Khác với suy nghĩ về một bữa tiệc linh đình, đám cưới toàn "không" của cô dâu chú rể tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, TPHCM) nổi tiếng những ngày vừa qua lại chỉ đơn giản như một buổi gặp mặt thường ngày. Không xe hoa, không sân khấu, tiệc tùng cũng chẳng có lấy một tấm thiệp mời, cô dâu chú rể đứng ra đón khách và nhận quà cưới là lời chúc phúc cùng những quyển sách có mới có cũ để tặng lại trẻ em vùng cao.


Tưởng lạ mà quen, chú rể của đám cưới có 1-0-2 này chính là anh Nguyễn Tú Anh (36 tuổi), người sáng lập nhóm thiện nguyện "Chủ nhật yêu thương" cùng dự án "1001 thư viện bản xa". Đơn giản như chính con người, hôn lễ của anh chủ nhà trọ chứa đầy sách nhưng không bao giờ khoá trái này cũng “mộc” đến lạ.

* Cuộc sống sau khi lấy vợ có những thay đổi gì khác so với thời còn độc thân hay không?

Tất nhiên là có nhiều cái thay đổi, nhưng điều quan trọng nhất là bản thân luôn cảm thấy vui hơn khi trong nhà có thêm một người mà mình yêu thương. Hàng ngày rửa bát cũng sẽ có người đứng đằng sau ủng hộ. Tuy rằng mình phải rửa gấp đôi nhưng vẫn thấy hạnh phúc hơn là rửa một mình. (Cười)

* Chuyện tình của anh và vợ bắt đầu như thế nào?

Chuyện tình của bọn mình cũng đơn giản lắm. Mình hay mang sách lên vùng cao, đi gom xin và mua sách cho các bé. Bọn mình quen nhau khi bạn vợ tới tham gia chương trình lên bản xa cùng nhóm hoạt động cộng đồng "Chủ nhật yêu thương" của mình để cho sách. Bạn hỗ trợ đóng gói và mang lên cho các bé vùng cao. Lâu dần tiếp xúc, hai đứa bắt đầu bén duyên khi thấy hợp nhau, rồi tiến tới hôn nhân. Nếu tính thời gian quen biết thì khoảng 3 năm, còn chính thức bên nhau được hơn 1 năm rồi.

* Ai là người đầu tiên đã đưa ra ý tưởng cho đám cưới lần này? Lý do gì mà cả hai quyết định thực hiện một đám cưới đặc biệt như vậy?

Ý tưởng lần này là mình nghĩ ra. Tính mình vốn đơn giản, rất mong muốn một đám cưới như vậy. Không cần phải cỗ bàn hay tiệc tùng phức tạp, mình và bà xã đều chỉ mong bạn bè, những người thân thiết tới chúc phúc, chụp vài bức ảnh để giữ lại kỷ niệm đẹp. Cũng chính bởi vậy mà khi đưa ra ý tưởng, vợ mình rất ủng hộ.

Một đám cưới có nhiều cái "không", nhưng cả hai đứa đều thấy rất hạnh phúc. Buổi sáng tới đường sách, nhận "phong bao mừng cưới" đắt giá là những quyển sách giúp mình có cái “vốn" để giúp đỡ các em vùng cao. Buổi chiều cùng bạn bè tới bờ sông Sài Gòn, mình có chuẩn bị một cổng cưới nhỏ xinh, tuy chỉ làm bằng vài cái cỏ lau, cỏ dại nhưng nó vô cùng ý nghĩa đối với hai vợ chồng.

Đám cưới này có lẽ cũng gắn liền với kỷ niệm của cả hai. Cả mình và vợ đều là những người thích sách, hai đứa quen nhau và yêu nhau cũng nhờ quyển sách mà ra. Đây giống như một sợi dây kết nối hai đứa mình và cũng là món quà mà bọn mình muốn cho đi với mục đích mang tri thức tới vùng cao. 

Hơn hết, mình cũng lựa chọn ngày tổ chức vào chủ nhật, giống như thường ngày hai vợ chồng sẽ nhận sách, đóng sách để chuyển đi cho các em bản xa, chỉ khác địa điểm không còn ở căn nhà trọ nữa. Mình thấy nhiều khi ngồi đếm sách được tặng còn vui hơn đếm phong bì đó chứ. (Cười)

* Điều gì trong hôn lễ khiến anh cảm động nhất?

Với mình, điều đặc biệt nhất là những gì bình thường nhất hàng ngày. Và điều bình thường nhất chính là những điều vui nhất. Một đám cưới đơn giản, gọn nhẹ có anh chị em bạn bè tới chung vui, có những người mà mình coi như gia đình cùng chúc mừng thì đó đã là điều bản thân thấy hạnh phúc và cảm động nhất.

