Khi xuất hiện vào cuối những năm 1970 ở các quận nghèo nhất của Thành phố New York, chẳng ai ngờ rằng Rap (một nhánh của Hip Hop) lại có thể phát triển và vững mạnh đến thế tại thời điểm này. Rap giờ đây đã vươn mình trở thành một nét văn hóa đại chúng, chinh phục cảm xúc của hàng tỷ người trên thế giới.


Theo số liệu từ askwonder.com, quy mô của thị trường Rap toàn cầu vào năm 2016 đã đạt 15,7 tỷ đô la Mỹ và dự kiến sẽ còn tăng trưởng thêm khoảng 4,08 tỷ đô la Mỹ nữa vào năm 2021.

Thời điểm chính xác về sự ra đời của nhạc Rap vẫn còn gây tranh cãi, nhưng có một sự thật là Rap được định hình gọi tên một cách vô cùng tình cờ khi mà những MC làm nhiệm vụ khuấy động không khí ở các buổi nhảy nhót trong khu phố cố gắng khiến mọi thứ trở nên giải trí hơn bằng cách sử dụng vần điệu và nói đúng nhịp của âm nhạc. Từ những nền tảng cơ bản đó, Rap chính thức xuất hiện.

Khi Rap trở nên phổ biến hơn, những người thực hiện kỹ thuật này tìm cách tăng độ khó cho nó để gây ấn tượng cũng như thể hiện kỹ năng tuyệt vời của bản thân. Họ sử dụng những giai điệu phức tạp, tập luyện để phần flow (dòng chảy) đi kèm nhạc sẽ thật tự nhiên và trôi chảy. Những cá nhân có khả năng flow ấn tượng luôn được đánh giá cao hơn, ngoài ra họ cũng phải định hình được phong cách riêng của bản thân nhằm biến mình trở thành người đọc Rap xuất sắc nhất của nhóm.

Giai đoạn đầu, người ta biểu diễn Rap trực tiếp với một tinh thần vô cùng phóng khoáng và tự do. Các hãng đĩa chỉ đánh giá nó như một “thứ xu hướng” nên cũng chẳng ai có ý định đầu tư nghiêm túc cả. Tuy nhiên, mọi chuyện đã đi theo một hướng khác mà nếu không có sự kiện này chắc chắn Rap sẽ không thể nào có được chỗ đứng như hiện nay. 

Năm 1979, đĩa đơn Rapper’s Delight của The Sugarhill Gang ra đời và nhanh chóng tạo nên cơn sốt, trở thành một trong mười bản hit toàn cầu vào lúc đó. Sylvia Robinson – chủ của hãng đĩa Sugarhill đã nhìn thấy sự thú vị và tiềm năng của bộ ba “Big Bank Hank” Jackson, “Master Gee” O’Brien cùng Wonder Mike để thuyết phục họ thu âm một bản nhạc để đời. Dù muốn hay không thì những người yêu nhạc cũng phải công nhận rằng Rapper’s Delight chính là khởi nguồn của cả đế chế Hip Hop chứ không riêng gì là Rap. Trang hiphopevolution.com từng có một bài báo với tiêu đề đầy cá tính “Ghét hay thích thì Rapper’s Delight cũng đã thay đổi tất cả”. Bước ngoặt dẫn môn nghệ thuật đường phố góp mặt trong ngành công nghiệp âm nhạc tỷ đô bắt đầu từ đây.

Trong giai đoạn đầu, những sản phẩm âm nhạc Rap đều mang âm hưởng vui tươi, náo nhiệt, tận hưởng cuộc sống với các sản phẩm nổi bật như The Breaks của Kurtis Blow hay Planet Rock từ Afrika Bambaataa. Đến năm 1982, nhóm Grandmaster Flash and the Furious Five đã tung ra đĩa đơn The Message mang đến thông điệp xã hội sâu sắc và bắt đầu khiến các Rapper chú ý nhiều hơn về những vấn đề xảy ra xung quanh mình. Grandmaster Flash and the Furious Five đã báo hiệu cho giai đoạn chuyển mình cực thịnh của Rap nói riêng và Hip Hop nói chung. 

Giai đoạn giữa những năm 1980 được đánh giá là Golden Age (Giai đoạn Vàng) của Hip Hop, không nằm ngoài dòng chảy, Rap cũng phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết. Thay vì cách đọc trên nền nhạc thông thường, những nghệ sĩ đã đưa nhiều yếu tố sáng tạo vào “đứa con tinh thần” của mình như đoạn luyến láy “ma thuật” của LL Cool J, tạo ra phong cách Rap Rock bằng cách thêm hook và tiếng guitar như nhóm Run - DMC hay xuất sắc hơn cả là nhóm Beastie Boys với cách Rap thay cho hát thông thường với phong cách Punk Rock. 

Giai đoạn hưng thịnh của Rap còn kéo dài tới cuối những năm của thập kỷ 1980 và lan ra sang cả những năm đầu của thập kỷ 1990. Những tác phẩm trong giai đoạn này mang nặng các vấn đề về xã hội. Đơn cử như nhóm Public Enemy khi họ dùng âm nhạc của mình để truyền tải thông điệp về sự bất công cũng như phân biệt chủng tộc vào cuối những năm 1980. Những vấn đề chính trị tiếp tục được đào xới bởi các Rapper như Common hay Talib Kweli. Thay vì sử dụng các đoạn beat cực nặng như thời 1980 thì họ chọn truyền tải thông điệp dưới nền nhạc Jazz hay Funk đầy sôi động. Like Water for Chocolate - album phòng thu thứ 4 của Common là minh chứng rõ nhất cho vấn đề này. Đặc biệt, thời kỳ này còn xuất hiện cả những nghệ sĩ nữ, nổi bật là nhóm Salt-N-Pepa với album Very Necessary đứng hạng 4 ở Billboard 200 vào năm 1993.

