Chưa có lệnh mở cửa chính thức, nhiều cụm rạp phim ở các thành phố lớn đã rục rịch lên lịch trở lại với việc công bố khởi chiếu từ 29/10 cho một số bộ phim bị "kẹt" từ tháng 5. Nhiều nhà sản xuất đang cố gắng giành giật cơ hội "trở mình" trong những tháng cuối năm nhằm cứu vớt tình trạng thất thu kéo dài.

2021, thêm một năm ảm đạm đối với ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam nói chung. 5 tháng ròng rã, các cụm rạp trên cả nước chịu cảnh đìu hiu khi phải đóng cửa im lìm vì hứng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trước đó, tình trạng "đóng - mở" liên tục diễn ra khi tính đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 4 đợt dịch Covid-19. Tới hiện tại, nhiều tín hiệu khả quan cho thấy thị trường phim chiếu rạp sắp được đón khách trở lại, song khi nào mới đủ sức hồi phục hoàn toàn lại là một câu hỏi khó trả lời.

Kể từ thời điểm tháng 5/2021, rạp phim chính thức tê liệt. Việc được ngắm nhìn những "đứa con cưng" bùng nổ trên màn ảnh rộng trở thành ước mơ xa xỉ của nhiều nhà sản xuất. Thay vào đó, nỗi lo về kinh tế trở nên nặng gánh hơn vào giờ hết.

Nhà sáng lập hãng phim Mar6 Pictures, đạo diễn Nam Cito chia sẻ với Zing, cho biết doanh thu của phía công ty hoàn toàn là con số 0 tròn trĩnh trong suốt những tháng nghỉ dịch vừa qua. Điều đáng nói, tình hình dịch bệnh kéo dài khiến kế hoạch sản xuất phim cũng bị trì hoãn, khả năng tình trạng thất thu có thể kéo dài bởi không có phim chiếu. "Ngành phim đang dừng lại để chờ kiểm soát dịch. Chúng tôi cũng không thể mạo hiểm để sản xuất phim thời điểm này bởi chưa thể xác định được lúc nào phim ra rạp cũng như khó khăn trong việc ghi hình. Giải pháp của chúng tôi là tiếp tục đóng băng dự án nhằm tránh rủi ro", đạo diễn Nam Cito cho hay.

Trước đó thời điểm tháng 3 khi rạp phim vẫn còn hoạt động, hãng phim Mar6 Pictures từng cho ra mắt bộ phim Gái già lắm chiêu V, song thành công không như mong đợi, doanh thu chỉ đạt khoảng 40% con số hòa vốn.

Trong khi đó, các đơn vị sản xuất khác cũng rơi vào tình cảnh không khá khẩm hơn. Đại diện BHD cho biết, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng tới công ty: "Chúng tôi phải dừng mọi hoạt động nên khó khăn rất lớn không chỉ ở việc tạm thời dừng sản xuất mà còn mất khách hàng do những chiến dịch PR không thực hiện được". Một số bộ phim do đơn vị này sản xuất cũng chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc "đắp chiếu" chờ thời.

Tính tới thời điểm hiện tại, có không ít bộ phim hoãn tới hoãn lui và vẫn "bó gối" chờ lịch ra mắt như Bẫy ngọt ngào, Rừng thế mạng, Người lắng nghe, 1990,... Ngoài ra, một số tác phẩm được lên kế hoạch sản xuất để phục vụ khán giả trong năm 2022 như Lật mặt 6, Tứ đại mỹ nhân,... cũng rơi vào cảnh "không thấy tương lai" khi phải đợi tình hình dịch ổn định trở lại.

Dịch bệnh làm lung lay cả ngành công nghiệp điện ảnh, không chỉ nhà sản xuất "khóc ròng" mà hệ thống các cụm rạp cũng phải hứng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Galaxy, Lotte Cinema hay CGV... gần như đóng cửa rạp chiếu trên toàn quốc và phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, gồng gánh thêm các khoản chi phí liên quan tới bảo trì máy móc, vấn đề nhân sự.

