Nỗ lực để giúp âm nhạc nước nhà bước ra thị trường thế giới đã được nhiều nghệ sĩ thực hiện – dù rằng những cố gắng đó mới đa phần mới chỉ dừng ở mức giao lưu văn hóa…


Thông tin về việc Có chắc yêu là đây của Sơn Tùng M-TP đứng ở hạng 2 trong số các MV được xem nhiều nhất thế giới trong 24h đầu trên YouTube (ngày 5/7/2020) là tin vui gần nhất mà nhạc Việt nhận về từ thị trường quốc tế.

Thật ra, từ những năm 2000, Việt Nam đã có nhiều nghệ sĩ xâm nhập thị trường thế giới.

Mỹ Linh, một trong tứ đại diva của Việt Nam, có thể được xem là người tiên phong trong việc phát hành các sản phẩm âm nhạc ở thị trường quốc tế. Năm 2003, cô hợp tác cùng Blue Tiger Records sản xuất và phát hành album Made in Vietnam. 2 năm sau, Mỹ Linh tiếp tục hợp tác cùng hãng đĩa này và bay tận sang Hoa Kỳ để thực hiện phần thu âm cho album Coming to America. Dự án giới thiệu một giọng ca Việt Nam tại thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới đã thu hút sự chú ý và quan tâm sát sao của truyền thông trong nước. 

Chưa dừng lại ở đó, cô còn phát hành cùng lúc tới 3 album Made in Vietnam, Chat với MozartĐể tình yêu hát ở thị trường Nhật Bản (thị trường âm nhạc lớn thứ 2 thế giới) vào năm 2007. Riêng album Made in Vietnam còn được đài phát thanh radio-I của thành phố Nagoya đề cử là album của tháng.

Sau Mỹ Linh, Lam Trường phát hành 2 album trong năm 2006 cùng sự giúp đỡ của công ty GMM Thailand, phủ sóng rộng khắp ở toàn châu Á. Đan Trường với sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch Đài Loan  (Trung Quốc) đã phát hành, quảng bá album video Dan Truong in Taiwan - Khúc hát phương xa tại đây. 

Hay như Mỹ Tâm cũng thử sức ở thị trường Hàn Quốc với album Vút bay (Fly) hợp tác cùng công ty Nurimaru Pictures. Album này được lên kệ ở cả 2 thị trường Việt Nam lẫn Hàn Quốc. 

Sơn Tùng M-TP chính là cái tên nghệ sĩ Việt Nam đã ít nhiều ghi được dấu ấn ở thị trường quốc tế hiện nay. Điều đó được thể hiện qua những thành tích ấn tượng mà Chạy ngay đi, Hãy trao cho anh hay Có chắc yêu là đây làm được trên nền tảng YouTube toàn cầu. Cụ thể, Hãy trao cho anh trở thành MV có nhiều lượt xem nhất trong 24h đầu với 11.937.895 lượt xem (ngày 1/7/2019). Màn kết hợp với Snoop Dogg đã nhận được sự quan tâm của nhiều kênh truyền thông lớn của thế giới, ưu ái dành những danh xưng mỹ miều cho Sơn Tùng M-TP. World Music Awards gọi anh là “Hoàng tử nhạc Pop Việt", The Source thì đánh giá anh là “Hiện tượng châu Á" còn Billboard dành hẳn 1 trang tin riêng để giới thiệu.

Đầu tháng 7 vừa qua, Sơn Tùng M-TP trở lại với sản phẩm Có chắc yêu là đây và tiếp tục tạo ra những thành tích vượt trội khiến mọi người phải ghen tỵ. Không chỉ là MV của nghệ sĩ Vpop leo lên No.1 Trending Việt Nam nhanh nhất (4h50’), mà MV của Có chắc yêu là đây còn có được vị trí trending số 1 ở Úc - Canada, số 3 ở Đài Loan (Trung Quốc) và Hoa Kỳ, số 6 ở Hàn Quốc và số 8 ở Đức. Ngày 16/7 vừa qua, Sơn Tùng M-TP trở thành nghệ sĩ V-pop đầu tiên và nghệ sĩ Đông Nam Á thứ 2 có mặt trên bảng xếp hạng Billboard Social 50 với vị trí thứ 28.

