Chúng ta hay nhắc tới Trung thu bằng sự hoài niệm, và cả chút băn khoăn về việc phần nào mất giá trị truyền thống cũ.  Để rồi, ít ai muốn  nhận ra: chỉ với những gì đang có, Trung thu cũng vẫn có sức hấp dẫn riêng và mang lại cảm xúc riêng cho từng cá nhân của năm 2020 này.

Giới trẻ - những người từng đón cả hai mùa Trung thu xưa và nay – nghĩ gì về câu chuyện này? Đó là câu hỏi Yan đặt ra với những Liên Bỉnh Phát (diễn viên), Huy Cung (Vlogger, ca sĩ), Bảo Ngọc (sinh viên) và Hồ Bảo Long (Kỹ sư xây dựng).

* Những năm gần đây, anh chị thường đón Tết Trung thu theo cách nào? Đã bao giờ anh chị trải nghiệm  một cái tết Trung thu “hiện đại” cho người lớn, chẳng hạn như cùng mấy người bạn ngồi liên hoan, ngắm trăng?

- Liên Bỉnh Phát: Lúc còn là sinh viên, ở xa nhà, Trung thu cũng là tôi dịp tụ tập bạn bè, cảm giác cũng hân hoan lắm. Nhưng, những buổi liên hoan đó giờ được thay thế bằng những khoảnh khắc dành cho gia đình. Những năm gần đây, với tôi, Trung Thu là thời gian ở nhà, hoặc đưa mẹ đi xem người ta nô nức múa lân đánh trống.

- Huy Cung: Vì tính chất công việc nên Huy phải chuyển vào Sài Gòn để sống. Những năm gần đây, Huy thường đón Trung thu xa nhà. Thay vì quây quần bên bố mẹ, Huy đón Trung thu ở đây cùng bạn bè thân thiết nhất. Tụi mình không ngắm trăng, nhưng Trung thu là một dịp để ngồi xuống, tâm sự rất nhiều câu chuyện trong suốt thời gian vừa qua.

- Bảo Ngọc: Là một người Hà Nội khá truyền thống và yêu những điều xưa cũ, nên mình thường chọn đón Trung thu với gia đình. Dẫu vậy, thay vì phá cỗ hay chuẩn bị mâm cơm cầu kỳ như xưa, gia đình mình thường lựa chọn các buổi ăn uống, tụ tập bên ngoài nhiều hơn. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, khi mà ai cũng bận rộn. 

- Bảo Long: Mình thường đón Trung thu trên bàn làm việc, ngoài công trường và với công nhân (cười). Dịp ấy, mình chỉ tranh thủ gọi cho gia đình qua chiếc điện thoại. Làm việc trong môi trường toàn những người xa nhà, nên những ngày này anh em cũng chỉ có cách rủ nhau ngồi làm vài ly cho quên cái cảm giác nhớ gia đình.

* Rất nhiều người vẫn hoài niệm rằng Trung thu của ngày xưa tuy thiếu thốn về vật chất nhưng lại vui, có sức hút và được ngóng đợi hơn bây giờ. Anh chị nghĩ  gì về điều này?

- Liên Bỉnh Phát: Nếu xét trên phương diện nông thôn và thành thị, xưa và nay thì đúng là tôi vẫn thích cái không khí đêm Tết Trung thu của nông thôn vào tầm hơn 20 năm trước. Nông thôn thì không nhiều đèn như thành thị, và ngày xưa thì không hiện đại như ngày nay, nên những chiếc lồng đèn làm bằng bóng giấy, những lon sữa được đục khoét và đốt nến bên trong là thú vui duy nhất. Không khí lúc đó có miêu tả thế nào cũng không nói hết được cái vui. 

- Huy Cung: Tôi nghĩ khác, không phải ngày xưa thì có sức hút hơn là bây giờ. Cảm giác ấy là do chúng ta lớn lên. Áp lực của cuộc sống đôi khi khiến nhiều người không còn bận tâm nhiều vào những ngày lễ trong năm, đặc biệt là một ngày lễ cho thiếu nhi. Nếu hiểu được điều đó, biết chia sẻ với các em về sự háo hức, nôn nóng chờ đến Tết Trung thu thì tất sẽ chúng ta sẽ cùng vui.

- Bảo Ngọc: Mình rất nhớ Trung thu xưa, khi bà nội vẫn ở với gia đình mình. Cứ tối Trung thu, cả nhà tranh thủ ăn cơm thật sớm rồi cùng nhau phá cỗ. Cả mâm cỗ đơn giản chỉ là chiếc bánh trung thu, vài quả hồng hay ngồi bóc mấy múi bưởi cũng thấy vui. Rồi lại tíu tít cùng đám trẻ hàng xóm đi xem múa lân, cầm đèn ông sao rước quanh khu. Thật lòng, mình mong quay lại ngày xưa.