Trước đó, nhà rạp BHD chia sẻ với Zing: "Trong năm 2021, các cụm rạp chiếu phim của BHD đã phải đóng cửa hai lần. Lần đầu là vào tháng 2, ngay dịp Tết Nguyên đán - đây là thời điểm thường có doanh thu cao nhất trong năm. Lần thứ hai là từ tháng 5 kéo dài đến nay. Thực tế, rạp đã gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh gần 2 năm qua. Hoạt động nhưng doanh thu rất thấp".

Lựa chọn giải quyết vấn đề ảnh hưởng từ dịch bệnh, phía nhà rạp phải cắt giảm lương nhân viên, cầm cự bằng cách tiết kiệm tối đa mọi chi phí. Đại diện hệ thống rạp nhấn mạnh: "Nếu việc đóng cửa kéo dài hơn thì các doanh nghiệp kinh doanh điện ảnh, rạp cũng sẽ khó cầm cự lâu hơn và có thể dẫn đến nguy cơ phá sản".

Cùng tình cảnh, giám đốc nội dung CGV, ông Nguyễn Hoàng Hải cũng không khỏi lo lắng. Việc phát triển nội dung trực tuyến được CGV áp dụng trong giai đoạn giãn cách xã hội, song doanh thu không mấy khả quan. Vị đại diện cho biết, nếu đầu năm 2022 việc tái hoạt động rạp chiếu phim mới được diễn ra thì nguy cơ phá sản đối với các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều là rất lớn.

Đứng trước những thách thức, nguy cơ lớn về vấn đề kinh tế, giới sản xuất phim không ngừng tìm cách trở lại. Đại diện của 20 nhà sản xuất phim đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM bản kiến nghị được phục hồi kinh doanh, sản xuất với những cam kết về việc tuân thủ đúng quy định phòng, chống dịch.

Trong khi đó, phía nhà rạp cũng rục rịch mong muốn mở cửa đón khách. Giám đốc nội dung CGV bày tỏ quan điểm: "Với mong muốn khôi phục lại hoạt động kinh doanh của các rạp chiếu phim tại Việt Nam nói chung và CGV nói riêng, chúng tôi hy vọng chủ trương mới của Chính phủ sẽ cho phép nhà rạp được phép mở cửa hoạt động trở lại vào đầu tháng 11, khi mà các trung tâm thương mại tái hoạt động".

Đây được xem như cơ hội "trở mình" của ngành công nghiệp điện ảnh nói chung sau gần nửa năm đóng băng mọi hoạt động. Ở thời điểm hiện tại, dù chưa có lịch mở cửa chính thức, nhưng những hướng dẫn tạm thời cho hoạt động du lịch, văn hóa, giải trí và thể thao được đưa ra cũng mở thêm hy vọng về việc quay trở lại của rạp chiếu phim. Theo đó, hoạt động của rạp chiếu phim được dựa trên phân vùng cấp độ dịch: đối với địa bàn dịch cấp độ 1 hoạt động 100% công suất, nơi cấp độ 2 giảm 50% khách, khu vực cấp độ 3 giảm 70% khách và ở cấp độ 4 sẽ tạm dừng mọi hoạt động.

Với thông báo này, nhiều cụm rạp đã chuẩn bị xây dựng cuộc sống “bình thường mới”, lên lịch khởi chiếu cho hàng loạt tác phẩm như Kẻ nguyền ta chết, Hung thần trắng, Kẻ vô danh,... ngày 29/10, hay Black Widow, Venom 2, The Conjuring 3, A Quiet Place 2,... ra mắt kể từ 5/11.

Điều đáng nói, đường đua trở lại màn ảnh rộng hầu hết là phim ngoại, trong khi đó, phía nhà sản xuất trong nước lại có phần e dè hơn. Rừng thế mạng là phim Việt đầu tiên công bố ngày ra mắt trong năm nay, dự kiến trình làng vào ngày 31/12. Bên cạnh đó, Thiên thần hộ mệnh, Người lắng nghe: Lời thì thầm,... cũng đang đắn đo về lịch chiếu sau nhiều tháng trì hoãn, khả năng sẽ cạnh tranh với các tác phẩm Hollywood dịp cuối năm nay.

Sự trở lại của rạp chiếu phim là bước đầu khởi động cho quá trình hồi sinh của ngành điện ảnh trong nước. Song, cần bao nhiêu thời gian để "bình thường hoá" lại là đáp án không thể nói trước giữa tình hình hiện tại.