Mỗi người trong chúng ta đều có những đam mê và định hướng của riêng mình. Thế nhưng, khi những đam mê ấy không cùng hướng với công việc và tiền bạc, hẳn ai cũng phải đắn đo suy nghĩ trước câu hỏi: Liệu mình có đủ sức "cân" tất cả?


Câu hỏi ấy cũng từng được đặt ra với Đỗ Nguyễn Anh Quý, chàng kiến trúc sư đang nổi lên như một hiện tượng về những công trình cải tạo nhà ở. Là Giám đốc kiêm người sáng lập Sun Concept, từng trải qua khoảng thời gian chật vật để tìm kiếm cơ hội cho bản thân, Quý có những câu chuyện riêng về cách vượt qua vùng an toàn và gắn liền đam mê với thu nhập đáng mơ ước...

* Kiến trúc sư là nghề hot trong giai đoạn đô thị hóa hiện nay, còn anh lại đang là giám đốc của 2 công ty kiến trúc. Mọi thứ được bắt đầu như thế nào: Một đam mê từ nhỏ hay là định hướng của bản thân trong quá trình học hỏi?

- Có lẽ, ngành kiến trúc tự tìm đến với tôi chứ ban đầu, mọi thứ không xuất phát từ đam mê. Hồi trẻ, vì ham chơi, tôi rớt đại học một năm rồi vào Sài Gòn thi tiếp. Tôi chọn thi kiến trúc, bởi suy nghĩ đơn giản: học vẽ thì dễ hơn là học thêm một môn lý thuyết để thi đầu vào (cười). Rồi ngay cả khi thi đậu, tính tôi thích nhiều thứ nên tôi đi làm tùm lum. Thật ra, khi tốt nghiệp, tôi tính trở thành một designer để phát triển về mảng thiết kế. Nhưng mọi thứ không thành hiện thực, tôi phải quay lại nghề này. Bỗng dưng lúc ấy cơ hội lại mở ra, cô tôi kêu tới nhà để thiết kế cải tạo lại sân thượng. Hoàn thành xong, bạn bè của cô thấy thích, kêu tôi tới làm tiếp rồi lại giới thiệu thêm mối khác. Cứ vậy, từ từ 4 năm thì tôi có công ty riêng...

* Chúng ta thường đặt định hướng nghề nghiệp bên cạnh vấn đề tiền bạc. Bởi thực tế, muốn sống được với đam mê, tiền là điều kiện cần và đủ. Việc chọn nghề của anh có như vậy không?

- Tôi có thể trả lời không ngần ngại: ước mơ của tôi là kiếm tiền. Những công việc mang lại tiền bạc tôi sẵn sàng thử sức, thay vì làm theo đam mê rồi đợi tiền bạc đến sau. Bản tính của tôi từ nhỏ đã vậy, từ khi học cấp 2, cấp 3 đã đi bán hàng rồi làm những công việc khác. Rồi khi sinh viên, tôi cũng đi làm phục vụ bàn, rồi đứng ra bán buôn nhiều lắm: bán sách, bán vở bán bánh..., nói chung cái nào kiếm ra tiền thì làm thôi.

Chắc bạn nghĩ, điều này đến từ hoàn cảnh. Thật ra gia đình tôi cũng có thể gọi là tạm đủ ăn đủ mặc. Nhưng, tôi lại thích có tiền để mua cái nọ cái kia. Nhìn bạn bè sở hữu những thứ mà mình không có - cảm giác ấy cũng buồn, cũng khiến mình cố gắng kiếm tiền để mua những thứ yêu thích. Chỉ có điều, tôi muốn phần tiền ấy là do mình làm ra chứ không phải dựa dẫm bố mẹ hay xin ai.

* Tôi từng gặp khá nhiều bạn trẻ vẫn loay hoay giữa câu chuyện đam mê và tiền bạc khi lập nghiệp. Theo anh, họ thiếu một sự dứt khoát hay là những gì nữa?

- Tôi nghĩ, các bạn ấy đang không xác định được mình muốn gì. Chẳng hạn, họ vừa muốn theo đuổi đam mê, vừa băn khoăn không hiểu đam mê ấy có kiếm ra tiền không, nên loay hoay không dám quyết. Rồi thêm nữa, nếu phải chia tay với đam mê, họ lại sợ rơi vào cảnh sống không có mục đích, tức là vẫn không dám vượt quá cái đam mê của mình. Theo một nghĩa nào đó, câu chuyện vẫn là sự sợ khó và sự sợ thất bại. Các bạn ấy cần biết cách nhìn thẳng vào mâu thuẫn đang có.

Thật ra, nếu chưa thất bại bao giờ, người ta sẽ dễ phân vân, sẽ nghĩ nhiều về những rủi ro khi lựa chọn. Tôi thì có nhiều lần thất bại rồi, nên khi cần quyết điều gì thì nhanh lắm (cười). Và nếu thất bại tiếp, đó sẽ là một bài học mới cho mình.

