Người Việt không lạ gì livestream, giống như phần còn lại của thế giới. Nhưng ít ai biết, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, livestream đã không đơn thuần chỉ còn là một chức năng thông thường trên mạng xã hội. Từ nó, người ta tạo ra cả một ngành công nghiệp khổng lồ.


Nhờ tính năng ngày một đổi mới cùng nhu cầu ngày càng cao, ngành công nghiệp livestream lớn nhanh từng ngày với nhiều hình thức mới mẻ, hấp dẫn. Và theo 99 firms.com, từ mức dưới 30,3 tỷ USD năm 2016, nhiều khả năng giá trị thị trường của ngành công nghiệp này sẽ nhảy vọt lên mức 70,5 tỷ USD vào cuối năm 2021 tới đây.

Thuật ngữ livestream bắt đầu được biết đến vào năm 2011 với sự ra đời của nền tảng Twitch, thuộc sở hữu của Twitch Interactive (công ty con của Amazon). Sau đó hình thức này được biết đến rộng rãi hơn thông qua việc ghi hình trực tuyến với các trò chơi danh tiếng như League Of Legends hay World Of Warcraft.

Không chỉ gói gọn trong những trò chơi điện tử mà livestream cũng tấn công các lĩnh vực khác, trong đó nổi bật nhất chính là kinh doanh. Không khó để chúng ta bắt gặp những video livestream bán hàng xuất hiện trên Facebook hay Instagram. Người dùng Việt Nam rất hiểu điều này: Theo thống kê của Brands Việt Nam vào năm 2018, thị trường livestream ở nước ta đang có trị giá xấp xỉ 20 triệu đô la Mỹ (hơn 463 tỷ đồng). 

Tại Trung Quốc, “livestream” tạo ra doanh thu 4,3 tỷ đô la Mỹ (hơn 99 nghìn tỷ đồng) (theo thống kê của China Renaissance Securities vào cuối năm 2019). Ngoài ra thị trường Trung Quốc cũng là thị trường có mức phát triển nhanh nhất với hình thức này. Ngành công nghiệp livestream ở nước này có tới hơn 425 triệu người dùng - một con số ấn tượng và đầy tiềm năng (theo thống kê của trang 99 firms.com). Cũng theo nghiên cứu của trang này, người dân ở đất nước có nền kinh tế số 1 thế giới Hoa Kỳ cũng sử dụng hình thức livestream ngày càng nhiều, với tỷ lệ 42%, tương đương 137 triệu người ở khắp các tiểu bang vào năm 2018.

 Với những con số biết nói cùng mức lợi nhuận khổng lồ đó, thật dễ hiểu khi người người nhà nhà thi nhau livestream – trong khi hàng loạt nền tảng mới như Facebook Live, YouTube Gaming, Instagram Live hay Nimo TV nối nhau  xuất hiện trong một cuộc chạy đua khốc liệt để giành thị phần.

Ngành công nghiệp livestream với những ưu điểm vượt trội đã phát triển và bành trướng cực kỳ nhanh chóng. Nghiên cứu của Responsive Inbound Marketing đã phân tích hàng loạt điểm tích cực giúp nó lọt vào “mắt xanh” người dùng. Điển hình, với việc kinh doanh và mua sắm qua livestream, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, trong khi vẫn có thể dễ dàng ước lượng và đánh giá sản phẩm thông qua video trực tiếp. Thêm vào đó, livestream vẫn cho phép có sự tương tác giữa người mua và bán, khi mọi thắc mắc về sản phẩm thường sẽ được người bán phản hồi một cách đầy đủ và nhanh chóng. Đặc biệt, nếu có kiến thức tốt về sản phẩm cộng thêm thái độ niềm nở, hài hước, người bán hàng (phụ trách livestream) dễ thu nhiều lượt xem cho kênh livestream của họ và cũng giúp đẩy mạnh sức mua từ người tiêu dùng. 

Về phía các doanh nghiệp, việc kinh doanh trên hình thức livestream giúp họ giảm được chi phí thuê mặt bằng và nhân công một, đồng thời tiếp cận được nguồn khách hàng lớn mà không cần phải bỏ ra quá nhiều tiền để quảng cáo hay marketing. Doanh số bán hàng của các doanh nghiệp còn có thể tăng lên gấp bội nếu như họ sử dụng những KOLs (Key Opinion Leaders) để đảm nhiệm phần livestream giới thiệu sản phẩm, thu hút được lượng người hâm mộ có sẵn và tăng thêm lượt tương tác cho kênh livestream. 

