tại Mỹ và Canada trong năm 2020.

Đỉnh vinh quang không phải cái gì đó bất biến. Không ai là “ông hoàng, bà hoàng” mãi mãi nếu như bạn không biết cách thay đổi tư duy, bắt kịp thời đại và biết lấy khách hàng làm trọng tâm. Victoria’s Secret đang đứng trước bờ vực vô cùng mong manh khi tình hình kinh doanh đang ngày càng đi xuống. Những người yêu thích Victoria’s Secret đang kỳ vọng vào một phép màu giúp hãng có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và vực dậy thời hoàng kim như xưa. Victoria’s Secret có lẽ vẫn sẽ ở đó, nhưng là một sự tồn tại khiến người ta tiếc nuối về một thời huy hoàng của đế chế nội y huyền thoại này.