- Bảo Long: Quả thật, hồi nhỏ, cứ đến dịp đầu tháng 8 là mình háo hức cùng bạn bè chung tiền mua giấy, tre làm đầu lân rồi đến ngày rằm thì rủ nhau đi xin tiền để mua chiếc bánh nướng. Giờ, Trung thu về trước cả tháng, không khí vì thế chắc cũng loãng dần ra. Nhưng, đó là với lứa mình thôi. Trung thu với trẻ em bây giờ vẫn vui, có sức hút và được ngóng chờ nhiều.

* Về bản chất, Tết Trung thu là một ngày Tết cho trẻ em. Vậy những người ở độ tuổi 20 - 30 như anh chị có tìm thấy một ý  nghĩa gì cho riêng mình không?

- Liên Bỉnh Phát: Bây giờ, đứng trước ngưỡng 30 tuổi, ngày Tết Trung thu cũng là dịp tôi được thể hiện trách nhiệm của một người chú, có thể mua quà, bánh, đèn lồng, tạo sân chơi cho mấy đứa cháu. Như thế, Tết Trung Thu cũng có ý nghĩa đối với tôi.

- Huy Cung: Thật ra, do guồng quay của công việc, mọi thứ trong cuộc sống hiện tại quá nhanh nên Huy cũng không còn để tâm nhiều đến việc tìm ý nghĩa riêng cho mình. Tụ họp bè bạn, chia sẻ cảm xúc tích cực cho nhau, có thể giúp đỡ nhau sau lần tâm sự, đó là mục đích chính nhất của buổi họp mặt đêm Trung thu.

- Bảo Ngọc: Dù sự mong chờ, háo hức của ngày xưa không còn nhưng Trung thu với mình vẫn rất ý nghĩa. Đó là cái dịp chẳng cần hẹn mà cả gia đình vẫn đông đủ và quây quần bên nhau. Chỉ cần như vậy đã là vô giá rồi, trong cuộc sống tất bật bây giờ.

- Bảo Long: Vào ngày Trung thu, thay vì cảm giác trông chờ kẹo bánh hồi xưa, thì giờ mình phải biết đặt bánh gửi về cho ba mẹ, đến ngày gọi về cho ba mẹ để họ đỡ tủi thân... Nói chung, ta vẫn có thể tìm thấy mình trong Tết Trung thu từ sự trưởng thành và trách nhiệm.

* Có một thực tế, sự phát triển đã cắt đi rất nhiều thứ của Trung thu cũ, thay vào đó những yếu tố hiện đại xuất hiện ngày một nhiều. Theo các anh chị, ta nên có tâm thế băn khoăn Trung thu có còn là Trung thu nữa không, và có nên chấp nhận sự thay đổi của nó?

- Liên Bỉnh Phát: Sự phát triển của thời đại buộc người ta luôn thích nghi. Ngày nay, tôi tin các bạn nhỏ vẫn cảm thấy rất hứng thú với một đêm Trung thu đầy tiện nghi, đồ điện tử và những buổi lễ hội hiện đại. Truyền thống hay hiện đại chỉ là những phương tiện, quan trọng là phương tiện đó mang đến cho trái tim những cảm xúc riêng.

- Huy Cung: Huy nghĩ là việc mua đồ chơi điện tử, tổ chức những đêm hội chuyên nghiệp,... dần dần nó cũng sẽ trở thành truyền thống trong tương lai. Không thể mãi nghĩ đến những điều xưa cũ trong khi đang sống trong thời đại 4.0 được. Những nét truyền thống đặc trưng thì bắt buộc phải giữ, nhưng cũng nên có cái nhìn thoáng hơn để cho con em chúng ta cũng cảm nhận được sự thoải mái trong từng giai đoạn của cuộc sống.

- Bảo Long: Theo mình, xã hội phát triển thì Tết Trung thu cũng sẽ phải dịch chuyển để phù hợp. Mọi thứ vẫn ý nghĩa theo cảm xúc của từng cá nhân, bọn trẻ thì vẫn háo hức với đồ chơi hiện đại, còn người trẻ “có tuổi” chút như mình lại háo hức để tìm về ký ức cũ. Ý nghĩa hay không là do người ta đón nó với tâm thế nào.

- Bảo Ngọc: Trung thu dù có thay đổi theo hướng này hay hướng khác thì nó vẫn mang ý nghĩa về một ngày lễ đoàn viên, một cái lễ Trăng rằm của trẻ em. Mình nghĩ truyền thống khi xưa hình thành nên từ thói quen của người Việt, và đến nay, thói quen ấy nếu có đổi khác, thì cũng chẳng có lý do gì mà ta lại không chấp nhận điều này. Trung thu vẫn là Trung thu, vậy thôi!

*Cảm ơn các bạn vì đã dành thời gian chia sẻ!