“Sống xanh” không chỉ gói gọn ở việc trồng cây, phân loại rác mà với thế hệ Z “sống xanh” chính là một lối sống, một phong cách sống vừa tạo ra giá trị cho xã hội, vừa hoàn thiện bản thân.

Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn biến động khí hậu, Gen Z ý thức được tương lai bị tác động bởi cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu, dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, họ đã tích cực chung tay vào các hoạt động và chiến dịch để bảo vệ môi trường và mong muốn môi trường sinh sống trở nên tốt đẹp hơn.

Thực tế, trong một cuộc khảo sát của Facebook Insight, 72% Gen Z muốn tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn với các vấn đề và hoạt động liên quan đến xã hội và môi trường kể từ sau đại dịch. Đối với thế hệ trẻ, sống xanh xuất phát từ những nỗ lực hằng ngày, điển hình như việc hạn chế rác thải, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, và đặc biệt là tiết kiệm năng lượng thông qua các giải pháp công nghệ hiện đại.

Khác với những thế hệ trước, Gen Z thể hiện họ là một tập thể quyết liệt, lời nói luôn đi đôi với hành động, đặc biệt trong vấn đề sống xanh vì môi trường. Theo khảo sát của Tổ chức Kiểm toán Ernst & Young (EY), 37% thanh niên thế hệ Z tham gia xem biến đổi khí hậu là mối quan tâm cá nhân số một của họ và 32% đã tự mình hành động để giải quyết vấn đề. Cả hai tỷ lệ trên đều cao hơn so với các thế hệ đi trước. Bên cạnh đó, hơn 3/4 thế hệ Z muốn những vấn đề về môi trường được giảng dạy ở trường học.

“Thế hệ Z sẽ gánh chịu gánh nặng của biến đổi khí hậu một cách không cân xứng. Họ cảm thấy hiện tại bản thân không thể tác động đến sự thay đổi một cách có ý nghĩa, đặc biệt về khía cạnh kinh tế” - Gillian Hinde, Trưởng nhóm Trách nhiệm Doanh nghiệp Toàn cầu của EY cho biết.

Những người trẻ tuổi tại Mỹ, họ bày tỏ nhiều hơn về sự cần thiết phải hành động bằng việc chia sẻ các nội dung sống xanh trên mạng xã hội, đăng ký những khóa học chuyên sâu về môi trường, thậm chí là khởi nghiệp về sống xanh. Ví dụ như Mimi Ausland (25 tuổi) đã thành lập một công ty nhằm mục đích loại bỏ nhựa khỏi đại dương. Mimi chia sẻ với tờ The Guardian: "Tôi không thể tưởng tượng sự nghiệp cho bản thân nếu điều đó không liên quan đến những sáng kiến vì môi trường dù là nhỏ nhất".

Trong khi đó, Mya-Rose Craig - một nhà điểu học 19 tuổi người Anh - Bangladesh, đồng thời là nhà hoạt động môi trường - đã nhận được bằng tiến sĩ danh dự từ Đại học Bristol (Anh) cho những thành công đáng ngưỡng mộ trong lĩnh vực bảo tồn. Mya-Rose đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận Black2Nature giúp trẻ em và thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tương tác với thiên nhiên.

Tại Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức và tạo cơ hội đóng góp cho thế hệ tương lai, đã có rất nhiều chiến dịch sống xanh, bảo vệ môi trường được triển khai, thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia. Có thể kể đến một số dự án nổi bật như Vì một Việt Nam xanh, Chống rác thải nhựa, Hãy làm sạch biển, Clean Up Việt Nam, Zero Waste – Hero You, … Đây đều là những dự án nhằm giảm thiểu rác thải bảo vệ môi trường hay cung cấp kiến thức về sống xanh, nâng cao nhận thức và hành động cho học sinh sinh viên.

Các hoạt động và chiến dịch sống xanh luôn được Gen Z hưởng ứng và tham gia nhiệt tình. Chính sự năng động và năng lượng của các bạn trẻ là niềm cảm hứng, nguồn năng lượng tích cực lan tỏa đến mọi người xung quanh.

Gen Z sống hòa nhập, cởi mở hơn và muốn chung tay giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu, trong đó lối sống xanh vì môi trường được Gen Z đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, trào lưu tái sử dụng đã trở thành một cơn sốt trong giới trẻ, từ những sản phẩm không thể thiếu như trang phục, phụ kiện tới những sản phẩm trong nhà tắm, nhà bếp, chăm sóc cơ thể, …

Với lời nhắc từ Liên Hợp Quốc khi đưa ra con số cứ 1 phút lại có 1 triệu ly nhựa, chai nhựa các loại được tiêu thụ trên thế giới, thế hệ trẻ nhận thức rõ được tác hại của nhựa tới cuộc sống con người, Gen Z chủ động sử dụng dụng các chất liệu có khả năng tái chế, tái sử dụng nhiều lần mà không cần đến bao nilon thông thường. Và vì vậy, các cửa hàng Refill Station (tạm dịch: trạm nạp) trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều bạn trẻ. Những cửa hàng này không có các sản phẩm đóng gói sẵn từ sữa tắm, dầu gội, đồ dưỡng da tới gia vị trong nhà bếp. Thay vào đó, người mua chỉ cần mang theo túi, ly hoặc bất cứ vật dụng cá nhân để có thể đựng những sản phẩm này.