Trong đám cưới, cũng có những người bạn dù ở rất xa vẫn bỏ công, bỏ sức tới chung vui với hai vợ chồng. Hai cô bé mình quen chạy xe máy lúc 4h sáng với quãng đường gần 200 km từ Cần Thơ lên Sài Gòn, tham gia tới khi tàn tiệc lúc 7-8h tối lại chạy về. Mình rất quý trọng những điều đó. Hay có những em bé mới 2-3 tuổi lẽo đẽo theo mẹ mang quyển sách tới đưa cho cô dâu chú rể. Hai đứa mình đã nhận tổng cộng hơn 1000 cuốn sách, chia 7-8 thùng. Tất cả quả thật rất trân quý, hình ảnh ấy đọng lại mãi trong tâm trí mình.

* Là người sáng lập nhóm "Chủ nhật yêu thương", làm sao để anh duy trì hoạt động ổn định, kết nối các thành viên trong suốt hơn 10 năm qua? Cái tên "Chủ nhật yêu thương" xuất phát từ đâu?

Từ thời sinh viên, dù mới chỉ "chân ướt chân ráo" vào Sài Gòn học tập, mình đã có niềm đam mê vào yêu thích đối với các hoạt động cộng đồng. Từ năm 2007, mình hay tự tổ chức các chuyến đi thăm trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão, đi hát tặng quà cho người vô gia cư, những người lao động ban đêm. Xuất phát điểm từ các hoạt động thời sinh viên, tới khi ra trường mình vẫn duy trì nó, đều đặn 1 tháng/lần sẽ tổ chức cho mọi người cùng đi. Tới nay, số lượng người tham gia nhóm khá lớn, phải tới cả ngàn người. Trên thực tế, nhóm mình có chút đặc biệt khi không có trưởng nhóm, phó nhóm hay người quản lý, tổ chức gì cả, ai có lòng muốn tham gia thì tham gia.

Về cái tên "Chủ nhật yêu thương", thật ra lúc đầu chỉ đơn giản là hoạt động tự phát nên chẳng có tên gọi nào cả. Khoảng năm 2011-2012, sau nhiều năm hoạt động cộng đồng và số người tham gia cũng đông hơn, các bạn gợi ý mình nên đặt tên cho nhóm. Thế là mình cũng "vắt óc" để nghĩ ra một cái tên. Thật ra cũng khá đơn giản, các ngày trong tuần hầu như là khoảng thời gian đi làm. Đó là cái ngày mình lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình, là trách nhiệm cá nhân. Còn chủ nhật mình dành ra để làm việc bản thân yêu thích là hoạt động cộng đồng. Trong đó, mình muốn mang yêu thương đến với khắp mọi nơi nên đặt đơn giản là vậy.

* Dự án nổi bật nhất của nhóm phải kể tới “1001 thư viện bản xa", lý do gì khiến anh quyết định khởi động dự án này?

Mình là người đi khá nhiều, hay tới vùng cao chơi với tụi nhỏ, các em bé đồng bào dân tộc. Đi nhiều, chứng kiến nhiều nên mình thấu hiểu. Các bé điều kiện sống nghèo khó và tương lai không được ổn định lắm, gặp khó khăn về ăn ở, học hành không được đầy đủ. Trong thâm tâm, mình mong muốn các bé có một tương lai tươi sáng hơn, mà nghĩ mãi, làm sao để làm được điều đó.

Câu trả lời là kiến thức. Có tri thức với một tâm hồn phong phú sẽ giúp các em hoàn thiện bản thân mình hơn. Và nghĩ đi nghĩ lại, để làm được điều đó thì cần phải có sách. Việc đọc sách vừa nâng cao kiến thức, vừa giúp tâm hồn sáng tạo, phong phú. Lấy ví dụ từ chính bản thân, mình là người rất thích đọc sách và đọc rất nhiều. Sách làm biến đổi con người mình, từ tự ti, bình thường thành người mà mình tự đánh giá là rất tuyệt vời. Mình thích con người mình ngày hôm nay. Mình mong muốn các bé cũng sẽ có tương lai tươi sáng hơn nhờ vào những quyển sách.

Đáng nói, cứ cho cân gạo hay con cá, nước mắm, đồ ăn thức uống thì chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt, nhưng quan trọng là không ai nuôi ai được một đời. Những quyển sách sẽ phát triển bền vững hơn. Biết được điều cần phải làm, mình bắt đầu suy nghĩ tới kế hoạch. Từ đó dự án ra đời với mục tiêu mang thư viện tới khắp các bản xa.

* Hành trình đưa sách tới bản xa có gì khó khăn?

Công việc nào chắc chắn cũng sẽ có nhiều khó khăn. Lúc đầu là về vận chuyển để đưa được sách tới các bản vùng cao. Ban đầu nhóm gửi xe và thầy cô ở bản phải đi lấy rất xa. Sau đó mình chuyển sang gửi bưu điện, tuy mất phí nhiều hơn nhưng đỡ mất công khi người ta chuyển tới tận trường.