Trước Sơn Tùng M-TP, Đặng Mai Phương với ca khúc I’ll give my soul (Còn gì để mất) bất ngờ có mặt trong bảng xếp hạng Billboard Adult Contemporary Indicator Chart ở vị trí thứ 21, vào ngày 18/4/2020. Hay Suboi với N-Sao từng lọt top 100 ca khúc hay nhất trên Apple Music 2018. Tương tự Người lại ơi của Orange cũng từng lọt top 100 bản nhạc hàng đầu thế giới do YouTube chọn ra, nằm ở vị trí 16 bên cạnh nhiều hit đình đám như Despacito (Luis Fonsi), Shape of you (Ed Sheeran), Havana (Camila Cabello). 

Theo như nhận định của chị Lisa Nguyễn,  Giám đốc điều hành Warner Music Vietnam, Việt Nam là một thị trường âm nhạc giàu tiềm năng trong bức tranh âm nhạc toàn cầu. Tiềm năng này không chỉ đến từ phía người nghe, mà còn xuất phát từ những lớp nghệ sĩ trẻ ngày càng tài năng, cá tính và nghiêm túc hơn trong con đường âm nhạc của mình. 

Ngoài ra, việc các hãng đĩa lớn của thế giới như Universal Music Group, Warner Music Group mở văn phòng ở Việt Nam cũng được xem là một yếu tố quan trọng trong con đường giúp nhạc Việt vươn tầm thế giới. Với sự đầu tư bài bản, lên kế hoạch cho các sản phẩm âm nhạc kỹ lưỡng cùng cơ hội làm việc với những chuyên gia hàng đầu của âm nhạc thế giới sẽ giúp cho những Vũ, Chillies (Warner Music Vietnam) hay Phùng Khánh Linh (Universal Music Vietnam) có được nhiều kinh nghiệm và trở nên thức thời hơn với xu hướng âm nhạc toàn cầu. Bên cạnh đó, họ còn có cơ hội  kết hợp với những tên tuổi lớn của thế giới thông qua sự trợ giúp từ hãng đĩa chủ quản. 

Dù vậy, cũng theo chị Lisa Nguyễn, thách thức lớn nhất của nghệ sĩ Việt  hiện nay là việc tạo ra một mô hình, giải pháp hiệu quả để giúp sự nghiệp của họ phát triển ổn định và lâu dài không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Đây là điều mà ngay cả những hãng đĩa lớn cũng gặp phải, chứ không riêng gì những nghệ sĩ hoạt động độc lập. 

Cần nhắc lại, mô hình hoạt động quen thuộc từ trước tới nay của các nghệ sĩ V-pop thường là hoạt động cá nhân với một ekip nhỏ đi theo bên mình và cùng nhau thực hiện tất cả mọi công việc từ quản lý, truyền thông cho tới sản xuất sản phẩm âm nhạc. Cách hoạt động này phần nào khiến định hướng của  nghệ sĩ sẽ không được rõ ràng và ổn định, từ đó làm giảm đi sự hiệu quả ngay cả từ hoạt động nghệ thuật ở trong nước, chứ chưa tính tới việc vươn xa ra thị trường quốc tế. Và, để thay đổi cách thức hoạt động gắn với phần lớn nghệ sĩ ở V-pop như vậy không phải là điều dễ thực hiện. 

Đường còn xa, và những dấu hiệu xuất hiện ngày càng nhiều của một môi trường âm nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam vẫn chỉ là những tín hiệu tích cực, để chúng ta hi vọng rút ngắn con đường bước ra thị trường âm nhạc quốc tế ở tương lai.