Một xu hướng khác cũng đã làm “dậy sóng” mạng xã hội chính là mặc “đồ si”. Khi giới trẻ nhận thức được theo đuổi thời trang nhanh không phải là một cách sống xanh đúng mực, họ đã lựa chọn giảm thiểu rác thải từ ngành thời trang bằng cách sử dụng lại những quần áo cũ, mua những sản phẩm thời trang không chạy theo xu hướng, có thể sử dụng trong thời gian dài. Sự chuyển dịch tư duy tiêu dùng này là một tín hiệu tích cực cho ngành thời trang toàn cầu.

“Năng động” và “sôi nổi” là những từ khóa được lựa chọn khi nhắc đến những bạn trẻ Thế hệ Z. Bởi thế, nhiều người tin rằng Gen Z ưa chuộng nhịp sống sôi động và có chút vội vã. Nhưng thực chất, những bạn trẻ bây giờ đang có xu hướng tái định nghĩa lại “sống xanh”, tạo ra “chất xanh” không chỉ cho môi trường mà còn cho cả bản thân.

Với thế hệ trước, khi nhắc đến “sống xanh” người ta nghĩ ngay tới những hành động nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Thế nhưng, với Gen Z, “sống xanh” không chỉ dừng lại ở đó mà còn là tạo ra một lối sống lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần để tận hưởng nhịp sống sôi động với nguồn năng lượng tối ưu nhất.

Để chuẩn bị cho lối sống xanh, họ tạo ra những thói quen để bảo vệ và nâng cao sức khỏe như rèn luyện thể thao, chú trọng tới bữa ăn hằng ngày và đặc biệt quan tâm tới sức khỏe tinh thần. Thực tế, Gen Z không chỉ sở hữu một lối sống cực kỳ khỏe mạnh và năng động mà những lựa chọn của họ cũng vô cùng đặc biệt và độc đáo. Bóng rổ, múa cột, gym, groupX, kickboxing… những môn thể thao vốn ít phổ biến nay trở thành ngôi sao mới, thu hút đông đảo các bạn Gen Z tham gia tập luyện. Không hiếm những hình ảnh các sân bóng rổ hay câu lạc bộ thể thao mà ở đó các tuyển thủ đang mồ hôi nhễ nhại, lẫn đội cổ vũ và khán đài chật ních những bạn trẻ với tinh thần thể thao.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khoa học uy tín cho rằng ăn chay có thể phòng ngừa hiệu quả một số loại bệnh phổ biến bởi những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật thường ít mang các nguy cơ tiềm ẩn về mặt bệnh lý cho sức khỏe con người. Do đó, rất nhiều bạn trẻ bắt đầu chuyển sang chế độ ăn nền thực vật, với khối lượng thực phẩm có nguồn gốc thực vật cao hơn so với nguồn gốc động vật. Chế độ này bao gồm một loạt các kiểu ăn uống từ phương pháp thuần thực vật, đến các phương pháp vẫn chứa một số nguồn protein động vật.

Sự khác biệt nổi bật của thế hệ Z đối với những thế hệ trước chính là họ tạo ra một nhịp sống xanh nhằm điều hòa sức khỏe tinh thần. Được mệnh danh là thế hệ “work hard, play hard” (tạm dịch: làm hết sức, chơi hết mình). Họ sẵn sàng dành tới 12 tiếng để chạy đua với guồng quay công việc. Nhưng vẫn phải đảm bảo quỹ thời gian còn lại có thể cân bằng được sức khỏe tinh thần, giữ tâm lý thư giãn và thoải mái. Và trong trường hợp gặp vấn đề tâm lý, Gen Z luôn sẵn sàng với việc mở lòng, chia sẻ về sức khỏe tâm thần và các thế hệ khác có thể học hỏi từ điều này. Hơn nữa, trao đổi thẳng thắn về sức khỏe tâm thần có thể giúp thông báo cho thế hệ trẻ về những điều họ nên mong đợi trong cuộc sống tương lai, duy trì lối “sống xanh” mà thế hệ Z đang theo đuổi.

Có thể thấy rằng, Gen Z là một thế hệ trẻ, năng động, họ được hưởng nhiều đặc quyền của xã hội như công nghệ, sự phát triển nhưng đổi lại là môi trường bị ô nhiễm, đời sống phải chịu nhiều áp lực hơn so với những thế hệ khác. Chính vì vậy, định nghĩa lại “sống xanh” chính là cách để thế hệ trẻ này cân bằng cuộc sống, đồng thời, tạo ra những giá trị có ích cho xã hội và bản thân.