* Với những thất bại trong quá khứ, đã bao giờ anh thấy tự nghi ngờ về năng lực của mình chưa?

- Có chứ. Khi tốt nghiệp xong, đi làm nghề design, tôi có một năm trời gần loay hoay tìm việc và phải sống nhờ trợ cấp của gia đình. Lúc ấy, tôi có cảm giác như mình không có tài năng gì hết nên mọi thứ  mới thành như vậy. Ngành kiến trúc học 5 năm, tôi đi học trễ thêm một năm nữa - trong khi bạn bè đồng lứa sau 4 năm học thì hầu hết đi làm ổn định. Cái suy nghĩ mình chậm hơn bạn bè khiến tôi mệt mỏi vô cùng.

Rồi, ngay cả khi thành lập công ty, cũng phải khoảng 2 năm trôi qua thì công việc mới đi vào ổn định. Mọi thứ không hề suôn sẻ, cũng có những lúc tôi  muốn bỏ cuộc. Nhưng cái thế của mình khi ấy là đã có gánh nặng trên vai. Tôi phải trả lương cho nhiều nhân viên, phải giữ quan hệ với các đối tác cộng sự. Giống như vào đường đua, dù chậm hay nhanh thì bạn cũng phải chạy, không ngừng được.

Nhìn lại, tôi thấy mình có may mắn được trải qua những thử thách trong công việc, thậm chí là được nếm trải cảm giác cùng cực, gần như tuyệt vọng trước khi đi lên. Và nếm cảm giác ấy rồi thì mình “trơ”, dễ vượt qua những nỗi buồn nếu gặp.

* Nhưng theo thời gian, sự đam mê của chúng ta liệu có thay đổi? Chẳng hạn, là một kiến trúc sư, anh có luôn bảo vệ ý tưởng của mình trước khách hàng, thậm chí là nói không nếu cần thiết?

- Cũng có những trường hợp nói không. Nhưng thật ra, khác với suy nghĩ của mọi người, tôi không giữ cái tôi quá nhiều trong công việc. Với tôi, nhà là của khách hàng, không gian sống là của họ, chứ không phải họ bỏ tiền ra để có không gian sống dành cho ông kiến trúc sư đang tư vấn. Bạn có thiết kế đẹp tới đâu theo ý tưởng cá nhân thì mọi chuyện vẫn là rất tệ, nếu khách cảm thấy đó chưa phải không gian dành cho mình.

Ngày trước cũng có những lúc tôi tranh cãi với khách. Thật lòng, cảm giác họ thuê kiến trúc sư nhưng vẫn không tôn trọng, không nghe ý kiến của mình thì nặng nề vô cùng. Rồi dần dà, tôi nhận ra: phải học cách đặt mình vào vị trí của khách hàng để hiểu suy nghĩ của họ. Và việc của tôi là cố gắng hoàn thiện căn nhà và không gian mơ ước của khách, thay vì của mình. Hãy dùng cái tôi và sự sáng tạo để khách hàng gần với mơ ước ấy hơn. Đó là sự thay đổi theo thời gian mà tôi có được.

*Vẫn với câu chuyện về sự đam mê, tôi có một băn khoăn: ở nhiều ngành nghề, dường như yếu tố ây chỉ là bước khởi đầu, và sau đó phải là câu chuyện về năng khiếu, tố chất bẩm sinh. Những ngành có liên quan tới nghệ thuật  - có thể kể đến ngay cả kể kiến trúc của anh nữa – là minh chứng điển hình. Chúng ta liệu có bù đắp được việc thiếu hụt những yếu tố ấy bằng sự cần cù và kiên trì không?

- Phần nào, tôi cho là có đấy, với điều kiện bạn hãy thật sự kiên trì, chịu khó tìm tòi và luôn tập trung cao độ để phát triển khả năng của mình. Và đó phải là sự trau dồi, chăm chỉ thường xuyên chứ không thể lướt qua một cách đại khái. Tìm hiểu nghiêm túc, phân tích nghiêm túc để biết mình đang thiếu và yếu cái gì, thì mọi thứ có thể sẽ được khắc phục dần theo thời gian. Có nghĩa, đó là sự nghiêm khắc cần thiết với chính bản thân.

Xin lấy ngay chuyện của tôi làm ví dụ. Một thời gian dài, tôi vẽ rất xấu, không chỉ mọi người chê mà tự bản thân mình thấy vậy. Nhưng chọn nghề này, không còn cách nào khác, tôi luyện ngày luyện đêm, cặm cụi từ sáng đến tối trong một thời gian dài. Rồi dần dần, kết quả tích cực cũng đến. Điều ấy khiến tôi tin: chẳng có gì là tuyệt đối bất khả thi, nếu bạn thật sự cố gắng học tới cùng, tìm tới cùng và làm tới cùng.

Thiết kế: Hoài My