Gần đây, khái niệm streamer (người làm các video chơi, bình luận về game phát trên mạng internet) đã không còn trở nên xa lạ. Thậm chí, nó còn gắn với một nghề nghiệp hot và mức thu nhập cực kỳ hấp dẫn.


Và, khác với hình dùng của nhiều người, công việc của một streamer không đơn giản chỉ là ngồi trước máy tính, chơi điện tử và giao lưu với người khác hàng giờ liền. Đằng sau nó là cả một cuộc chiến của sự sáng tạo, cạnh tranh và nỗ lực đổi mới.

Theo thống kê mới đây của DFC Intelligence, tính đến giữa năm 2020 trên thế giới đã có tổng cộng hơn 3,1 tỷ người dùng chơi trò chơi điện tử (chiếm 40% dân số của thế giới). Ở Việt Nam con số này là hơn 28 triệu người dùng (theo số liệu của công ty Pokkt từ Ấn Độ vào năm 2018). 

Chính vì sự phát triển vượt bậc theo từng ngày mà ngành công nghiệp giải trí điện tử đã cho “ra đời” một nghề nghiệp mới mang tên streamer. Hiểu nôm na, streamer sẽ là người cùng bạn chơi game, đưa ra bình luận, trò chuyện hay có thể tạo ra những hoạt động thú vị miễn là làm hài lòng những người xem. Dù từng bị mọi người đánh giá là một nghề có vẻ vô bổ và không thực tế, nhưng giờ đây streamer lại đang phát triển rất rầm rộ. 

Ngày 6/6/2011, nền tảng dành riêng cho việc livestream mang tên Twitch ra đời. Nó được xem là nơi khởi nguồn cũng như đặt nền móng cho nghề streamer hiện nay. Không chỉ dừng lại ở Twitch, mà các ông lớn công nghệ khác như Facebook hay YouTube cũng không ngại ngần phát triển những hình thức mới như Facebook Live, YouTube Live nhằm tạo ra nhiều sân chơi cạnh tranh cho các streamer. Dựa theo dự báo phân tích thị trường từ Newzoo, ngành công nghiệp game sẽ có giá trị lên tới 159 tỷ USD vào cuối năm nay. 

Sức hút của nghề streamer không chỉ đến từ tính chất công việc có phần sáng tạo và mới lạ, mà quan trọng hơn cả chính là mức thu nhập khủng mà nó mang lại cho người làm nghề. Thông thường các streamer sẽ kiếm tiền nhờ tiền donate (ủng hộ tiền) của người xem, lượt người đăng ký tài khoản cá nhân, tiền quảng cáo hay tiền từ hợp đồng ký cố định với những nền tảng streaming. 

Trong giới streaming game, PewDiePie (một streamer người Thụy Điển) được xem là streamer nổi tiếng nhất thế giới với 106 triệu người đăng ký kênh YouTube cá nhân. Năm 2019, theo thống kê từ YouTube, tổng số lượt người xem video của PewDiePie đạt tới con số 4 tỷ. Anh đã kiếm được tới 15 triệu đô la Mỹ vào năm 2019 (theo số liệu từ Forbes). 

Một cái tên đình đám không kém khác trong thế giới streamer phải kể đến anh chàng người Mỹ - Ninja. Nếu như PewDiePie “nắm trùm” ở nền tảng YouTube, thì ở các nền tảng khác như Twitch hay Mixer, không ai có thể vượt qua được cái tên Ninja. Ninja chính là streamer kiếm được nhiều tiền nhất năm 2019 với 17 triệu USD (theo thống kê từ Forbes). 

Tại Việt Nam, dù mới chỉ xuất hiện trong khoảng 5 năm trở lại đây nhưng những gương mặt streamer đình đám đã khẳng định được độ phủ sóng ấn tượng của mình, thậm chí không hề thua kém bất kỳ bất kỳ một ngôi sao nào của Vbiz. Những cái tên hàng đầu (dựa vào thống kê của Social Blade) như Pew Pew, ViruSs, Cris Devil Gamer, MisThy, Linh Ngọc Đàm,...ngày càng trở nên nổi tiếng và quen mặt với công chúng.

