4 tháng đầu năm 2021 chứng kiến sự lên xuống thất thường của thị trường điện ảnh Việt khi ảnh hưởng của Covid-19 vẫn tồn tại.


Riêng trong tháng 4, lịch chiếu được ví như một "bảng đấu tử thần" khi có tới 10 bộ phim chen chúc ra rạp.

Sau một năm 2020 ảm đạm, các nhà sản xuất bước sang những tháng đầu năm 2021 cũng với sự  ngao ngán vì dịch bệnh quay lại, khiến hàng loạt phim tưởng vẫn rơi vào cảnh đắp chiếu chờ thời.

Bước sang giai đoạn cuối tháng 2, đầu tháng 3, thị trường phim chiếu rạp rục rịch trở lại thêm lần nữa. Để rồi, chỉ trong chưa đầy 2 tháng đã có hơn chục bộ phim dự kiến ra mắt. Đến giờ, "đường đua" phòng vé trong tháng 4 có sự xuất hiện của 12 cái tên: Song song, Người lắng nghe ra mắt ngày 2/4, Vô diện sát nhân, Thiên thần hộ mệnh ngày 9/4, Lật mặt: 48h, Kiều, Bẫy ngọt ngào ngày 16/4, Rừng thế mạng ngày 21/4, Chìa khóa trăm tỉ ngày 23/4 và Bóng đè, 1990, Trạng Tí phiêu lưu ký ra mắt 30/4.

Trở lại nhanh chóng sau quãng thời gian hoãn chiếu dịp Tết Nguyên đán 2021, phía nhà sản xuất đều mong muốn giải toả "cơn khát" phim cho khán giả. Trên thực tế, điều này đã được Bố già của Trấn Thành làm rất tốt trong tháng 3 vừa qua. Bộ phim tạo ra "cú hích" lớn tại phòng vé, liên tục phá vỡ những kỷ lục do chính mình tự xác lập, để rồi sau 25 ngày công chiếu đạt tới doanh thu  (như Trấn Thành tiết lộ) kỷ lục gần 400 tỷ đồng với hơn 5 triệu lượt mua vé.

Cơn sốt từ Bố già tạo nên thiên thời địa lợi cho điện ảnh Việt, khuấy động lại thị trường, khi chứng tỏ khán giả vẫn sẵn sàng “xuống tay” chi tiền cho những bộ phim hay mà không cần phải chờ đúng các dịp lễ. Và, dù phải cạnh tranh mạnh mẽ, phía nhà làm phim đều hi vọng mang "con cưng" xuất xưởng để tạo thêm một bước đột phá nữa như Bố già.

Nhìn vào lịch chiếu cứ vài ba hôm lại có một phim mới, ngay cả khán giả cũng thấy "ngộp thở" khi chọn lựa. Trước những cạnh tranh khắc nghiệt, nhà làm phim Người lắng nghe đã công bố hoãn chiếu, còn Bẫy ngọt ngào dự kiến lùi sang tháng 5.

Minh Hằng, nhà sản xuất kiêm diễn viên Bẫy ngọt ngào cho biết cô muốn lùi lịch để thị trường "dễ thở" hơn. Theo lời Hằng, các phim ồ ạt ra rạp sẽ tự đẩy chính mình và cả khán giả vào thế khó. Việc buộc phải chọn lựa giữa phim này và phim kia sẽ khiến họ bỏ qua những phim chất lượng. Đặc biệt là rất hiếm khán giả nào có thể liên tục ra rạp để xem hết 5 đến 7 bộ phim trong vòng 1 tháng.

Thực tế cho thấy, sự thắng lớn của Bố già được cho là đã đè bẹp các phim khác khi ra mắt cùng thời điểm. Ngay như Gái già lắm chiêu V, được quảng cáo rầm rộ với kỳ vọng sẽ bứt phá hơn so với phần 3 (từng thu về 165 tỷ sau 2 tuần công chiếu) nhưng thực tế chỉ thu về 36 tỷ đồng sau 13 ngày, nghĩa là chưa cân đối được mức vốn 46 tỷ đồng mà nhà sản xuất đã chi ra. Thị trường phim điện ảnh quốc tế tại các rạp chiếu Việt dường như cũng "lép vế" trước sức hút của Bố già. Bằng chứng là Raya và rồng thần cuối cùng, Palm Springs chỉ thu về lần lượt 6 tỷ hay 1,3 tỷ đồng.

Rõ ràng việc "giẫm chân" nhau để tìm cơ hội sống sót sẽ là một thiệt thòi lớn với các phim tầm trung hay quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, sự đổ bộ ồ ạt này cũng làm dấy lên lo ngại ra rạp với tâm thế "chạy deadline" Covid-19. Đạo diễn Lý Hải đánh giá: "Sau một thời gian ngưng chiếu vì Covid thì lịch phát hành mới rất khó khăn vì số lượng phim bị tồn đọng từ năm cũ. Tôi nghĩ trong khoảng thời gian này thì không phải chọn ngày giờ đẹp nữa mà tất cả phụ thuộc vào Covid-19".

Với lựa chọn liều lĩnh khi chia năm xẻ bảy miếng bánh này, việc các bộ phim liệu sẽ thành hay bại vẫn còn là một ẩn số. Và liệu rằng trong tháng 4 sẽ có bộ phim nào đủ sức cham tới kỷ lục mà Bố già đã lập nên?

Thiết kế: Hoài My.