Vào năm 1977, thương hiệu gà rán đầu tiên của Hàn Quốc – Lim’s Chicken chính thức ra mắt. Đến những năm 1990, các phiên bản gà rán xuất hiện đa dạng hơn và dần trở thành một món ăn mang “thương hiệu” Hàn Quốc. Để lý giải thành công và tìm ra bí quyết của món gà rán Hàn Quốc trứ danh, chuyên mục Cảm hứng bất tận có cuộc trò chuyện với ông Yoo KangShin, giám đốc Chicken Plus - thương hiệu gà rán với gần 500 cửa hàng tại Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia,…


* Điều gì khiến ông chọn Việt Nam là địa điểm tiếp theo cho chuỗi nhà hàng của mình?

- Trước đây tôi đã từng đến Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng như những nước còn lại của khu vực Đông Nam Á và nhận thấy ở mỗi nơi đều có nền văn hóa khác biệt. Đến nơi nào, tôi cũng tìm hiểu kĩ về nền văn hóa của nơi đó.

3 năm trước khi lần đầu đến Việt Nam, tôi đã có vài ngày du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh và dành hầu hết thời gian để đi thăm thú, cũng như nếm thử các món ăn nổi tiếng. Lúc đó tôi đã thấy đường phố nơi đây rất nhộn nhịp, nhiều xe máy và đông người qua lại. Tôi cảm thấy đây là một thành phố năng động, giàu tiềm năng và quyết định sẽ tới để thử kinh doanh.

Tôi nhận ra thành phố này hầu như chưa có chuỗi cửa hàng gà rán nào theo hình thức nhượng quyền. Khi bắt đầu, chúng tôi vừa tự tìm hiểu vừa làm thử, nếu hình thức nào đó được pháp luật Việt Nam cho phép mới triển khai rộng. Sau 3 năm, mọi thứ đã ổn thỏa và hiện chúng tôi có 48 cửa hàng tại Việt Nam.

* Thực tế, không phải thương hiệu nào của Hàn Quốc cũng thành công khi “xuất ngoại”. Vậy tại sao ông vẫn chọn đi con đường này?

- Nhắc đến Hàn Quốc người ta sẽ nghĩ đến sự thành công của các thương hiệu gà rán. Nhưng đúng là các thương hiệu gà rán Hàn Quốc khi mở rộng thị trường tại nước ngoài thì thất bại rất nhiều.

Nếu như chúng ta làm theo những cái mà người khác đã làm thì dù có tốt đến đâu thì cũng chỉ dừng ở vị trí thứ 2 thôi. Nhưng nếu chúng ta làm thành công những việc mà người ta từng thất bại, chúng ta sẽ đạt được vị trí thứ nhất. Vì đã có nhiều người gặp thất bại nên đây là một thách thức vậy. Tôi đã phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao những người khác thất bại, từ đó liên tục nghiên cứu và cải tiến các phương án để không lặp lại những sai phạm đó.

Những thương hiệu Hàn Quốc khác khi ra thị trường nước ngoài thường muốn làm giống với hương vị của Hàn Quốc mà không tìm hiểu những nơi đó họ thích hương vị như thế nào. Đó là một trong những lý do lớn nhất để dẫn đến thất bại. Việc kinh doanh ở đây không phải là do mình muốn mà phải đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

* Gần 500 cửa hàng nhượng quyền trong vòng 5 năm là con số ấn tượng, ông đã làm điều đó như thế nào?

- Thứ nhất, chúng tôi hoạt động theo hình thức nhượng quyền. Nếu các cửa hàng của Lotte hay KFC đều là các cửa hàng của công ty thì cửa hàng của Chicken Plus thuộc chủ sở hữu khác nhau. Công ty tôi thì không thể chỉ có một mình tôi. Bên cạnh đó phải là những khách hàng, chủ cửa hàng, đối tác, những nhà đầu tư và tất cả các nhân viên.

Thứ hai, chuỗi nhà hàng hoạt động trên nguyên tắc không phải chỉ đem lại lợi nhuận cho riêng tôi mà luôn phải suy nghĩ đến lợi ích cho cả những người khác. Chính vì thế mọi người đều giúp đỡ tôi cũng như công ty tôi một cách nhiệt tình. Và nếu như có nhiều người giúp đỡ công ty kinh doanh tốt như vậy thì chúng tôi tất nhiên sẽ ngày càng mở rộng và lớn mạnh hơn nữa. Quy tắc của chúng tôi là Give & Take (cho và nhận) chứ không phải Take & Give (nhận và cho).

