Thành công của một ca sĩ không chỉ nhờ vào một mình họ mà phía sau là sự hỗ trợ hết mực của những cá thể trong vai trò đặc biệt hoặc một ê-kíp hùng hậu. Cùng lắng nghe Huấn luyện viên Thanh nhạc Nguyễn Bá Phú Quý - người chịu trách nhiệm cho nhiều giọng ca nổi tiếng hiện nay như Chi Pu, Đạt G, Nguyên Hà,... có những chia sẻ về các câu hỏi được khán giả quan tâm.

Từ đâu mà anh bén duyên với công việc huấn luyện viên thanh nhạc? Thu nhập của nghề này nghe nói rất cao?

Cơ duyên đến với nghề dạy thanh nhạc này cũng thật đặc biệt, thời gian đó tôi vẫn là sinh viên năm thứ 3 thôi nhưng lúc đó đang là thực tập sinh của công công ty thầy Nam Khánh nên vào một dịp thầy đã tạo cơ hội cho tôi dạy thử và bén duyên với nghề đến bây giờ. Đúng là tôi cũng nghe mọi người đồn rằng dạy thanh nhạc thu nhập rất cao nhưng bố vợ tôi lại nói rằng thu nhập hiện tại của tôi chỉ ở mức trung lưu. 

Học trò đáp ứng tiêu chí như thế nào thì anh sẽ nhận dạy?

Trước khi nhận một học trò mới tôi thường sẽ có một bài kiểm tra về năng khiếu (cao độ, nhịp, ứng tác một giai điệu mới); tôi sẽ hỏi về mục đích học và hỏi về đường hướng mong muốn phát triển của học viên, nắm hết tất cả những ý đó tôi mới có quyết định, thường thì số lượng người tôi nhận ít hơn số người tôi từ chối, kể cả có nhận rồi mà thái độ học không tốt tôi cũng sẽ cho nghỉ và hoàn học phí. 

Nói như vậy không có nghĩa là tôi quá khó khăn trong việc nhận học trò đâu vì tôi là người dạy thanh nhạc ứng dụng. Tôi có thể nhận dạy Trúc Anh để cô ấy đi cast phim Victor Vũ, tôi có thể nhận dạy 1 cô Hoa hậu để cô ấy có phần trình diễn tốt trong phần thi năng khiếu, tôi có thể dạy hát cho một phóng viên để bạn ấy nhận định tốt hơn khi viết những bài về âm nhạc... Nói chung là bạn có năng khiếu đủ để học hát, bạn có đường hướng, mục đích, mục tiêu rõ ràng tôi sẽ nhận nếu tôi còn suất trống.

Dạy những học trò đã là ca sĩ khác gì với học trò mới?

Điểm chung của những người đến học hát với tôi đều không phải là học hát cho vui, còn điểm khác biệt giữa người học đã là ca sĩ và người mới thì sẽ có những điểm như sau: những bạn đã là ca sĩ sẽ dạy mất thời gian hơn vì đa phần sẽ là những người đi học để sửa lỗi tật lâu năm, còn những người mới thì dạy nhanh tiếp thu hơn và bài bản hơn. 

Tuy nhiên có 1 điểm đặc biệt là thường những bạn ca sĩ sẽ kiên trì học hơn những bạn mới, ca sĩ mà còn đi học thì ý thức về nghề của họ vốn đã cao rồi, còn người mới học thì khác, thường sẽ sớm bị tự mãn, cho rằng mình học đủ rồi, với cá nhân tôi những ca sĩ trẻ mà không đi học thanh nhạc tôi không đánh giá cao. 

Theo anh, những giọng hát như thế nào sẽ được liệt vào "thảm họa"?

Bạn làm tôi nghĩ ngay đến mấy ông hàng xóm hay nhậu rồi vác loa ra hát (cười).

Được biết anh dạy rất nhiều học trò từ Chi Pu, Đạt G, Osad, Nguyên Hà,... vậy thì anh đánh giá cao khả năng của ai hơn trong số các học trò của mình?

Ở thời điểm này thì người toàn diện nhất mà tôi nhận thấy là Chi Pu, nhưng người tôi thích nhất để nghe là Nguyên Hà, thật ra là tôi thích nghe người khác hơn cơ nhưng vì bạn hỏi những cái tên này nên tôi nói về những cái tên này thôi. 

Được biết Chi Pu cũng học thanh nhạc cùng anh hơn 2 năm qua, tuy nhiên khi hát live, Chi Pu vẫn bị khán giả chỉ trích, nguyên nhân là do đâu?

Như đã nói ở trên việc sửa lỗi tật cho một ca sĩ là điều khó và mất nhiều thời gian hơn nhiều so với việc dạy một người mới; thứ nhất trước khi học thanh nhạc cùng tôi Chi Pu đã đi học mấy người trước đó rồi, thầy trò tôi hay nói đùa "giá như chúng ta gặp nhau sớm hơn", thứ 2 học thanh nhạc không phải chuyện một sớm một chiều, nếu đi học chính quy bạn sẽ cần 4 năm trung cấp, 3 năm cao đẳng, 4 năm đại học, nếu học chỉ 2 hệ cũng mất ít nhất 7 năm, nếu là ngành dễ thì đâu cần học lâu vậy đúng không nào. 

