Đầu năm 2020, thế giới đối mặt với sự bùng phát bất ngờ của loại virus chưa được ghi nhận trong lịch sử. Đến tháng 4, hơn 90 quốc gia ban hành giãn cách xã hội, yêu cầu nâng cao tinh thần tự giác cách ly. Đứng trước sự thay đổi đột ngột về nếp sống, phải di dời nơi làm việc và học tập về nhà, người dân bị đặt vào “thế bí” buộc phải thích nghi. 

Giữa thời kỳ không thể giao tiếp mặt đối mặt, Internet chính là công cụ hoàn hảo để thay lời muốn nói. Nhờ vậy, Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng hơn 39% lượng người dùng Internet, đạt ngưỡng 68 triệu user trên toàn quốc. Cùng lúc đó, theo số liệu từ OpenGov, Internet đang có xu hướng phát triển mạnh không chỉ tại thành thị mà cả khu vực nông thôn khi 77% trong số họ truy cập và sử dụng mạng hằng ngày.

Nếu trước đây, mạng xã hội như Twitter, Facebook được đánh giá là những phương tiện thuần giải trí và đóng vai trò thứ yếu trong cuộc sống thì ngày nay, chúng đã chính thức trở thành workspace (không gian làm việc) của hàng triệu người dùng.

Cũng bởi thế, 2020 là chất xúc tác hoàn hảo mang lại sự bùng nổ về lượng user đăng ký cho nhiều “ông lớn” trong ngành điện tử và truyền thông. Theo Visual Capitalist, cứ mỗi phút trôi qua, Twitter chào đón 319 tài khoản mới, Facebook trao đổi 150 nghìn tin nhắn và YouTube có thêm nhiều video với tổng thời lượng lên đến 500 giờ. Hàng loạt mạng xã hội từng lặng lẽ rút lui khỏi thị trường ứng dụng đầy cạnh tranh đã có cơ hội hồi sinh như WhatsApp, nhiều platform mới nổi tìm cách “đánh chiếm” lãnh thổ mới cũng có thể tỏa sáng như TikTok.

Cùng lúc đó, trước 2020, các ứng dụng hẹn hò thường bị bài xích vì không mang lại sự an toàn và niềm tin cho người sử dụng. Chẳng thể ngờ, sau khi đại dịch bùng phát, Tinder và nhiều ứng dụng khác trở thành công cụ “tối thượng” đáp ứng nhu cầu giải tỏa cảm xúc. Con người nhận ra rằng tình yêu phần nhiều dựa vào sự chủ động tìm hiểu đối phương, ứng dụng hẹn hò chỉ thực hiện vai trò thứ yếu kết nối hai tâm hồn đồng điệu. Giờ đây, họ tham gia Tinder, Bumble hay Hinge với góc nhìn thoáng và rộng mở hơn, cho phép bản thân được trải nghiệm và tìm kiếm nhiều kiểu quan hệ thay vì chỉ tập trung vào tình yêu đôi lứa. Cũng bởi thế, năm 2020 vừa qua là dấu mốc son trong hành trình phát triển của Tinder với 57 triệu người sử dụng và tạo cơ hội cho hơn 20 tỷ lượt match được thực hiện.

Sau khi lệnh đóng cửa được ban hành tại nhiều quốc gia, không chỉ cá nhân mà cả tổ chức và doanh nghiệp bắt đầu có những điều chỉnh để thích nghi với tình hình hiện tại. Nếu trước kia, vấn đề bàn giấy, thủ tục và đàm phán được thực hiện trực tiếp thì đến giữa 2020, nhiều công ty đã chuyển đổi môi trường làm việc qua phương tiện online. Cứ mỗi phút trôi đi, Zoom tiếp nhận 208,3 nghìn thành viên tham gia cuộc họp qua mạng và Microsoft Teams liên kết hơn 52 nghìn tài khoản sử dụng.

Đồng thời, nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia cũng được chính phủ giải quyết ngay trên các ứng dụng kết nối toàn cầu này. Điển hình như Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra vào ngày 21/11 vừa qua, các nguyên thủ nhiều quốc gia đã góp mặt tại cuộc họp trực tuyến, cam kết đóng góp số tiền khổng lồ 21 tỷ USD (khoảng 488 nghìn tỷ VND) để hỗ trợ nỗ lực chống dịch toàn cầu.

Song, khi công việc quan trọng của giáo dục, chính trị và kinh tế phụ thuộc ít nhiều vào sức mạnh Internet cũng là lúc nhiều vấn đề liên quan đến an ninh xuất hiện. Tháng 4/2020, hơn 500 nghìn thông tin cá nhân của user tại Zoom bị đánh cắp và trở thành món hàng buôn bán trên “web đen”, 15 nghìn video bị tin tặc phát tán lên Internet và nhiều dữ liệu user trên iOS bị âm thầm chuyển giao cho Facebook. Dù vấp phải không ít chỉ trích vì độ bảo mật thấp, năm vừa qua vẫn là cơ hội “hiếm có khó tìm” cho các ứng dụng trực tuyến cải thiện và phát triển công nghệ, đáp ứng nhu cầu livestream ngày càng tăng của người dùng mạng quốc tế.

Tương tự các “văn phòng ảo”, e-commerce (thương mại điện tử) cũng là một trong những ngành từng không mang lại cảm giác an toàn cho user. Không chỉ kết nối với thẻ tín dụng, đặt hàng online còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như chất lượng thực tế không đạt mức kỳ vọng hoặc quy trình đổi trả phức tạp. Cũng bởi thế, số đông vẫn ưa chuộng việc mua trực tiếp tại cửa hàng hoặc thông qua người quen.