Điển hình, nữ streamer nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay - MisThy với kênh YouTube có hơn 5,5 triệu người đăng ký và tổng số người xem đạt gần 1 tỷ, doanh thu ước tính mỗi năm mà cô nàng này có được rơi vào từ 3,6 đến 51,9 tỷ đồng/1 năm (số liệu từ Social Blade). Đó là còn chưa kể, MisThy thời gian gần đây còn rất chăm chỉ tham gia những chương truyền hình, đóng MV hay quảng cáo cho các nhãn hàng. Hay như ViruSs: Với việc được người xem donate khoảng 30 triệu đồng cho 1 buổi livestream, anh có được mức thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/1 tháng bên cạnh các khoản thu nhập khác như quảng cáo hay sản xuất âm nhạc. 

Thông thường, một streamer ngoài việc phải ngồi trên máy tính từ 6 đến 12 tiếng/ngày để streaming game, nói chuyện, bàn luận, tương tác với người chơi. Thời gian còn lại trong ngày, họ phải ngồi xuống, suy nghĩ ý tưởng cho buổi livestream ngày mai, nghĩ ra những nội dung mới lạ để làm sao không bị chê là nhàm chán. Tất nhiên, việc ngồi nhiều trên máy tính và lịch sinh hoạt bất thường cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của các Streamer. 

Bởi thế, Pew Pew - một trong những Streamer nổi tiếng nhất của Việt Nam đã bất ngờ thông báo không theo đuổi con đường Streamer nữa vì những áp lực mà nghề này mang lại. Anh tâm sự trên trang cá nhân rằng:“Từ mai mình có thể sống một cuộc sống bình thường. Ngày làm 8 tiếng, cuối tuần đi chơi tụ tập cùng bạn bè. Ngủ một giấc không lo sợ nhỡ việc”. Ở một câu chuyện khác, ViruSs từng streaming game liên tục trong 48 giờ không ngủ và sau đó anh phải nhập viện truyền nước biển vì suy nhược cơ thể. 

Và, ngoài sự suy kiệt về sức khỏe và trí não, các streamer luôn phải chịu áp lực cao từ phía người xem. Chỉ cần có chút sai lầm nhỏ, hay đôi khi chơi tệ, một streamer có thể dễ dàng có thể nhận ngay hàng ngàn lời công kích về phía mình. Đơn giản, việc làm hài lòng một cộng đồng đến cả nghìn, chục nghìn, trăm nghìn người luôn là một điều không tưởng.

Giống như, Ngân Sát Thủ - một trong những Streamer nổi bật nhất của trò PUBG Mobile - từng phải lên tiếng than thở: “Áp lực từ những buổi livestream dài hơi mệt mỏi, từ những bình luận tiêu cực của cộng đồng cho đến việc phải luôn học hỏi, tìm tòi để thể hiện tốt hơn chiếm dụng gần như toàn bộ thời gian trong ngày. Mình không còn chút thời gian nào cho bản thân cũng như những người thân yêu nữa”. 

Cuối cùng, streamer không phải là một ngành nghề có tuổi thọ dài, vì thế khi phần nào đã có tên tuổi những streamer nổi tiếng đều tìm cách lấn sân sang các lĩnh vực khác. Xu hướng đó được thể hiện rõ nét trong thời gian gần đây khi một loạt cái tên đình đám như Cris Devil Gamer, MisThy liên tục tham gia những chương trình truyền hình, web drama của các nghệ sĩ nổi tiếng trong showbiz. ViruSs bên cạnh việc streaming game cũng đã hoạt động kinh doanh song song và tham gia sản xuất âm nhạc cho nhiều giọng ca đình đám của V-pop như JustaTee, Amee, Đức Phúc,...