Xuất phát từ tình yêu dành cho thần tượng, không để idol phải chịu tổn từ xung quanh mà những mâu thuẫn, “chiến tranh” giữa các fandom bùng lên và dần dần nó đã trở thành một thứ không thể thiếu trong cộng đồng fan Kpop qua bao thế hệ.
Một trong những mặt xấu của K-pop mà nhiều người cho rằng cần được xoá sổ nhất chính là fanwar. Khi những trận chiến tiêu cực các fandom (hoặc trong cùng một fandom) không còn tồn tại, những người nghệ sĩ mới có thể tự do hoạt động nghệ thuật, đem đến những sản phẩm âm nhạc chất lượng dành cho người hâm mộ. Mặt khác khi thiếu đi fanwar, K-pop vẫn có thể phát triển và vươn lên đến vị thế đỉnh cao như hiện tại. Nhưng liệu nền văn hoá lâu đời này có khuyết đi một phần đặc sắc?
Kpop đã dần bước sang thế hệ thứ 4 nhưng fanwar thì đã nhen nhóm xuất hiện từ thế hệ idol đầu tiên như H.O.T, Shinhwa, g.o.d,… Nhiều người tự hỏi ở thời công nghệ chưa phát triển, những cuộc chiến khốc liệt đó đã diễn ra như thế nào. Chính xác là họ dùng… nắm đấm. Có rất nhiều cuộc chiến kinh hoàng trong quá khứ và một trong số đó chính là màn đối đầu khét lẹt giữa fandom của H.O.T và Sechskies. Cảnh tượng “huyền thoại” này thậm chí đã từng được tái hiện lại một cách đầy chân thực trong bộ phim truyền hình Reply 1997 (2012).
Khi Kpop bước vào thế hệ 2 thì fanwar cũng hoàn toàn thay đổi cả cách thức lẫn quy mô hoạt động. Thay vì “động tay động chân” như đàn anh đàn chị đi trước, fan Kpop gen 2 lại quyết liệt “đấu khẩu” qua mạng xã hội. Không để idol mình phải chịu thua thiệt hay bị ghét bỏ, người hâm mộ đã biến những trang mạng trở thành chiến trường, dùng các con chữ, bàn phím là vũ khí để chống lại nhau. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể giữ được sự bình tĩnh, văn minh khi đấu đá, họ thậm chí còn không ngại dùng những từ ngữ công kích, xúc phạm thần tượng của nhau.
Vẫn biết fanwar là những trận chiến diễn ra giữa các cộng đồng fandom nhưng độ sát thương, tàn dư mà nó để lại thực sự không phải là chuyện đùa. “Biển đen im lặng” ở sự kiện âm nhạc Dream Concert năm 2008 được xem là một trong những vụ fanwar kinh khủng nhất trong lịch sử Kpop. Thời điểm đó, fandom của DBSK, SUPER JUNIOR và SS501 đã liên minh, đồng loạt tắt lightstick và giữ im lặng trong suốt 10 phút SNSD trình diễn. SONE – fandom của SNSD đã từng có thời gian dài một mình chống lại với vô số fandom để bảo vệ idol khỏi những trận “ném đá” vô lý.
Ở thời điểm đó trên các diễn đàn, thật không khó để bắt gặp những trận đấu khẩu từ nhỏ đến lớn giữa các fandom của DBSK, E.L.F và V.I.P hay giữa SONE, Blackjack, Queen. Không ai biết những trận chiến đó bắt đầu từ bao giờ, nhưng vẫn kéo dài âm ỉ suốt một thời gian và chỉ dừng lại khi Kpop thế hệ 2 chính thức khép màn.
Nhưng vẫn không thể phủ nhận rằng, sự cạnh tranh giữa các fandom cũng đem lại những kết quả tích cực không ai ngờ. Với việc luôn muốn idol của mình trở thành người dẫn đầu và không thua kém bất cứ ai, fan sẵn sàng chi tiền bạc, thời gian, công sức để tạo ra những kết quả, kỷ lục khủng. Nhờ những trận chiến “một mất một còn” đó mà các thần tượng thi nhau lập hàng loạt kỷ lục mang tầm quốc tế chưa từng thấy, góp phần nâng cao vị thế của Kpop trong bản đồ âm nhạc thế giới.
Màn đụng độ giữa BIG BANG và EXO ở nhiều năm trước từng khiến nhiều người phải kinh ngạc. Hai nhóm nhạc nam cùng ra mắt ca khúc mới trong một thời gian, vì thế mà cộng đồng fan hai bên cũng chiến nhau cực gay gắt trên mọi cổng bình chọn, kết quả là chỉ có BIG BANG VÀ EXO thay phiên nhau giữ vị trí Quán quân và Á quân. Cuối cùng ở lễ trao giải MAMA 2015, các giải thưởng từ nhỏ đến lớn đều được hai nhóm nhạc nam này “ôm trọn”.
Trận fanwar của ARMY (fandom BTS) và BLINK (BLACKPINK) cũng chính là một ví dụ tiêu biểu. Bỏ qua những cuộc khẩu chiến thông thường, ARMY và BLINK liên tục dùng những thành tích về âm nhạc để “kèn cựa” nhau. Không tự nhiên gì mà trong những năm gần đây, BTS và BLACKPINK đã trở thành những “ông hoàng bà chúa YouTube”, tạo nên những điều mà lứa thần tượng trước cũng khó làm được. Tất nhiên, điều này có được là nhờ vào lòng hiếu chiếu “không đáy” của cộng đồng fan. Vì luôn muốn thần tượng phải đỉnh nhất, họ sẵn sàng chi tiền bạc, “cày view” ngày đêm để lập thành tích, kỷ lục. Trong thời gian gần đây, How You Like That và Dynamite đã thay phiên nhau tạo nên những kỷ lục ấn tượng cho K-pop. Tất nhiên, một khi ARMY và BLINK còn “đấu đá” nhau thì những con số kỷ lục này sẽ còn liên tục biến đổi.
Dĩ nhiên, việc gì cũng có mặt đẹp – xấu và fanwar cũng như vậy! Trải qua một lịch sử phát triển, fanwar đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá K-pop. Thật khó có thể tưởng tượng K-pop sẽ như thế nào nếu vắng như những trận chiến này. Tuy nhiên ngoài những trận đấu vì lý do chính đáng, thúc đẩy cho sự phát triển thì vẫn có rất nhiều cuộc fanwar vượt ngoài kiểm soát đã diễn ra, cuối cùng, không chỉ làm xấu đi hình ảnh của fan K-pop mà chính thần tượng cũng "đau" không ít.
Thiết kế: Hoài My