Tuy nhiên đến năm vừa qua, sự bùng nổ của đại dịch đóng vai trò lớn trong việc thay đổi cái nhìn tiêu cực của con người về e-commerce. Chỉ trong quý 1/2020, thương mại điện tử trên thế giới ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt bậc bằng 10 năm lịch sử cộng lại. Theo Shopify Plus, không chỉ GenZ mà cả những thế hệ lớn tuổi hơn cũng có xu hướng dịch chuyển sang mua sắm online, ghi nhận con số 84% người tiêu dùng đặt hàng qua mạng.

Tại Việt Nam, Shopee, Tiki và các platform e-commerce đẩy mạnh chiến dịch truyền thông. Nhiều cách thức chiêu thị hấp dẫn như chương trình khuyến mãi 1 đồng, freeship và mã giảm giá đưa người dùng vào trạng thái liên tục cập nhật thông tin từ ứng dụng. Giờ đây, “săn sale” và “giành code” trở thành kỹ năng cần thiết của các bạn trẻ, app đặt hàng online như Baemin, Grabfood cũng là nhân tố thiết yếu trong smartphone của mỗi người.

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, giao hàng tận nơi vụt sáng, trở thành phương thức tối ưu để mua sắm giữa mùa Covid-19. Khi các cửa hàng vào tháng 3/2020 bị buộc phải đóng cửa vì lệnh cách ly toàn xã hội, nhiều doanh nghiệp nhạy bén đã quyết định “dời đô” sang hình thức online. Lúc này, shipper chính là sợi dây kết nối duy nhất giữa người mua và bán. Vào các dịp “sale mạnh” hoặc “ưu đãi 1K”, không khó để bắt gặp hình ảnh hàng ngàn anh chị giao hàng lướt nhanh trên các nẻo đường thành phố. Sự phát triển vượt bậc này thu hút hàng loạt những người từ ngành nghề khác quyết định chuyển sang làm shipper, tạo nên thị trường cạnh tranh gay gắt khi ai cũng có thể chạy xe và giao hàng mà không yêu cầu bằng cấp hay kinh nghiệm gì.

Hiển nhiên từ sau đại dịch, sức khỏe sẽ là mối quan tâm hàng đầu của nhân loại. Cùng lúc đó, kết hợp với sự phát triển của Internet, con người tập làm quen với các ứng dụng theo dõi và chăm sóc thể trạng, dẫn đến sự bùng nổ về lượng user đăng ký app sức khỏe lên đến 37% trong thời kỳ đại dịch (theo khảo sát của Quin). 

Trong khi các trung tâm thể dục thể thao và phòng gym ngậm ngùi đóng cửa vì lệnh tự cách ly, ứng dụng theo dõi thể trạng lại vô tình trở thành thị trường béo bở. Dữ liệu thu thập được từ mỗi user không chỉ để cập nhật sức khỏe thể chất mà còn là tư liệu quý giá cho Chính phủ kiểm soát và phát hiện những trường hợp mắc Covid-19 tiềm ẩn. 

Nhằm làm chủ tình hình dịch bệnh, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong cho ra mắt ứng dụng theo dõi và cập nhật thông tin mới nhất về đại dịch thông qua app di động NCOVI. Bước đi này được các chuyên gia đánh giá vừa hiệu quả, vừa thông minh khi có thể nắm bắt tình hình sức khỏe người dân, từ đó đưa ra các giải pháp nhanh chóng đối với trường hợp khẩn cấp. 

Cùng lúc đó, YouTube trở thành địa điểm hoàn hảo để các nhà sáng tạo nội dung ra mắt nhiều video hướng dẫn tập thể dục. Bị “giam cầm” suốt nhiều giờ tại nhà có thể gây ra chướng ngại tâm lý cho những người quen với lối sống vận động thường xuyên. Chính vì vậy, những bài giảng miễn phí và ứng dụng theo dõi sức khỏe là lựa chọn tối ưu trong thời kỳ đại dịch.

2020 đánh dấu sự trưởng thành về mặt công nghệ, truyền thông và y học tại nhiều quốc gia, trong đó hẳn Internet là lĩnh vực có bước phát triển vượt bậc nhất. Không chỉ cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức, cả Chính phủ cũng phải tận dụng Internet như một công cụ để lan truyền ý thức bảo vệ sức khỏe đến người dân.

MV Ghen Cô Vy ra mắt sau 2 tháng kể từ khi Covid-19 bùng phát đã thu về hơn 69 triệu lượt xem. Thử thách Vũ Điệu Rửa Tay biên đạo bởi vũ công Quang Đăng tạo ra cơn sốt toàn cầu, là tiền đề cho nhiều trào lưu tương tự xuất hiện tại các đất nước lân cận. Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia phát huy triệt để tinh thần chống dịch nhờ nhạy bén tận dụng các tài nguyên sẵn có từ Internet, từ đó mang lại nhiều thành tựu khiến thế giới nể phục. 

Trong mắt nhiều người, Internet chỉ được nhận định là một công cụ kết nối và trao đổi thông tin đơn giản. Tuy nhiên, nhìn vào những nỗ lực trong năm 2020 của Việt Nam, chẳng ai ngờ rằng Internet còn có thể là nguồn tiếp sức khổng lồ, kêu gọi tinh thần đoàn kết của người dân trên toàn thế giới.