Được đánh giá cao về chất lượng, thế nhưng hàng loạt phim truyền hình lại đang khiến người xem "ngán ngẩm" bởi sự xuất hiện quá nhiều của yếu tố drama. Khán giả Việt dường như ngày càng "khát" các bộ phim mang nội dung vui vẻ.

Dưới nhận định từ phía đạo diễn Nguyễn Phương Điền, phim truyền hình là món ăn tinh thần không thể thiếu trong giai đoạn bùng dịch như hiện nay. Sự "lên ngôi" của truyền hình Việt không chỉ đơn giản bởi yếu tố thời điểm, tìm đúng điểm rơi mà phần lớn nhờ sự đầu tư nâng cao chất lượng. Song, "đầu voi đuôi chuột" lại trở thành nỗi lo của nhiều khán giả dành cho phim Việt khi nội dung được đánh giá kéo dài lê thê, tham những tình tiết bi kịch chồng chất.

"Phim truyền hình giờ là tâm điểm, vượt trội hơn các loại hình giải trí trong thời điểm bùng dịch này. Có lẽ, phim truyền hình đã lấy lại được niềm tin khán giả bằng hàng loạt tác phẩm có chất lượng hơn". Nhận xét của biên kịch Thanh Hương cho thấy sự "lên ngôi" mạnh mẽ của truyền hình Việt khi đang độc chiếm vị trí ưu ái trong lòng khán giả giai đoạn hiện tại.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, không khó để bắt gặp những cuộc thảo luận sôi nổi về các bộ phim truyền hình. Sự quan tâm đặc biệt của khán giả giúp cho tên tuổi nhiều tác phẩm ngày càng phổ biến rộng rãi, thiết lập kỷ lục mới cho mảng truyền hình. Điển hình như Cây táo nở hoa, bộ phim đã cho thấy sức hút mạnh mẽ khi liên tiếp lập kỷ lục.

Phim ghi danh tác phẩm truyền hình có lượt xem cùng lúc cao nhất mọi thời đại, bộ phim có tổng lượt xem cao nhất năm 2021 và trở thành phim truyền hình được quan tâm nhất thời điểm phát sóng. Với lượt xem vượt ngưỡng 350 triệu (tính đến hết tập 39) trên các nền tảng VieON, Facebook, YouTube, Cây táo nở hoa cũng tạo ra "cơn sốt triệu view" mà hiếm có phim truyền hình nào làm được.

Không chỉ Cây táo nở hoa, bộ phim cùng khai thác đề tài gia đình của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cũng đang "làm mưa làm gió" trên khắp các mặt trận mạng xã hội. Hương vị tình thân quy tụ dàn diễn viên "trong mơ" của điện ảnh Việt với nhiều cái tên sáng giá như Phương Oanh, Thu Quỳnh, Mạnh Trường, Hoàng Anh Vũ... hay các diễn viên gạo cội NSND Công Lý, NSND Như Quỳnh, NSƯT Võ Hoài Nam,... 

Chỉ tính riêng một trích đoạn ngắn trong tập 74 của Hương vị tình thân đã đạt 2 triệu lượt xem, thu hút gần 8.000 bình luận và 100 nghìn lượt thích sau 10 giờ đăng tải trên trang VTV Giải trí. Con số này phá vỡ kỷ lục lượt xem của các trích đoạn phim trước đó, đủ để thấy sức nóng của bộ phim lớn cỡ nào.

Bên cạnh đó, "đường đua" phim truyền hình mùa dịch cũng trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết với những cái tên như Hãy nói lời yêu, Thương con cá rô đồng, Mùa hoa tìm lại, Canh bạc tình yêu... Chẳng khó hiểu khi giữa lúc các cụm rạp đóng cửa, phim truyền hình trở thành niềm vui giải trí của nhiều gia đình khi ở nhà nghỉ dịch.

Được đánh giá cao khi từ chất lượng cho tới diễn xuất của dàn diễn viên ngày càng đi lên, song việc cố gắng kéo dài mạch phim để cài cắm quá nhiều yếu tố drama lại khiến truyền hình "mất điểm". Trên thực tế, khán giả dễ dàng nhận thấy phim truyền hình Việt liên tục "vẽ" ra hàng loạt tình tiết nghịch cảnh dồn dập cho nhân vật, đẩy tình huống phim lên đến mức phi lý. Cái hay của việc tạo kịch tính chính là gây ấn tượng với người xem, thế nhưng cái dở lại là việc lạm dụng quá mức khiến khán giả cảm thấy bức bối, mệt mỏi.

Một ví dụ ở bộ phim lập nên kỷ lục cho phân mảng truyền hình là Cây táo nở hoa, được remake từ tác phẩm nổi tiếng Hàn Quốc có tên What’s wrong Poong Sang (2019). Với phiên bản gốc dài 20 tập (mỗi tập 60 phút), đoàn làm phim Việt đã quyết định chỉnh sửa và nâng lên 70 tập với thời lượng 45 phút/tập. Đạo diễn Võ Thạch Thảo lý giải, nếu phim chỉ 20 tập xem không đã.

