Nhiều tờ báo châu Á từng ví thị trường Âu – Mỹ như là một miếng bánh mà ai cũng muốn có phần. Âm nhạc châu Á cũng không phải là ngoại lệ.


Về mặt văn hoá, việc có chỗ đứng trong thị trường này giúp âm nhạc châu Á khẳng định được chất lượng, tạo nên sự ảnh hưởng và sức lan tỏa ở phạm vi toàn cầu. Trong khi đó ở mặt kinh tế, đây là thị trường rộng lớn, có sức tiêu thụ đầy tiềm năng mà nhiều nền nhạc chắc chắn không thể ngó lơ.  
 

Ngày 31/8/2020, BTS tạo nên lịch sử khi đoạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng danh giá toàn cầu Billboard Hot 100. Không chỉ là nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên đạt No.1 tại đây mà BTS còn mang về thành tích này cho nền nhạc châu Á sau 57 năm chờ đợi. Hạng nhất trên BXH Billboard Hot 100 là cái đích đến của rất nhiều nghệ sĩ đang làm nhạc. Và kể cả những tân binh hay đến những huyền thoại âm nhạc tại  Âu Mỹ, Billboard Hot 100 vẫn luôn là một điều lớn lao mà ai cũng muốn chinh phục. Kết quả này chứng minh, BTS – một đại diện đến từ châu Á cũng mang sức nặng, hoàn toàn có thể chinh chiến với bất kỳ ngôi sao quốc tế nào.
 

Đó cũng là một phần trong chuyến hành trình BTS nâng tầm vị thế của K-pop, mở ra hy vọng về một ngày nhạc châu Á có chỗ đứng vững chắc, chinh phục được thị trường âm nhạc khó tính như  Âu Mỹ.

Tuy nhiên, giữa hy vọng và thực tiễn vẫn là một khoảng cách rất lớn. Ai dám chắc, thành công này là lợi ích cá nhân của riêng BTS và K-pop hay sẽ thực sự là một bàn đạp vững chắc để âm nhạc châu Á sinh sôi nảy nở tại thị trường Mỹ. Khi trong suốt hàng chục năm qua, đã có rất nhiều cái tên châu Á, nuôi hy vọng “có một kết quả nào đó” tại thị trường khó tính này và cuối cùng đều “khăn gói” trở lại quê nhà trong tiếc nuối. Chưa kể, không phải ai cũng làm được điều “ngang ngược” như nhóm nhạc Hàn Quốc này: Giữ nguyên bản sắc mà vẫn tiếp cận được những vị khán giả khó tính từ phương Tây.
 

Làn sóng “Mỹ tiến” trong nhiều năm qua chứng kiến sự góp mặt của rất nhiều nghệ sĩ châu Á. Nói không xa khi ở làng nhạc Việt, rất nhiều nghệ sĩ đã và đang mang tham vọng tiến xa đến thị trường thế giới. Sơn Tùng M-TP cho thấy sự đột phá khi bắt tay với ngôi sao tầm cỡ thế Snoop Dogg và Madison Beer với dự án Hãy Trao Cho Anh. Ca khúc mang đậm hơi hướng Âu Mỹ với La tin, Hip-hop, lại thoả mãn ở phần nhìn với những cảnh quay đẹp mắt được thực hiện ở Mỹ. Từng đường chân nước bước thể hiện rõ ước mơ lớn lao của Sơn Tùng M-TP trong việc chinh phục thị trường âm nhạc thế giới. Không thể phủ nhận, nam ca sĩ là người tiên phong, đi đầu song việc giúp âm nhạc Việt có sức ảnh hưởng văn hoá đối với thế giới lại là một câu chuyện rất dài. Điều này không thể cần riêng Sơn Tùng M-TP mà còn phụ thuộc lớn vào một nền công nghiệp giải trí chuyên nghiệp phía sau.

Ngay cả với K-pop – một nền công nghiệp âm nhạc lớn nhất nhì cũng phải chật vật trong hành trình đưa âm nhạc ra thế giới. Trước sự thành công của BTS, từng có nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc K-pop đã nuôi ước mơ tiến vào thị trường nhạc Mỹ. Ngay từ những năm 2006, các công ty giải trí lớn đã lên kế hoạch cho “gà nhà” Mỹ tiến, từ những ca sĩ solo đình đám như Se7en, BoA… hay đến những nhóm nhạc hàng đầu như SNSD, Wonder Girls… Tuy nhiên, tất cả trong số đó đều ngã một cú đau đớn trên con đường “mang chuông đi đánh xứ người”. Về điều này, trang Daily Mail từng phân tích: “Có rất nhiều lý do khiến idol K-pop thất bại khi lấn sân thị trường âm nhạc hàng đầu như châu  Âu và châu Mỹ, có thể kể đến là ngôn ngữ, âm nhạc khác thị hiếu đám đông và có cả sự kỳ thị”.

Đến năm 2012, PSY cùng ca khúc Gangnam Style đã làm mưa làm gió thị trường âm nhạc thế giới, với điểm nhấn là điệu nhảy ngựa trứ danh. Ca khúc này cũng đã đứng ghi danh hạng 2 trên BXH Billboard Hot 100. Cơn sốt Gangnam Style len lỏi ở mọi ngóc ngách trên thế giới đã khiến K-pop từng bước định hình trong mắt khán giả  u Mỹ. Tuy nhiên, thành công đó cũng không thực sự là điều quá tự hào khi ấn tượng Gangnam Style để lại vẫn chỉ xoay quanh vũ đạo ngựa và một MV châm biếm, hài hước. Dĩ nhiên, thành công mang tính “hiện tượng nhất thời" đó cũng không đủ sức tạo ra một con đường dài đưa K-pop ra thế giới. Cuối cùng, PSY thất bại ê chề tại Mỹ, dù có tài năng, lợi thế ngôn ngữ và khởi đầu vững chắc. 
 

Âm nhạc đại chúng Hàn Quốc nói riêng hay nhạc châu Á nói chung có thâm nhập được thị trường  Âu Mỹ hay không, chắc chắn không chỉ dựa vào riêng mình BTS. Đó là một quá trình dài, cần sự chung tay của K-pop và cả một nền nhạc châu Á. Không thể phủ nhận rằng, công chúng Hoa Kỳ đang dần tò mò hơn về K-pop sau thành công của BTS thế nhưng thực tế cho thấy hành trình Mỹ tiến đối với nhiều nhóm nhạc K-pop không hề dễ dàng. 

BLACKPINK gây chú ý nhờ những buổi hoà nhạc cháy vé, xuất hiện trên các TV shows, truyền hình, nhiều cơ hội quảng bá tại Mỹ nhưng nhóm vẫn chưa thực sự để lại ấn tượng sâu sắc cho các fan US-UK. Trong khi đó, SuperM - một dự án SM Entertainment tạo ra với tham vọng chinh phục thị trường Mỹ cũng sớm trở thành “bom xịt". Đứng lên từ những thất bại trong quá khứ, học hỏi từ thành công của BTS đang có, thế nhưng, việc chinh phục thị trường âm nhạc khó tính này vẫn là một bài toán khó giải với K-pop lẫn âm nhạc châu Á nói chung. 

Thiết kế: Hoài My