Chẳng cần mất một tuần kể từ khi khởi chiếu, The Call (Cuộc gọi) đã nằm chễm chệ trên top đầu của những bộ phim được tìm kiếm nhiều nhất trên Netflix và tạo nên cơn sốt khủng khiếp trên khắp các trang mạng xã hội lớn nhỏ.


Và đó cũng là một điểm sáng giữa không khí ảm đạm của điện ảnh Hàn những ngày cuối năm 2020.

Từ thời điểm bắt đầu chiếu trên Netflix (27/11), The Call nhanh chóng đưa cơn sốt "cuộc gọi" vượt khỏi biên giới xứ kim chi để chạm tới con số cực kỳ ấn tượng theo đánh giá của Google: 95% người xem đã thích bộ phim này.

Tại Việt Nam, sức hút The Call cũng làm các "mọt phim" điêu đứng. Khắp các trang mạng xã hội Việt Nam, thông tin về bộ phim xuất hiện dày đặc cùng vô vàn bình luận gửi lời khen tích cực cho nội dung, hình ảnh cũng như diễn xuất của các nhân vật.

Rõ ràng, nhìn từ kết quả thực tế, không thể phủ nhận thành tích “ổn áp” mà The Call đã gặt hái được. Đáng nói, trước khi khởi chiếu, không ít những hoài nghi đặt ra xoay quanh câu chuyện một đạo diễn trẻ mới 30 tuổi như Lee Chung Hyun lại sẵn sàng "cầm trịch" bộ phim thuộc thể loại hình sự, kinh dị - điều mà hầu hết chỉ người dày dặn kinh nghiệm mới dám làm. Chưa kể, anh còn kiêm luôn vai trò biên kịch.

Lý giải về cơn sốt The Call tại Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung, phần đông khán giả đều nhắm tới sức hút của nội dung. Thực tế, bối cảnh du hành ngược dòng thời gian mà bộ phim khai thác không hề mới lạ, chưa kể bộ phim Hàn Quốc này cũng được làm dựa trên tựa phim The Caller sản xuất bởi Anh và Puerto Rico năm 2011.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc làm phim remake đã trở thành một trong những thế mạnh của màn ảnh xứ kim chi khi có không ít tác phẩm thành công. Và ở The Call, dù đề tài không hề mới, điểm nhấn nổi bật giúp phim kéo lại khán giả chính là cuộc rượt đuổi như mèo vờn chuột, gay cấn đến nghẹt thở giữa bộ đôi diễn viên chính Park Shin Hye (vai cô gái hiện tại Seo Yeon) và Jeon Jong Seo (thủ vai ác nữ quá khứ Young Sook).

Câu chuyện chiếc điện thoại gọi ngược về quá khứ 20 năm xuyên suốt bộ phim tạo nên mối liên kết đơn thuần giữa hai nhân vật chính nhưng lại là khởi nguồn cho bao biến cố: từ hình ảnh những người phụ nữ đồng cảm và giúp đỡ nhau, những ghen ghét, đố kỵ dần nảy sinh ở kẻ quá khứ - người hiện tại dẫn đến đỉnh điểm là cuộc đối đầu cam go để đưa mọi thứ trở về như lẽ ban đầu.

Không ít khán giả dành lời khen cho đạo diễn Lee Chung Hyun với một kịch bản được xây dựng chi tiết, chặt chẽ và khá gọn gàng, đem tới lượng thông tin vừa đủ cho người xem. Bộ phim duy trì được nhịp điệu hài hòa, mạch phim ổn định, càng về cuối càng đẩy nhanh tính kịch tính.

Tất nhiên, bảo chứng cho chất lượng phim không thể không bỏ qua màn trình diễn ấn tượng của hai diễn viên chính. Sự xuất hiện của "nữ hoàng màn ảnh" Park Shin Hye được xem như một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của bộ phim. Đây là tác phẩm điện ảnh thứ 2 mà cô tham gia, sau dự án cũng thuộc thể loại kinh dị mang tên Alive kết hợp cùng Yoo Ah In.