Thứ ba, khi các cửa hàng thường không có vị trí mặt bằng cũng như nội thất tốt như các thương hiệu khác, chúng tôi lại chọn chú trọng chất lượng món ăn và khác biệt trong hương vị để kéo và giữ chân khách hàng. Và chúng tôi cũng ưu tiên sự sạch sẽ, bởi điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho chúng tôi mà còn cả cho các “thượng đế”.

Cuối cùng, theo tôn chỉ của chúng tôi, khách hàng chi tiền thì phải có sự an tâm tuyệt đối về chất lượng món ăn. Do đó nhà bếp của mỗi cửa hàng đều được xây dựng phía bên ngoài để khách hàng có thể nhìn thấy được toàn bộ quá trình chế biến thực phẩm.

* Chicken Plus hướng đến việc cho khách hàng ngồi ăn tại quán, nhìn thấy quá trình chế biến. Điều này liệu có đi ngược lại với tiêu chí của ngành thức ăn nhanh (fast food) là nhanh và tiện lợi?

- Thức ăn nhanh sẽ hợp với những bữa ăn chỉ có một người để họ ăn một cách nhanh chóng. Nhưng tôi muốn, dù là ăn nhanh, mỗi người vẫn có thể đi cùng gia đình, đồng nghiệp tới đây để vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ với nhau. Điều này sẽ mang lại cảm giác ngon miệng hơn. Đó là lý do khiến chúng tôi có sự lựa chọn như bạn nói. Không gian phù hợp để mọi người vừa ăn vừa trò chuyện, cộng thêm sự an tâm khi thưởng thức là cách để Chicken Plus tạo ra dấu ấn riêng của mình.

* Nhiều người cho rằng thức ăn nhanh – và cụ thể là gà rán - sẽ không tốt cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều. Vậy làm thế nào để ông tuân theo tôn chỉ “khách hàng an tâm tuyệt đối về chất lượng món ăn”?

- Mọi người cho rằng gà rán có nhiều dầu mỡ và lớp bột chiên rất dày nên không tốt. Nhưng, lớp bột chiên gà bên ngoài của chúng tôi được tráng rất mỏng. Chúng tôi cũng sử dụng 100% dầu nành nguyên chất, để hạn chế những chất không tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, quá trình giết mổ và tẩm ướp nguyên liệu sẽ được thực hiện trong ngày và vận chuyển ngay từ nơi cung cấp đến nhà hàng nên sẽ luôn giữ được độ tươi ngon cho món ăn.

Ngoài ra, chúng tôi luôn thiết kế quầy buffet miễn phí với nhiều salad, cà chua, rau xanh và các loại xốt… để khách hàng có thể ăn kèm.

* Việt Nam là đất nước có nền ẩm thực đa dạng và chất lượng. Ông đã gặp những khó khăn gì để chinh phục những thực khách khó tính tại đây?

- Thực ra hương vị gà rán tại Hàn Quốc và Việt Nam có đôi chút khác biệt. Xốt chính là bí quyết làm ra hương vị đặc trưng của gà rán Hàn Quốc. Loại xốt này có nguyên liệu chung là nước tương. Nhưng nước tương của Hàn Quốc và Việt Nam lại khác nhau nên cũng tạo ra hương vị hơi khác biệt, tương ở Việt Nam có vị thanh nhẹ hơn.

Lúc đầu sang Việt Nam chúng tôi cũng đã cùng một số đối tác nghiên cứu nhiều loại xốt, sau đó thực hiện khảo sát với tầm 200 - 300 thực khách. Chúng tôi dựa trên các đánh giá và góp ý của họ để điều chỉnh cho phù hợp với khẩu vị người Việt. 

Hiện tại những món ăn mới sẽ do nhân viên người Việt thử và đánh giá. Dựa vào những đánh giá và khẩu vị của người Việt Nam, chúng tôi cải thiện món ăn cho phù hợp.

* Nhiều bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp với ngành ẩm thực, ông lời khuyên gì dành cho họ?

- Hãy tạo cho tôi một món ăn ngon, một bầu không khí thật tuyệt cùng thứ âm nhạc mà tôi thích, chỉ dành cho riêng tôi mà thôi (Cười).

Đừng ép khách hàng thích những thứ mà bản thân mình thích. Phải nỗ lực tìm được điều khách hàng mong muốn là gì và cố gắng hết sức để đem đến cho họ. Đó chính là nền tảng cốt lõi của việc kinh doanh.

* Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Thực hiện: Hoàng Văn - Nhật Anh

Thiết kế: Hoài My