Nổi tiếng trong các nhóm chia sẻ của Gen Z với câu chuyện tự tích lũy cho mình 15 chứng chỉ trong thời gian nghỉ dịch, Nguyễn Gia Hào thể hiện mình là một Gen Z điển hình với sự năng động và ý thức trau dồi bản thân.


Như lời mình, chàng trai sinh năm 2001 cho rằng phải tận dụng hết sức khoảng thời gian ít ỏi này để trang bị thêm kiến thức và kĩ năng cần thiết để chuẩn bị cho tương lai.

* Không nhiều bạn sinh viên đi thực tập từ năm nhất, Gia Hào có thể chia sẻ lý do vì sao bạn đi làm sớm như vậy, cũng như cách một sinh viên năm nhất có thể được nhận vị trí thực tập sinh?

Hiện tại mình đang là sinh viên năm ba học chương trình liên kết quốc tế tại trường đại học Ngoại thương. Ngay từ đầu mình đã xác định nếu đợi đến năm 3,4 mới đi thực tập thì sẽ không có cơ hội. Do đó, mình nghĩ lộ trình để mình phát triển tốt nhất là đi thực tập từ năm nhất luôn.

Ban đầu, mình thử sức với công việc làm gia sư "luyện" Ielts, nhưng cảm thấy mình không học hỏi được nhiều điều liên quan tới chuyên ngành marketing. Sau đó, mình chuyển sang xin việc thực tập tại các công ty và bị đánh rớt tại hơn 97 công ty khác nhau. Không nơi nào muốn nhận sinh viên năm nhất cả.

Nhưng may mắn là mình đã đậu vào team Social Media và Content tại Miss Universe. Khoảng thời gian sau, mình tiếp tục tìm kiếm được cơ hội và thử thách mới ở những công ty khác nhau.

* Là sinh viên của Đại học Ngoại thương, có lẽ đó cũng là một lợi thế của bạn khi xin thực tập?

Nhiều người cũng bảo vậy, nhưng thật ra không phải. Thực ra, sau khi tìm hiểu mình mới biết là các công ty rất ngại tuyển dụng sinh viên trường top. Vì họ đúng là giỏi đấy, nhưng rất hay nhảy việc, chỉ muốn làm để học, sau khi học đủ rồi thì họ chuyển công ty, không có sự kiên nhẫn hay muốn cống hiến hết mình. Vì vậy, mình cho rằng yếu tố chính để được nhận vào làm việc ở một công ty nào đó dù còn là sinh viên không phải là điều gì quá to tát nhưng cũng không hề đơn giản: Tinh thần trách nhiệm, chịu khó học hỏi và chân thành.

Mình vẫn nhớ có lần mắc lỗi trong công việc, một anh trong công ty nhận xét thẳng thắn rằng mình không phải là sinh viên ngoại thương, không có tư duy làm marketing, nên nghỉ làm và chuyển ngành, việc mình nên làm nhất lúc là đi học nhiều hơn. Giám đốc biết chuyện, mình được anh ấy mời gặp riêng và phân tích vấn đề. Đó là một buổi gặp đáng nhớ, cho mình thêm niềm tin để theo đuổi các công việc sau này.

* Có vẻ như bạn đã may mắn khi có được một mối liên kết khá tốt với những người đồng cấp và trên cấp trong câu chuyện trên?

Theo quan điểm cá nhân của mình, điều quan trọng nhất chính là xây dựng mối quan hệ và kỹ năng giao tiếp. Đó không có nghĩa là mình dựa vào quan hệ để nhờ vả hay ỷ lại. Thực tế, dù có giỏi đến đâu bạn cũng không thể làm tốt công việc một mình, cần có sự góp ý và hỗ trợ của đồng đội.

Đi làm đã dạy cho mình điều đó, phải kết bạn và có thái độ tốt. Thiếu sót về kĩ năng hay kiến thức có thể học sau, nhưng thiếu sót về thái độ sẽ rất khó để thành công. Đơn giản lắm, chỉ việc mình biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, biết cách hỏi một cách cầu thị và có cố gắng từ trước... người khác sẽ cảm thấy được tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ. Thật ra, trường đời giống như trường học thôi, mọi người sẽ có nhóm chơi chung, làm việc, giúp đỡ và tha thứ cho nhau, mọi chuyện trở nên dễ dàng.

* Điều gì khiến bạn dành trọn những ngày tháng nghỉ dịch để tích luỹ thật nhiều chứng chỉ như vậy?

