Thành công ở quốc tế nhưng phim độc lập Việt từng khá chật vật khi về Việt Nam. Nhắc tới dòng phim độc lập tại nước nhà, khán giả nghĩ tới Ròm hay Đêm tối rực rỡ - những tác phẩm đứng đầu top doanh thu và thành công trong việc tìm cho mình một chỗ đứng nhất định tại điện ảnh Việt.


Thế nhưng, đó chỉ là bề nổi bởi không phải bộ phim nào cũng đạt được may mắn như vậy. Để có được sự thành công của một tác phẩm ngày hôm nay, các nhà làm phim phải chứng kiến nhiều thất bại hay cả sự sụp đổ khi theo đuổi thể loại kén người này.

Dòng phim độc lập ở thị trường điện ảnh Việt xuất hiện đã khá lâu nhưng chưa tìm được một chỗ đứng nhất định. Nhiều bộ phim mang những điểm sáng chạm tới cảm xúc khán giả nhưng vẫn chẳng thể trụ vững sau vài ngày công chiếu bởi đặc tính vốn tách biệt khỏi dòng phim đại chúng, kén người xem. Chưa kể, nhiều tác phẩm độc lập còn phải chật vật trong việc chiếm một suất chiếu tại rạp.

Ở giai đoạn 2-3 thập kỷ trước, các tác phẩm độc lập như Mùi Đu Đủ Xanh (Trần Anh Hùng, 1993), Ba Mùa (Tony Bùi, 1999), Mùa Len Trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, 2004),... đều ẵm về giải thưởng lớn tại các Liên Hoan Phim quốc tế nhưng gặp khó khăn trong việc công chiếu ở Việt Nam. Đa phần các bộ phim trên đều không xuất hiện tại rạp chiếu Việt và phải lựa chọn cách tiếp cận khán giả thông qua internet.

Hay những năm gần đây, không ít bộ phim độc lập cũng đứng trước nỗi lo của việc "không có cửa" ra rạp. Tác phẩm Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng, 2017) từng góp mặt trong nhiều Liên Hoan Phim nhưng con đường đi đến phòng chiếu trong nước lại khá gian nan. Nam đạo diễn bộ phim từng bày tỏ: “Có lúc tôi đã nghĩ mình ở bước đường cùng, 70% là phim không có cửa ra rạp”. May mắn thay, 30% còn lại đã mỉm cười với ê-kíp làm phim sau khi quá trình thương thuyết với nhà phát hành, Cha cõng con đã giành về cho cơ hội ra rạp dù chỉ trụ lại hơn 1 tháng. Trước đó, bộ phim Cha và con và… (đạo diễn Phan Đăng Di, 2015) từng chịu cảnh đắp chiếu tại các rạp phim Việt dù từng nhận được đề cử giải thưởng Gấu vàng trong LHP quốc tế Berlin và là tác phẩm Việt đầu tiên phát hành thương mại rộng rãi ở nước Pháp, với khoảng 400 rạp tại 30 thành phố lớn nhỏ, trụ rạp trong suốt 3 tháng.

Ngay như một tác phẩm độc lập thành công như Ròm cũng từng đứng trước bờ vực "chẳng có cửa" ra rạp. Bộ phim từng bị cấm chiếu khi về Việt Nam và buộc tiêu huỷ bản dự thi LHP Busan vì chưa có sự kiểm duyệt và cho phép từ Cục Điện ảnh khi đi tranh giải. Sau những nỗ lực chỉnh sửa từ phía ê-kíp, phim may mắn được trình làng và giành về chiến thắng mỹ mãn.

Tất nhiên, việc phim độc lập Việt khi trở về nước nhà gặp khó khăn khi ra rạp chỉ là một phần nhỏ, mà lý do chính thường là vì phải cạnh tranh gay gắt với dòng phim thương mại. Trên thực tế, cái khó của phim độc lập xuất phát ngày từ khi còn ươm mầm, giống như nữ diễn viên Tilda Swinton từng giải thích: "Phim độc lập có nghĩa là khó khăn, có nghĩa là bạn phải vật lộn mỗi ngày".

Với tính chất độc lập, các tác phẩm này không có sự can thiệp của nhà tài trợ. Điều đó đồng nghĩa với việc đạo diễn phim phải đau đầu xoay sở tìm kinh phí để thực hiện tác phẩm của mình. Nỗi lo về kinh phí sản xuất, kinh phí phát hành, rạp chiếu... là những thử thách không dễ vượt qua để đưa được câu chuyện lên màn ảnh.

Đáng nói, muốn có nguồn đầu tư cho dự án độc lập ở Việt Nam đã khó, việc tìm đường tiếp cận công chúng càng khó hơn gấp nhiều lần. Sự thiếu hụt về kinh phí trở thành một điểm yếu khiến dòng phim độc lập càng khó thu hút người xem bởi họ thường lựa chọn diễn viên nghiệp dư và chẳng mấy khi có đủ chi phí quảng bá. Chưa kể, nỗi lo khán giả không mặn mà được xem là luôn thường trực trong lòng mỗi nhà làm phim.

Ngay cả những cái tên được quốc tế khen nức nở như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Hồng Ánh,... hay loạt tác phẩm từng nhận về giải thưởng uy tín thế giới gồm Chơi vơi (Bùi Thạc Chuyên), Bi, đừng sợ! (Phan Đăng Di), Đập cánh giữa không trung (Nguyễn Hoàng Điệp), Đảo của dân ngụ cư (Hồng Ánh)… cũng đứng trước bờ vực chẳng ai biết tới khi về Việt Nam. Hay thậm chí khán giả muốn tìm cơ hội xem cũng chẳng biết xem ở đâu. 

Sự ra đời của CGV Art House vào năm 2015 từng thắp lên hy vọng rất lớn cho người làm phim độc lập khi có sự hỗ trợ đầu ra, xây dựng một lớp khán giả yêu phim. Tuy nhiên, CGV Art House đã phá sản chỉ sau 2 năm vì không đủ phim chiếu, và lỗ vốn bởi quá ít khán giả.

Tất nhiên, đây là cái khó chung của dòng phim này và khó không đồng nghĩa với việc sẽ bỏ qua. Nhà làm phân vẫn luôn cố gắng tìm kiếm cơ hội trong khó khăn. Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, sự quan tâm dành cho dòng phim độc lập được nâng cao khi hai nhà phát hành BHD và Galaxy chú ý tới và xem những tác phẩm này như thành tố thị trường, giúp đỡ đưa phim đến với khán giả đại chúng. Một số phim độc lập cũng được chiếu tại các câu lạc bộ điện ảnh.

Đạo diễn Trần Phương Thảo nhận định: "Hiện tại đã có các quỹ về điện ảnh của Châu Á. Những năm trước là phải sang tận Châu Âu hoặc Châu Mỹ xin. Như năm nay, có một số dự án của các đạo diễn trẻ thuộc Trung tâm TPD  (Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh trẻ Việt Nam) đã nhận được tài trợ. Khi có hỗ trợ, ai cũng phải nhìn nhau mà nỗ lực."

Vị đạo diễn cũng cho biết, để đạt được thành công, các nhà làm phim phải "lấy ngắn nuôi dài" giống như  “trường kỳ kháng chiến”. 

Dòng phim độc lập đang từng bước chuyển mình cả trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng để dành về nhiều hơn sự đón nhận của khán giả. Tất nhiên, chặng đường vẫn cần thêm thời gian.