Trên thế giới, khó có chiếc smartphone nào trên thế giới được hàng trăm triệu người thao thức, chờ đợi trước cả năm trời chỉ để xem buổi ra mắt như iPhone. Và cũng chẳng có chiếc điện thoại nào như “con cưng” nhà Apple, dù chưa lên kệ nhưng đã được chào bán với giá ngang ngửa một  chiếc xe máy xịn, thậm chí “giá nào cũng mua” để trở thành một trong những người đầu tiên sở hữu.

Suốt 13 năm kể từ khi ra mắt với 8 thế hệ và 29 phiên bản, iPhone đã và đang trở thành biểu tượng khó sụp đổ của cộng đồng người yêu công nghệ trên khắp thế giới. Không tự dưng, người ta lại ưu ái “Táo khuyết” đến vậy.

Năm 2005, Dự án Tím 2 (Project Purple 2) do Steve Jobs đứng đầu đã được tiến hành dựa trên Dự án Tím. Ban đầu, Apple vốn chỉ định mở rộng chiếc máy tính thông thường thành cảm ứng, không cần sự hỗ trợ của bàn phím và có thiết kế tương tự như tablet hiện tại. Tuy nhiên, sau thời gian dài suy nghĩ và lên ý tưởng, Jobs đã táo bạo rẽ sang một hướng đi mới. Ông quyết định làm nên một thiết bị nhỏ gọn nhưng kết hợp đầy đủ các công năng trên.

2 năm trời, Apple bí mật hợp tác với nhà mạng Cingular (giờ là AT&T) cho sản phẩm đặc biệt này. Toàn bộ nhân viên được làm việc trong môi trường hoàn toàn bảo mật. Các phòng riêng của dự án được tách biệt và đóng chặt cửa. Họ đã làm việc cật lực để cho ra một sản phẩm thay đổi toàn bộ thị trường điện thoại lúc bấy giờ.

6 tuần trước khi ra mắt, Steve Jobs còn khiến toàn bộ nhân viên Apple đượcmột phen điêu đứng khi ra lệnh gỡ tấm nhựa màn hình để thay thế bằng kính chỉ bởi ông... rất ghét những vết xước. Thời gian gấp rút nhưng cũng không làm Jobs chùn bước trước thực tế này.

29/6/2007, dự án với chi phí lên tới 150.000.000 USD cuối cùng cũng đã cho ra “quả ngọt” khi chiếc iPhone đầu tiên chính thức được trình làng với phiên bản 4GB. Thế hệ đầu tiên của “nhà Táo” có màn hình cảm ứng 3,5 inch; ngoài chức năng nghe, gọi, nhắn tin bình thường, iPhone 2 còn cho phép người dùng truy cập Internet và có cả camera 2MP. Đây được coi là bước đột phá khác biệt dòng điện thoại bình thường, đặt nền móng cho “smartphone” sau này.

6.124.000 chiếc iPhone thế hệ đầu đã được bán ra trên khắp thế giới tính tới thời điểm nó được ngưng sản xuất. Đây là một con số rất ấn tượng với một sản phẩm mới được tung ra trên thị trường.

Có thể nói, iPhone là dòng sản phẩm đã kéo Apple từ doanh nghiệp trên bờ vực phá sản trở thành công ty với doanh thu khủng trong làng công nghệ.

Dẫu tồn tại những ý kiến trái chiều, cùng nhiều vụ bê bối, thế nhưng, trong các bản báo cáo, Apple vẫn bỏ xa các đối thủ smartphone trên thế giới khi doanh thu nhảy vọt lên gấp 10 lần (tính tới năm 2019) và giá cổ phiếu cao hơn tới 700%.

Sau khi Steve Jobs qua đời, Apple dưới sự lãnh đạo của Tim Cook đạt mức tăng trưởng như vũ bão. Nếu thời của Jobs là đột phá về công nghệ, thì Tim Cook là những con số liên tục xác lập kỉ lục.

CEO mới đã chèo lái Apple thành tập đoàn có mức doanh thu và lợi nhuận lớn nhất lịch sử. Theo Business Insider, đến tháng 9 vừa qua Apple trở thành công ty niêm yết đầu tiên tại Mỹ có giá trị vốn hoá thị trường lên đến 2.000 tỷ USD, cao hơn nhiều mức GDP của nhiều quốc gia như Nga, Việt Nam,...

Giá trị cổ phiếu của Apple trên sàn chứng khoán nhảy vọt theo từng ngày. Theo đó, chốt phiên giao dịch ngày 19/8/2020, giá cổ phiếu Apple đạt mức cao kỷ lục với 467,84 USD, tăng hẳn 1,2%. “Đế chế 2.000 tỷ USD” của Táo khuyết trở thành công ty lớn nhất thế giới với 81 tỷ USD tiền mặt (không tính nợ) và 475,5 tỷ USD đã được chi trả cho các cổ đông.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, Apple một lần nữa lại khiến cả thế giới trầm trồ khi công bố doanh thu quý 2/2020. Theo số liệu từ Counterpoint Research, doanh thu nhà Táo chiếm tới 34% toàn ngành di động (gần bằng Huawei (20%) và Samsung (17%) cộng lại). Theo đó, dù số lượng máy bán ra ít hơn (chỉ đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng doanh số với 37,5 triệu chiếc, xếp sau Huawei và Samsung), song, giá trị của mỗi chiếc iPhone không hề thấp nên Apple vẫn thu về được bộn tiền.