Giải quyết xong được bài toán vận chuyển thì lại tới lượng sách. Chưa nói tới con số 1001, chỉ riêng việc để có 1/10 thư viện trong số đó, mình đã cần lượng sách khá lớn và phải đa dạng. Nhiều khi mua cả ô tô tải sách của nhà xuất bản nhưng vẫn về không đủ.

Ngoài việc dùng sách mới, mình cũng mua lại sách cũ hoặc đi xin. Dẫu vậy, lượng sách cần vẫn rất lớn. Mục tiêu mỗi năm cần 1 triệu quyển sách, nhưng tính riêng trong năm 2020 "Chủ nhật yêu thương" mới chỉ gom được khoảng 200 ngàn quyển, vậy chưa đủ được lượng sách cần trong 1 năm.

* Với mục tiêu 1001 thư viện bản xa, tới nay nhóm đã đạt được tổng bao nhiêu trên con số này?

Tới nay, nhóm đã hoàn thành được khoảng 600 thư viện. Tương đương trong khoảng 10 năm "Chủ nhật yêu thương" chuyển đi hơn 1 triệu quyển sách. Nhưng con số "1001 thư viện bản xa" chỉ là ban đầu thôi, hết 1001 thư viện lần 1 thì sẽ tới lần 2, lần 3. Mục tiêu cuối cùng là tất cả các bản xa đều có thư viện, tất cả các bé đều có đủ sách để đọc. Tất nhiên, mình chỉ là người đại diện thôi, còn rất nhiều công sức, tiền bạc của anh chị em trong "Chủ nhật yêu thương" gom góp với mong muốn nhanh chóng hoàn thành được mục tiêu đề ra đó.

Trong những năm tiếp theo, mình mong rằng sẽ có thể kiếm thêm được nhiều sách hơn để gửi tới nhiều vùng, nhiều bản làng hơn. Bên cạnh đó, mình cũng mong mua được nhiều sách có nội dung hay, hình ảnh đẹp, chất lượng hơn để các bé ngày càng ham đọc.

* Người ta thường nói, làm thiện nguyện bên cạnh cái tâm thì cũng cần phải có tài chính ổn định mới duy trì được lâu dài. Anh thấy sao về điều này? Bản thân anh kiếm nguồn thu nhập ở đâu để duy trì công việc này trong suốt hơn 10 năm như vậy?

Đối với mình, bản thân không nghĩ việc làm này có gì to tát lắm, thậm chí cũng không gọi đó là thiện nguyện mà chỉ hoạt động cộng đồng đơn giản. Đây chỉ là điều mình thích nên làm thôi.

Ví như mọi người thích đi dạo thì mình ngồi soạn sách, mọi người mê đi phượt, nói chuyện phiếm với bạn bè thì mình lại muốn lên bản xa chơi với các bé. Môn thể thao yêu thích của mình là bê vác từ thùng sách tới thùng sách khác. Có thể nói, đó là đam mê và niềm yêu thích của riêng mình. Còn tài chính, cũng cần nhưng mình không quá tính toán về nó. Mọi người đến với "Chủ nhật yêu thương" đều bỏ ra chút thời gian, công sức. Ai có công góp công, ai có tiền góp tiền, người có thời gian bỏ thời gian. Nó làm cho cuộc sống thêm vui, thêm sắc màu chứ không phải coi đó là một điều gì đó quá lớn lao.

Còn hiện tại, công việc của mình là trồng cây xanh, cây cảnh. Mình rất thích cây, thích màu xanh, thích mùi đất. Mình có 1 công ty chuyên về trồng cây xanh ở Sài Gòn. Dù là việc làm chính hay chuyện hoạt động cộng đồng, tất cả đều mang tới cho mình niềm vui.

* Vừa làm việc vừa tích cực hoạt động cộng đồng, anh cân bằng 2 công việc này ra sao? Có bà xã đồng hành cùng chắc hẳn sẽ bớt được nhiều khó khăn?

Nguyên tắc làm việc của mình không hề thay đổi suốt nhiều năm qua. Từ thứ 2 tới thứ 7 mình để làm việc cá nhân kiếm tiền nuôi thân và nuôi gia đình. Tới chủ nhật, mình đi soạn sách, đóng sách hoặc thăm các bé bản xa. Mọi người có thể lựa chọn chủ nhật ra ngoài chơi, đi cà phê thư giãn... Còn với mình, mình không thích những việc đó. Ngồi soạn sách cũng là cách để nghỉ ngơi và mình thấy hạnh phúc vì điều đó.​ Trên hết, mình còn có bà xã đồng hành cùng. Cô ấy luôn ủng hộ mình trong các hoạt động như vậy. Tất nhiên sẽ giúp đỡ được rất nhiều.

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh Nguyễn Tú Anh!

Thực hiện: Bảo Ngọc

Thiết kế: Hoài My