Phong cách thành công nhất của giai đoạn thập kỷ 1990 phải kể tới là Hardcode Rap, G-Funk và Gangsta Rap. Hardcode Rap được biết tới qua những nhịp độ vừa đủ, giai điệu vui nhộn cùng cách flow đầy chất thơ. Nas, Jay-Z, 50 Cent là những đại diện nổi bật nhất cho phong cách này. Ice-T hay NWA là các cái tên tiên phong cho Gangsta Rap khi họ lên tiếng bằng âm nhạc về những vấn đề của người da đen như bỏ học, chất cấm hay tội phạm. Thậm chí nhóm NWA còn táo bạo hơn khi sử dụng những ngôn từ chửi thề để thể hiện sự bất công mà cộng đồng của họ phải gánh chịu. 

Cả Hardcode Rap, Gangsta Rap lẫn G-Funk đều ảnh hưởng mạnh mẽ tới phong cách của nhiều Rapper hiện nay với phần lời và nội dung táo bạo, thậm chí khiến người nghe phải đỏ mặt. Tuy nhiên nhờ vậy mà nó mới thể hiện được sự phóng khoáng mang đậm chất đường phố của Rap nói riêng hay Hip Hop nói chung.

Bước vào thế kỷ 21, Rap tiếp tục cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của mình trong ngành công nghiệp âm nhạc cũng như văn hóa đại chúng. Old Town Road - đĩa đơn kết hợp của nam Rapper trẻ Lil Nas X kết hợp cùng Billy Ray Cyrus đang là đĩa đơn có số tuần trụ vị trí quán quân lâu nhất của Billboard Hot 100 Singles với tận 19 tuần.

Theo thống kê của BuzzAngleMusic, các đĩa đơn thuộc thể loại Rap chiếm tới 52% trong Top 100 đĩa đơn được streaming nhiều nhất năm 2019. Thị phần tiêu thụ album của thể loại này cũng tăng từ 25,6% (năm 2018) lên 27,7% (năm 2019) dựa vào các báo cáo của Nielsen và Billboard. Cũng theo số liệu của Nielsen, các nghệ sĩ Rap chiếm tỷ lệ tới 29,6% và 31,2% lần lượt trên các nền tảng xem video cũng như nghe nhạc trực tuyến. Nó chiếm tới ⅓ trong tổng số lượt phát ở Hoa Kỳ vào năm ngoái.  Tuy nhiên, các Rapper nói riêng hay cộng đồng Rap nói chung vẫn tồn tại những mặt hạn chế khiến khán giả đại chúng phần nhiều vẫn còn cái nhìn e dè về họ.

Phần lớn những sản phẩm âm nhạc liên quan đến Rap thường đề cập tới nhiều vấn đề được xem là nhạy cảm như tội phạm, chất kích thích hay tình dục. Những người nghe trung thành của Rap cho rằng đây là chất riêng của thể loại này khi giữ được bản sắc của nghệ thuật đường phố. Phe “ghét Rap” thì phê phán và gắn định kiến cho Rap là một thể loại ồn ào với lời bài hát dung tục, phản cảm. 

Bên cạnh đó, các Rapper cũng không ngần ngại đưa các vấn đề xã hội vào sản phẩm âm nhạc của bản thân và đôi khi điều đó làm tổn thương những cá nhân khác. Đơn cử như Eminem đã từng bị người dân Anh “ném đá” vì nhắc tới vụ đánh bom khủng bố tại concert của ca sĩ Ariana Grande ở Thành phố Manchester vào năm 2017. Thị trưởng của thành phố này, ngài Andy Burnham đã phải lên tiếng phát biểu: “Hành động của Eminem là không cần thiết và gây nên tổn thương sâu sắc cho người dân của Manchester”. Hay vụ lùm xùm kéo dài cả thập kỷ của Kanye West với Taylor Swift khi anh “giật mic” ngay lúc khi cô đang phát biểu nhận thưởng ở MTV Video Music Awards 2009. Việc làm này càng khiến hình ảnh những Rapper vốn đã không nhận có được nhiều thiện cảm lại càng xấu xí hơn trong mắt công chúng. 

Trải qua hơn 40 năm, chỉ từ là một nhánh của môn nghệ thuật đường phố, Rap giờ đây đã có một vị trí không thể thay thế trong thị trường âm nhạc. Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển, chúng ta có thể thấy rõ một điều rằng sự thành công của Rap phần lớn đến từ sự sáng tạo không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ. Thay vì trung thành với cách thể hiện trên một nền nhạc đơn điệu, họ đã táo bạo biến tấu Rap với Jazz, Funk, Pop, Rock hay R&B để thỏa mãn niềm sáng tạo cũng như mang đến những sản phẩm chất lượng nhất cho người nghe. Nội dung mà Rap truyền tải đến cho khán giả cũng là yếu tố quan trọng không kém để khẳng định sức hút của thể loại này. Thay vì những vấn đề đơn giản như tình yêu, các Rapper lại chọn các vấn đề gai góc của xã hội là nguyên liệu cho sản phẩm âm nhạc của mình. Sự phát triển và lớn mạnh nhanh chóng của Rap thật sự khiến thế giới phải ngả mũ thán phục.