Tuy nhiên, ngành công nghiệp livestream vẫn có những sự tiêu cực nhất định mà chúng ta không thể nào mà nhìn thấy ngay. Đó là những hạn chế khách quan như trục trặc kỹ thuật (đến từ phía nền tảng livestream) và cả những góc khuất từ người sử dụng của nó. Ở đó, người bán có thể kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo quá lố về sản phẩm, thậm chí dùng những chiêu trò nhảm nhí, phản cảm để thu hút những khách hàng nhẹ dạ nhằm tăng lượt tương tác cho kênh livestream. Chưa kể, sức khỏe của các streamer cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi cường độ hoạt động quá sức.

Có nghĩa, đằng sau ánh hào quang của mình, ngành công nghiệp livestream vẫn tồn tại rất nhiều mặt tối và chưa có giải pháp để giải quyết triệt để. Bởi thế, cũng đã có những ý kiến tỏ ra  nghi ngờ về khả năng đi đường dài của ngành công nghiệp livestream trong tương lai. 

Tuy nhiên, những băn khoăn này có phần hơi lo xa khi ngành công nghiệp này vẫn tăng trưởng ổn định trong thời gian qua. Tại thị trường mà ngành công nghiệp livestream phát triển nhất là Trung Quốc, thị phần hàng tiêu dùng được kinh doanh qua hình thức livestream đã từ 19% vào năm ngoái lên 25% vào năm nay, tương đương 1/4 doanh số bán lẻ ở đất nước tỷ dân (dữ liệu từ Wind Information).

"Các thị trường khác trên thế giới sẽ sớm xuất hiện những thay đổi tương tự đang xảy ra tại thị trường Trung Quốc, với các mức độ khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm  riêng” - Kanaiya Parekh, chuyên gia phân tích của Bain & Company nhận định. 

Với doanh thu khổng lồ ấy, tất nhiên, người ta sẽ chẳng dại gì mà bỏ rơi “con gà đẻ trứng vàng” này. 

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp livestream có lẽ vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, nhất là khi công nghệ ngày nay đang ngày càng tiên tiến hơn. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 với nền kinh tế thế giới cũng khiến thói quen của người tiêu dùng trên toàn cầu thay đổi. Điều này được chứng minh qua thống kê của 99 firms.com khi trang này cung cấp số liệu chỉ ra rằng hơn 80% người tiêu dùng ở Hoa Kỳ thích xem video livestream hơn là các hình thức thông thường. Đó là lý do vì sao mà livestream đã, đang và sẽ là hình thức tiếp thị mang tính tiên phong trong những năm tới. 

Ở thị trường Việt Nam, những trang thương mại điện tử lớn như Shopee hay Lazada cũng áp dụng hình thức livestream để nâng cao doanh số bán hàng trong thời điểm dịch bệnh vừa qua. Sự thay đổi thức thời này đã mang lại những hiệu quả ấn tượng. Điển hình, số lượng người xem livestream trên ứng dụng của Tiki đã tăng gấp 5 lần so với khoảng thời gian trước. Tương tự, lượt xem cùng lượt người mua hàng qua livestream của Lazada vào tháng 9/2020 cũng tăng lần lượt 21 và 24 lần so với cùng kỳ năm trước, trong khi giám giám đốc điều hành của Shopee Việt Nam khẳng định: livestream đã thay đổi cách thức các nhà kinh doanh tiếp cận người tiêu dùng và nó sẽ trở thành một kênh tương tác quan trọng với người mua hàng trực tuyến trong tương lai. 

Nếu bạn còn băn khoăn, hãy xem một thông số khác: Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam đưa ra dự đoán đến hết năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tiếp tục đạt con số trên 30% cùng với đó là quy mô thị trường có thể vượt 15 tỷ USD. Như thế, hình thức livestream sẽ còn được chú ý và phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở Việt Nam, bất kể bạn có thích hay ghét, theo dõi thường xuyên hay thỉnh thoảng mới xem một vài video livestream phù hợp với mình.

Cái gì đã trở nên quan trọng trong thói quen của người tiêu dùng thì tất yếu không dễ để bị xóa sổ.  Ít nhất là trong vòng một thập kỷ tới, ngành công nghiệp livestream vẫn sẽ tồn tại và tiếp tục đi lên.

Thiết kế: Hoài My