Các chuyên gia của Counterpoint đánh giá, iPhone hiện là sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp được ưa chuộng nhất hiện nay. Theo đó, kẻ đứng đầu phân khúc cao cấp này nắm tới 59% thị phần, “nhấn chìm” 2 đối thủ đáng gớm là Samsung và Huawei (theo báo cáo tháng 6/2020). Doanh thu quý 1/2020 của Apple chiếm tới 37,5% (theo số liệu từ Strategy Analytics), bỏ xa Samsung với 22,1%, bất chấp khó khăn của dịch Covid-19 và bạo loạn ở Mỹ.

Một ví dụ điển hình là sản phẩm iPhone X đình đám, dù đã ra mắt được hơn 2 năm, nhưng đến nay vẫn là “huyền thoại” và đột phá tự hào của nhà Táo. Theo Counterpoint, iPhone X là smartphone bán chạy nhất năm 2018. Cũng trong thống kê đó, top 5 các mẫu smartphone cao cấp được bán chạy nhất thì Apple có tới 4 vị trí dẫn đầu. 6 sản phẩm cho một thế hệ, iPhone X áp đảo các dòng điện thoại khác trên các bảng xếp hạng giúp Apple lãi kỷ lục. 41,3 triệu chiếc đã được bán ra trong 2 tháng, giúp nhà Táo thu về 29,9 tỷ USD, nâng mức lợi nhuận lên 2,34 USD/cổ phiếu, doanh thu cao chưa từng có ở thời điểm đó.

Dù iPhone luôn đạt doanh thu khủng mỗi khi ra mắt sản phẩm mới, nhưng khi phát biểu tại một buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ, Giám đốc điều hành của hãng Táo khuyết nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là tốt nhất chứ không phải là nhiều nhất”.

Lời chia sẻ thú vị của Tim Cook khiến iFan càng trân trọng hơn với thiết bị của nhà Táo. Thực tế, Apple rất biết quan tâm tới khách hàng và cho ra những sản phẩm mà cả những kẻ khó tính nhất cũng phải “gật đầu”. Điển hình như việc cho ra đời và nâng cấp hệ điều hành iOs theo thời gian. Điều này khiến cho những chiếc điện thoại đời cũ của nhà Táo vẫn rất mượt dù đã ra đời tương đối lâu.

Một hình ảnh khá quen thuộc mỗi lần iPhone mở bán tại các store là hàng trăm người xếp hàng, thậm chí thuê cả người giữ chỗ để thành người đầu tiên sở hữu. Theo thống kê của báo giới, ngày 19/9/2019, trước cửa Apple Store tại đường Orchard đã xuất hiện hàng trăm người chờ đợi để mua iPhone 11 dù ngày 20/9 máy mới được bán ra. Tính tới 9h ngày 19/9, đã có hơn 500 người xếp hàng.

Chẳng cần quảng cáo nhiều, iPhone vẫn đang dần trở thành ”siêu phẩm” mà số đông mong muốn chiếm lĩnh. Sức hút của mỗi phiên bản lúc ra mắt luôn khiến cho người dùng công nghệ đứng ngồi không yên. iPhone lúc chưa ra mắt thì liên tục có các bản leak, chuyên gia đó đây tung ra các dự đoán làm người dùng đi từ mong chờ này đến hy vọng khác. Còn khi ra mắt thì giá bán, kiểu dáng, màu sắc của nó lại thành tâm điểm tranh luận trên các diễn đàn. Đến ngày mở bán, các clip đập hộp, bài báo về “người đầu tiên sở hữu iPhone” lại rầm rộ trên các phương tiện đại chúng dưới con mắt ngưỡng mộ của vô số người.

iPhone cũng là chiếc smartphone được nhiều người sẵn sàng tuyên bố “giá nào cũng được” để sở hữu phiên bản mới nhất, mà điển hình là câu chuyện gần đây nhất của chiếc iPhone 12, iPhone 12 Pro vừa ra mắt. Giá xách tay cao ngất ngưởng, có khi gần bằng cả chiếc xe máy xịn (hoặc vài tháng lương) nhưng nhiều iFan vẫn quyết sở hữu nó.

Và dù ai nói gì đi nữa, iPhone vẫn là “siêu phẩm” mà 10 năm sau khi cầm một chiếc điện thoại đã ra đời, người dùng cũng không bao giờ cảm thấy lạc hậu.