34 nghìn lượt không thích (lớn gấp đôi lượt thích) đã được dành cho “Cắm sừng ai đừng cắm sừng em” - sản phẩm âm nhạc vừa ra mắt của Phí Phương Anh, cô nàng quán quân Gương mặt thương hiệu 2016. Ở phần bình luận, nhiều khán giả thẳng thừng gọi cô là “thảm họa mới của V-pop” hay “Chi Pu 2.0”. Màn ra mắt ấy lại khiến người ta nhắc lại một câu hỏi cũ: Phải chăng, ở Việt Nam, muốn làm ca sĩ thì chỉ cần… cầm mic?”.


Chuyện người đẹp hay chân dài tập tành làm ca sĩ chẳng còn phải là chuyện mới ở V-pop, khi mà dường như năm nào, ta cũng thấy nghệ sĩ từ lĩnh vực khác “đá chéo sân” để thử sức với con đường âm nhạc chuyên nghiệp. 

Trường hợp của Phí Phương Anh khiến công chúng bỗng nhiên nhớ lại giai đoạn cuối năm 2017, khi truyền thông và mạng xã hội dậy sóng trước việc Chi Pu - hot girl đời đầu và từng tham gia diễn xuất - tuyên bố làm ca sĩ. Để chuẩn bị cho con đường mới này, Chi Pu đã chia sẻ rằng đã chăm chỉ luyện thanh cũng như vũ đạo suốt 3 năm liền. Dù vậy, khi bài hát Từ hôm nay của cô chính thức được ra mắt, Chi Pu dường như bị chìm trong “cơn mưa gạch đá” của công chúng. 

Mọi người tấn công Chi Pu ở bất kỳ mọi nền tảng nào mà cô có mặt. Thậm chí cả những người trong nghề cũng lên tiếng về màn ra mắt này. Như Thu Minh thẳng thắn: “Xin lỗi, tôi chưa thể gọi Chi Pu là ca sĩ” hay Hương Tràm bóng gió trên trang cá nhân: “Hát cho vui thì đừng nên ra sản phẩm, như thế là đang coi nhẹ nghề của người khác”. Từ hôm nay thu về 324 nghìn lượt thích, trong khi lượt không thích cũng đã là 281 nghìn - một tỷ lệ chênh lệch không quá cao. 

Ngoài Chi Pu hay Phí Phương Anh thì còn nhiều gương mặt nổi tiếng trong các lĩnh vực khác cũng thử sức làm ca sĩ và nhận cảnh khen ít chê nhiều. Họ là Midu, Khả Ngân, Ninh Dương Lan Ngọc , Kaity Nguyễn – và khoảng thời gian trước nữa là Angela Phương Trinh, Trương Tri Trúc Diễm. Tất cả đều có một mẫu số chung là xinh đẹp, nổi tiếng, đam mê nhưng bị “ném đá” tới tấp vì thực lực không đủ. 

Thậm chí, nếu Chi Pu và Phí Phương Anh cùng lắm là bị mỉa mai trên mạng hay bị đồng nghiệp nhận xét một cách gián tiếp thì Trương Tri Trúc Diễm còn bị nhạc sĩ chê thẳng mặt “hát quá tệ” tại chương trình Album Vàng số tháng 11 năm 2010.

Trong xu thế này, người ta hay nhớ tới Hồ Ngọc Hà - người được xem là tiên phong và thành công nhất cho hình tượng “chân dài đi hát”. Người đẹp sinh năm 1984 chính là hình mẫu để cho biết bao thế hệ sau trong làng giải trí học tập, khi cô dần chinh phục được khán giả bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của mình để xứng với danh xưng ca sĩ. Thế nhưng, không phải ai cũng đủ năng lực để làm được như Hà.

Bởi, trong làng giải trí, công chúng luôn có những tiêu chí nhất định cho một ngành nghề nào đó. Ví dụ như diễn viên thì phải diễn tốt, biết khóc biết cười, người mẫu thì phải cao, gầy, catwalk tốt, chụp hình đẹp. Còn đã là ca sĩ, yếu tố đầu tiên là phải có một giọng hát hay. 

Thực tế, chưa nói đến những người “lấn sân”, nhiều gương mặt được xem là “ca sĩ chính gốc” vẫn bị khán giả chê trách như thường. Ở V-pop, Erik hay Min là những ca sĩ rất được yêu thích với hàng loạt bản hit thành công nhưng vẫn không thoát khỏi những lời dè bỉu khi hát mà bị nasal (giọng mũi) quá nhiều. Hay như Cheryl - cựu thành viên của nhóm nhạc nữ huyền thoại Girls Aloud tới từ Anh - bị “ném đá” liên tục từ khi ra mắt cùng nhóm năm 2002 cho tới khi ra solo bởi chất giọng bình thường, hát live lúc nào cũng bị lạc tông hay chệch nhịp.

Đến ngay cả ca sĩ còn bị như vậy thì những gương mặt đá chéo sân âm nhạc liệu có thể mong chờ khán giả đối xử với họ một cách nhẹ nhàng hơn, nếu như họ không có tài năng thật sự hay độ nghiêm túc cao khi quyết định “chuyển nghề”? 

Có thể thấy, một trong những lý do khiến ngày càng có nhiều gương mặt đá chéo sân làm ca sĩ nằm ở việc định nghĩa về nghề này đã có sự thay đổi nhất định. Ca sĩ Phương Thanh từng lên tiếng rằng: “Chính xác là khán giả hiện nay không nghe hát” khi nói về quan điểm “thế nào là ca sĩ trong quá khứ và hiện nay”. Khi xưa để được gọi với danh xưng là ca sĩ, những gương mặt ấy thường  phải được học qua trường lớp về thanh nhạc bài bản hoặc đoạt giải trong các cuộc thi âm nhạc uy tín trên toàn quốc. Chung quy thì giọng hát vẫn là yếu tố định hình nên con đường của họ. 

Còn hiện nay, chỉ cần ra mắt một đĩa đơn nhạc số hay Music Video với hình ảnh đẹp mắt và thu về hàng triệu lượt xem, nhiều cái tên có thể tự tin khoác lên hai từ ca sĩ. Phần lớn khán giả ngày nay thích “xem hát” hơn là “nghe hát”, và đó là lý do vì sao các ca sĩ cứ đổ xô đi đầu tư làm Music Video cho thật kịch tính thật hoành tráng nhưng yếu tố quan trọng nhất là ca khúc hay giọng hát thì lại bị xem nhẹ. 

“Đáng lẽ chỉ là một phần của sản phẩm âm nhạc thì Music Video lại trở thành tất cả, là yếu tố đánh giá thành bại của một ca khúc, đánh giá khả năng người hát. Nhiều ca sĩ bắt đầu xác định nó là chiến lược sống còn cho con đường sự nghiệp của mình. Âm nhạc vì thế cũng bị méo mó dần” - nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong  từng chia sẻ. Có phải điều nãy đã vô tình dần mở ra một cách nghĩ sai lầm cho cả những người muốn làm ca sĩ và khán giả, rằng “làm ca sĩ thời này thì chẳng cần hát quá hay”?