Từ khi đi học với tôi Chi Pu rất quyết tâm, có thời điểm học đến 5 buổi 1 tuần, còn hiện tại cũng là 3 buổi 1 tuần, có những ngày vừa đáp chuyến bay về Sài Gòn là đến học luôn, người ngoài không hiểu và không biết rõ về những cố gắng trong luyện tập của bạn ấy nên tôi rất thương học trò của mình, thử hỏi các bạn nếu một người không cầu tiến, không tiếp thu thì có cần bỏ ra nhiều thời gian và tiền bạc để đi học như vậy không trong khi nếu không đi học bạn ấy dùng thời gian ấy để nhận show đi kiếm tiền khỏe re, mà đâu phải chỉ học mỗi thanh nhạc đâu, Chi Pu còn học cả piano, học nhảy, học tiếng Hàn, tiếng Anh, học giao tiếp nữa. Mặc dù là thầy của Chi Pu thật nhưng nhiều khi tôi thấy nể em ấy ở nhiều góc độ. 

Giữa Chi Pu và Phí Phương Anh, anh đánh giá cao ai về giọng hát hơn?

Tôi chưa nghe Phí Phương Anh hát nên không thể nhận định, nhìn thấy mấy cái tên bài hát là tôi đã không bấm vào rồi. 

Giữa thị trường ca sĩ Việt Nam thời điểm hiện tại, ai là người anh cảm thấy có chất giọng tốt nhất?

Nói về chất giọng tốt thì Trúc Nhân là người tôi đánh giá cao nhất trong số ca sĩ nam (nhưng bạn này phải chữa dứt điểm viêm xoang đi nhé), còn nữ thì tôi thích giọng của Lâm Bảo Ngọc.

Anh cảm thấy có bất công khi nhiều ca sĩ có giọng tốt lại không thành công như những ca sĩ giọng không hay?

Không, tôi chẳng thấy có gì bất công cả, giọng tốt chỉ là một nguyên liệu để làm ca sĩ thôi, nói đâu xa, chính tôi đây đã quyết định không làm ca sĩ nữa vì ngày xưa tôi thấy mình lùn, không đẹp trai, dù bản thân tôi cũng từng có rất nhiều giải thưởng và được cả đại ca Đàm Vĩnh Hưng đỡ đầu nhưng tôi thấy mình không đủ tiêu chí, tôi rút lui. 

Nếu những ca sĩ có giọng hay mà không có vị trí trên thị trường thì chính các bạn ấy nên đặt câu hỏi cho bản thân xem mình có những khiếm khuyết gì, tôi thấy lỗi những người giọng hay thường mắc phải nhất là tưởng giọng hay hát nhạc gì, bài nào cũng hay nên thành ra hát tạp, hôm nay thử cái này ngày mai thử cái khác, thời gian trôi qua không đọng lại trong tiềm thức khán giả bạn là ai cả. Vẫn có những người giọng hát hay và thành công đó thôi, nhưng họ thành công như vậy là bởi họ kiên định với một lựa chọn dòng nhạc hoặc kiểu bài.

Gần đây có không ít bản hit nhưng người có chuyên môn trong nghề lại không đánh giá cao, anh có thấy âm nhạc thời gian quan đang khá dễ dãi?

Tôi thú thật là tôi thích thời đại hiện nay và cách âm nhạc Việt đang chảy. Tôi thích lớp trẻ nghe nhạc hiện tại, họ thông minh lắm, thế giới 4.0 nên không còn bị phụ thuộc vào TV hay radio như ngày xưa để nghe nhạc nữa thành ra các bạn ý nghe nhạc cũng đã chọn lọc hơn, khán giả nghe nhạc có nhiều bộ phận hơn xưa. 

Tôi thấy thương những người không theo kịp thời đại, chuyên môn thôi là chưa đủ, để sống và tồn tại cũng như phát triển được ở thời đại này cần phải hiểu cách nó đang vận hành. Bài hit theo kiểu cày view cũng có những những bài hit của giới Indie, Underground cũng rất nhiều, các vị ấy đã cập nhật kịp chưa, có thấy rằng 4 năm trở lại đây âm nhạc Việt Nam đã phát triển như thế nào? Nhà nhà có studio, xóm xóm có nghệ sĩ Under, Indie. Giới chuyên môn bạn đang nói không có tôi.

Anh có cảm thấy ngày nay vị trí music producer (nhà sản xuất âm nhạc) dần trở nên quan trọng hơn trong trong mắt công chúng khi nhìn vào một bản hit?

Điều đó đã quan trọng từ bao lâu nay rồi mà, tuy nhiên đúng là tôi cảm thấy vui vì vai trò của người producer ngày càng được công nhận hơn trong các sản phẩm.

Anh muốn phát triển mình song song giữa việc là huấn luyện viên thanh nhạc hay vai trò music producer?

Hiện tại tôi tập trung nhất vẫn là mảng Thanh Nhạc vì mục tiêu của tôi trong tương lai gần sẽ là một học viện của riêng mình, chuyên đào tạo ca sĩ như các mô hình nước ngoài. Thực tế là tôi đã và đang dạy cho rất nhiều thực tập sinh của các công ty nước ngoài đặt tại Việt Nam rồi, vậy là năng lực và giáo trình của mình đã được các những producer nước ngoài tin tưởng.

Cảm ơn anh vì buổi trò chuyện!

------

Chịu trách nhiệm: Tôn Phong
Bài viết: Liêm Mộng
Ảnh: NVCC
Thiết kế: Hoài My