Trước đây mình cũng có thời gian như mọi người. Mình từng là game thủ, chuyên cày game để bán account (tài khoản chơi game) suốt từ thời trung học. Rồi mình nhận ra nó quá vô nghĩa nên lại chuyển sang đọc ngôn tình, luyện phim. Có thể nói, những thú vui mình đã trải nghiệm quá nhiều rồi (cười).

Nhưng đúng là quyết tâm học thêm đến từ việc mình đã trải qua thời gian đi làm thực tế. Mình nhận ra cái gì người ta cũng biết hết, họ tuyển mình vô là vì họ quá bận thôi, chứ nếu trực tiếp làm thì chắc chắn sẽ giỏi hơn mình.

Và, mình còn thấy các bạn thế hệ sau quá giỏi. Nhiều bạn mới cấp 3 hay năm nhất đã có Ielts 8.0, đã thực tập tại tập đoàn lớn, đi trao đổi văn hóa các nước... Nghĩa là mình phải tự học để cứu mình thôi, không ai giúp mình hết (cười).

Thông thường, là sinh viên năm đầu, đa số các bạn sẽ nghĩ còn đến 3 năm nữa mới ra trường đi làm mà, có gì đâu mà gấp, sau này đi học vẫn được hay ra trường đi làm thì thấy thiếu cái gì học cái đó. Còn mình thì ngược lại, mình thấy bản thân chỉ còn có 3 năm để học thôi, lúc đi làm không thể nào học được hết vì phải giải quyết nhiều vấn đề khác như gia đình, quan hệ, tài chính… Nghĩa là, phải cố gắng ngay từ bây giờ, sau này khi có công việc và kinh tế ổn định thì tận hưởng sau cũng chưa muộn. Thực tế đã cho thấy, có những thứ mình chỉ học chơi thôi, nhưng vô tình giúp được rất nhiều khi gặp công việc thực tế.

* Có rất nhiều bạn trẻ cũng muốn tự học như bạn, nhưng lại không biết tìm hiểu các khóa học như thế nào, học ở đâu, sắp xếp thời gian sao để hợp lý. Bạn có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình?

Đầu tiên mình sẽ tìm hiểu trên mạng những kiến thức và kĩ năng nào mà ngành nghề mình định theo đuổi yêu cầu. Hơn nữa, tìm kiếm cả những kỹ năng có thể bổ trợ cho nhiều công việc khác nhau.

Sau khi biết được sẽ học cái gì rồi, mình sẽ bắt đầu tìm kiếm các khóa học. Có những khóa học dạy bằng tiếng Anh nên nếu mọi người không biết tiếng Anh sẽ gặp phải rào cản rất lớn. Mình luôn tìm kiếm các khóa học miễn phí trước, nếu như những khóa học đó không cho miễn phí hoặc muốn học sâu thêm thì mới trả phí. Có ba nguồn mình cảm thấy rất là bổ ích là LinkedIn, Google và EdX, ở đó luôn đầy đủ các khóa học về kiến thức chuyên ngành và kỹ năng mềm.

Mình xem việc học là một niềm vui vì thực hành được, hiệu quả hơn so với học trên trường lớp. Hơn nữa, học online có cái để nhìn thấy, khi có được chứng chỉ sẽ rất vui và có động lực học cái tiếp theo. Tuy nhiên chỉ khi nào thật sự thích ta mới học được, nếu học chỉ để có chứng chỉ không thôi thì sẽ rất khó vì các khóa học online khá chán đấy.

* Một lời khuyên bạn muốn chia sẻ đến những bạn trẻ đang trong giai đoạn cần cố gắng và trau dồi thêm giống như mình?

Đầu tiên, hãy thấy bản thân còn kém, chưa giỏi hơn ai. Sẽ luôn có người giỏi hơn mình trong lĩnh vực của họ, ta cần lấy đó làm động lực để không chủ quan hay dễ dàng hài lòng.

Thứ hai, có một câu nói mình rất thích: Không có khái niệm về thiên tài mà chỉ có những người siêng năng hơn bạn. Đơn giản là hãy làm cái gì đó để biết trước người ta đi, hãy học cái người ta chưa học, làm cái người ta chưa làm thì mình mới hơn người ta được.

Cuối cùng, mình được nhiều đàn anh chia sẻ rằng các công ty tuyển thực tập sinh không phải là công việc quá nhiều mà do khi đã làm quá lâu trong một ngành rồi họ sẽ bị bão hòa, quanh quẩn, kẹt ý tưởng,... Lúc đó, những bạn thực tập sinh dù không biết gì, nhưng sẽ nói ra những điều thú vị và tạo ra nguồn cảm hứng mới. Nên các bạn đừng ngại thực tập, sợ mình dở mà hãy cứ mạnh dạn dấn thân. * Cám ơn Hào về cuộc trò chuyện!