Hoá thân vào vai cô gái trẻ mang trong mình nỗi đau bởi mối quan hệ gia đình sứt mẻ, lại vô tình vướng phải cuộc chiến với quá khứ, nhân vật của Park Shin Hye đi từ niềm vui khi tai nạn ngày xưa được sửa chữa, đến đau đớn vì bỗng chốc rơi vào bi kịch mất tất cả. Những giằng xé đầy tâm trạng  ất được nữ diễn viên tái hiện vô cùng chân thực và đầy thuyết phục.

Và, nếu như Park Shin Hye đã quá quen mặt với khán giả Việt thì bạn diễn của cô - Jeon Jong Seo lại là cái tên khá mới, ngay trong cả làng giải trí Hàn. Tuy nhiên, vai ác nữ quá khứ do tân binh này đảm nhận được xem như điểm sáng lớn nhất của cả bộ phim.

Từ cô gái trầm mặc, tàn tạ vì chịu sự hành hạ tới vẻ lạc quan, vui tươi khi tìm được người bạn của tương lai rồi lại thay đổi 180 độ hoá máu lạnh, tàn bạo - mọi sắc thái ấy đều được Jeon Jong Seo lột tả cực kỳ thành công. Đáng nói, dù tức giận bởi dáng vẻ độc ác của nhân vật này, người xem cũng nhìn thấy sự đồng cảm đến mức đáng thương.

Điều khiến người xem ấn tượng ở The Call không chỉ nằm ở kịch bản hấp dẫn hay diễn xuất của diễn viên mà còn là những ý nghĩa, bài học lớn được gửi gắm trong từng chi tiết.

Xoay quanh yếu tố kinh dị trong phim là mối quan hệ gia đình, một bên vì những hiểu lầm, trách móc trong quá khứ mà mẹ con dần xa cách nhau, một bên lại chịu sự dày vò, hành hạ từ chính người ruột thịt khiến bản chất con người ở lâu trong "vũng lầy" bị biến đổi.

Đặc biệt, chi tiết người mẹ đứng ra đấu tranh và chấp nhận nguy hiểm để bảo vệ sự sống cho con gái một lần nữa đề cao thứ tình cảm thiêng liêng này. Từ đây, những nút thắt mâu thuẫn mẹ con được xoá bỏ và cũng là lúc người ta nhận ra: Cần phải biết trân trọng những gì đang có ở hiện tại hơn là cứ chăm chăm thay đổi quá khứ.

Bộ phim mở ra câu hỏi khiến nhiều người phải suy ngẫm: "Nếu có thể gọi một cuộc điện thoại quay ngược thời gian về quá khứ, bạn sẽ thay đổi điều gì?". Tuy nhiên, đáp án dường như đã cài cắm rõ nét trong từng tình tiết phim. Rõ ràng sự thay đổi của quá khứ đôi khi mang tới những điều tốt đẹp trong tương lai nhưng nó cũng có thể biến hiện tại trở thành một mớ hỗn độn bởi sự xáo trộn không theo quy luật tự nhiên.

Cùng với đó, pha “bẻ cua” phút chót ở after credit - khi nhân vật ác nữ quá khứ choàng tỉnh và bắt nhốt cô gái hiện tại kèm một cái kết mở - phần nào càng làm khán giả thấm thía về sự trả giá của con người khi "nhúng tay" vào thay đổi số phận. Rõ ràng, quá khứ nên chỉ mãi là quá khứ.

Nhìn một cách khách quan, The Call cũng không tránh khỏi những kẽ hở phi logic. Nhưng, sự hoàn hảo luôn có một giới hạn nhất định. Và bỏ qua những "hạt sạn" ấy, điều The Call làm được chính là việc đưa câu chuyện của nó tới gần hơn với người xem.

Thiết kế: Hoài My