Một nửa chặng đường của Cây táo nở hoa, khán giả được cùng vui, cùng buồn hay cùng tức giận với nhân vật. Thế nhưng, cái "đã" mà đạo diễn Thạch Thảo nhắc tới vẫn chưa thấy đâu, chỉ thấy trên diễn đàn mạng xã hội, hàng loạt khán giả đòi bỏ phim vì có quá nhiều bi kịch. Hình ảnh nhân vật anh Ngọc (Thái Hoá thủ vai) tần tảo, "đèo bòng" đàn em thơ to xác nhưng bản tính còn bồng bột, trẻ con, thiếu trách nhiệm và hay gây chuyện khiến người xem vô cùng thương cảm. Điều đáng nói, nhân vật này liên tục bị dồn đến tận cùng nỗi đau, chấp nhận ly hôn vợ để "gánh hậu quả" thay các em nay lại thêm căn bệnh hiểm nghèo khó chữa. Những tưởng đã bước tới tận cùng đau khổ sẽ có sự giải thoát cho nhân vật, anh Ngọc lại tiếp tục nhận về lời lẽ chửi bởi, trách móc từ chính đứa em ruột Báu (Nhã Phương thủ vai) khi cô hiểu lầm rằng anh muốn lấy lá gan của mình thay vì cô chị để cứu bản thân.

Trước những bi kịch không nhìn thấy lối thoát của loạt nhân vật chính, đạo diễn Thạch Thảo giải thích: “Chúng tôi chỉ cố gắng biến hoá để những nhân vật sống động, mang sắc thái Việt, để khán giả Việt thấy câu chuyện gần gũi hơn với cuộc sống hàng ngày. Việc tạo ra nút thắt cho từng nhân vật và tháo gỡ những nút thắt đó được chúng tôi làm rất thận trọng”.

Trong khi đó, Hương vị tình thân cũng rơi vào cảnh tương tự khi bị khán giả dọa bỏ xem vì nữ chính Nam (Phương Oanh thủ vai) liên tục gặp bất hạnh. Bộ phim chuyển thể từ tác phẩm Hàn Quốc My only one (2018) với tổng số tập là 120 và hiện tại mới bước sang phần 2. Hay trường hợp của Hãy nói lời yêu, việc để nhân vật Minh (Quang Anh thủ vai) vì áp lực học hành mà tự tìm tới cái chết khiến người xem vô cùng phẫn nộ. Sau cái chết của Minh, các nhân vật trong phim rơi vào trạng thái u sầu, mạch phim ảm đạm. Nhiều khán giả nhận định, bộ phim có tựa đề Hãy nói lời yêu nhưng lại chẳng thấy lời yêu thương nào được nói ra ngoài tấn bi kịch không lối thoát.

Việc phim truyền hình Việt liên tục đẩy tình tiết lên tới cao trào, chú trọng yếu tố drama khiến người xem càng thêm lo ngại về cái kết giải quyết không thỏa đáng hoặc qua loa sau này. Trên thực tế, hiện tượng "đầu voi đuôi chuột" không phải là hiếm trong phân mảng truyền hình. Trước đó, Gạo nếp gạo tẻ từng rất thành công trong việc lấy được cảm tình của khán giả ở phần phim đầu. Phần 1 của phim lên sóng vào năm 2018, trở thành một trong những phim truyền hình thu hút người xem nhiều nhất ở thời điểm phát sóng. Từ khoá về phim liên tục xuất hiện phổ biến trên mạng, đưa truyền hình miền Nam vượt qua giai đoạn "ngủ đông" vì không có tác phẩm ấn tượng.

Sự quan tâm của khán giả thúc đẩy đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh tăng số tập phát sóng dự kiến. Song, điều này lại được cho là sai lầm. Nhiều khán giả nhận xét, phim càng về sau càng đuối sức, phần 2 kéo dài lê thê làm mất đi sự hấp dẫn vốn có. Từ bộ phim được yêu thích, Gạo nếp gạo tẻ bị khán giả quay lưng không thương tiếc.

Lý giải về sự đuối sức của phim truyền hình nói chung, nhà báo - nhà lý luận phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long nhận định: "Phim truyền hình Việt "đầu voi đuôi chuột" một phần do biên kịch cố tình kéo dài tình tiết đến lúc kết thúc thì chóng vánh khiến khán giả hụt hẫng. Việc đưa tình tiết, nhân vật vào tràn lan cũng khiến phim lan man, không thể xử lý hết vào giai đoạn kết thúc".

Đáng nói, nhiều người cho rằng, nếu như lấy yếu tố giải trí làm tiêu chuẩn đánh giá, hầu hết phim truyền hình Việt hiện tại đều gây thất vọng vì bỏ quên sự vui vẻ, hài hước để sa đà vào chuỗi drama bi kịch. Hệ quả là người xem cảm thấy khó chịu, bực mình, đôi khi xem phim để giải trí nhưng lại càng thêm căng thẳng, bức bối hơn.

Không thể phủ nhận rằng, drama chính là yếu tố tạo nên cái hay, cái hấp dẫn của mỗi bộ phim nhằm thu hút khán giả. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đừng vì tham kịch tính mà quên đi cảm xúc của người xem.