Nếu hỏi về một bộ phim đang gây chú ý hiện nay, chắc chắn “Emily ở Paris” sẽ là cái tên đầu tiên được nhắc đến. Nội dung hài tình cảm nhẹ nhàng cùng nhân vật chính do mỹ nhân Lily Collins đảm nhiệm đã khiến phim tạo nên sức hút không nhỏ đối với người yêu điện ảnh.


Thế nhưng, nếu cân nhắc về nội dung, sẽ có không ít nghi vấn về góc nhìn của nhà sản xuất cũng như đạo diễn phim trong cách tiếp cận giới trẻ hiện nay. 

Emily ở Paris chính thức có mặt trên nền tảng Netflix vào ngày 2/10 mùa đầu tiên gồm 10 tập. Phim được thực hiện bởi nhà sản xuất, đạo diễn tài ba Darren Star - người nổi danh với những bộ phim dành cho giới trẻ và phái nữ đình đám một thời như Beverly Hills 90210 hay Sex and The City. Ngoài ra sức hút của Emily ở Paris còn đến từ mỹ nhân tài sắc Lily Collins trong vai nữ chính Emily Cooper.

Emily ở Paris nhanh chóng tạo được sức hút và leo lên Top Trending Netflix của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo The Financial Times, phim cũng là sản phẩm giải trí được xem nhiều nhất 4 ngày cuối tuần vừa qua ở nước Pháp. 

Sự ảnh hưởng của Emily ở Paris cũng làm sống lại dòng phim chick flick (phim dành cho phái nữ) từng làm điên đảo chị em phụ nữ những năm về trước với các tác phẩm đình đám như Sex and The City hay The Devil wears Prada. Tuy nhiên, nếu Sex and The City mang lại những triết lý thực tế, The Devil wears Prada khiến khán giả thích thú với Andy Sachs chăm chỉ, đầy nghị lực thì  Emily ở Paris lại gây nên nhiều tranh cãi vì góc nhìn và nội dung.

Cái tên Emily ở Paris mở ra câu chuyện xoay quanh cuộc sống tại Thủ đô nước Pháp hoa lệ. Cô nàng Emily người Mỹ ở tuổi 20 đã có cơ hội đến Paris làm việc cho một tập đoàn danh tiếng, khi mà bản thân không biết tiếng Pháp và cũng chẳng có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực mới. Cốt truyện của phim được xem là khá tiềm năng để khai thác, tuy nhiên, cách xây dựng nhân vật chính có phần thiển cận và thiếu tinh tế đã trở thành điểm yếu “trí mạng” khiến Emily ở Paris không nhận về đánh giá cao từ khán giả cũng như giới chuyên môn. 

“Thế quái nào mà cô ta cứ gặp may mắn như thế nhỉ?” - đây là suy nghĩ duy nhất mà người xem đọng lại sau khi xem cả 10 tập phim. Chưa nói đến việc chuyên môn có phần thấp kém hơn đồng nghiệp, việc cô nàng tới một đất nước khác mà không chịu học thứ tiếng của nước họ khiến nhiều người cho rằng đã xứng đáng nhận một điểm 0 về sự cầu tiến. 

Emily còn khiến người xem khó chịu khi đặt cái tôi của mình lên quá cao. Là một nhân viên còn non kinh nghiệm, cô lại không tìm hiểu đúng những gì thị trường cần. Ngược lại, trong phim, thị trường cần phải “tuân theo” những gì mà Emily thực hiện. Ngoài ra, các nhân vật Influencer trên mạng xã hội có lẽ sẽ tức chết với phân cảnh mà Emily đăng ảnh đang ăn bánh với dòng trạng thái hết sức ngô nghê "butter + chocolate = <3" mà lại nhận được vô số yêu thích và sau đó là cả nghìn người bấm theo dõi. 

Rồi, không chỉ là câu chuyện của công việc và sự nghiệp, tình yêu của Emily trong phim còn được khắc họa rõ nét “dở hơi” đến mức xem xong người ta càng có cớ ghét nhân vật này nhiều hơn.

Emily khi dù đã đính hôn với bạn trai ở Mỹ nhưng cả hai đã nhanh chóng chia tay khi mới xa nhau chưa được 30 ngày. Cô nàng còn rơi vào lưới tình với anh chàng đầu bếp Gabriel - người đã có bạn gái, thậm chí bạn gái anh ta còn là người bạn tốt của Emily ở nơi đất khách quê người. Dù một phụ nữ trong phim đã bao biện rằng “Cô chưa sống đúng kiểu Paris nếu chưa có ít nhất một mối quan hệ trái luân thường đạo lý”, nhưng nhìn xem Emily đã vướng phải hai điều tối kỵ nhất trong tình yêu: làm “tiểu tam” và yêu bồ của bạn. 

Sẽ thật sự tai hại nếu mọi người nhìn vào Emily Cooper và nghĩ rằng cô ta chính là hiện thân của thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z hiện nay. Nhiều bình luận để lại bên dưới bộ phim thể hiện rằng vẫn có một số bộ phận nhỏ giống như vậy, nhưng một số lượng lớn những người trẻ khác hoàn toàn khác xa với những gì mà Emily có trong phim. Thử điểm qua một số bình luận ấy:

“Người chịu trách nhiệm sản xuất chính của Emily Ở Paris là Darren Star sinh năm 1961. Điều đó cho thấy một vấn đề: ông đã có một cái nhìn quá thiển cận và hẹp hòi đối với giới trẻ ngày nay”.

“Nỗ lực làm phim về thế hệ con cháu của mình là điều tốt nhưng nó sẽ đáng hoan nghênh hơn nếu phía sản xuất  chịu tìm hiểu kỹ càng hơn. Hệ quy chiếu của họ dành cho giới trẻ qua nhân vật Emily Cooper thật sự rất sai lầm. May mắn thay những người trẻ như Emily chỉ là thiểu số, chứ nếu chiếm số đông có lẽ tương lai thế giới sẽ bị đe dọa mất”.

Những điều ấy là lý do để hiểu vì sao, Emily ở Paris chưa làm những khán giả khó tính và các nhà chuyên môn hài lòng, dù đạt thành công về mặt thương mại. Trên Metacritic, điểm số từ người dùng đánh giá phim chỉ ở mức 4.3/10 còn của các chuyên gia thì cũng chỉ khá hơn một chút với 63/100. Thậm chí phim còn bị người Pháp chỉ trích nặng nề khi tô điểm hình tượng người Pháp có phần không đẹp trong phim. 

Charles Martin viết trên tờ Première: “Người Pháp được miêu tả như những người lười biếng và chẳng bao giờ đến văn phòng vào buổi sáng, luôn luôn thích tán tỉnh và không chung thủy, đã vậy còn phân biệt đối xử và lạc hậu nữa”.

Tờ Indiewire nhận xét như sau về Emily ở Paris: “Thật kỳ lạ nhưng theo dõi phim này nó giống như cách mà bạn lướt Instagram trong vô thức vậy. Bạn để thời gian cứ thế trôi qua chỉ với việc nhìn ngắm những hình ảnh đẹp mà vô hồn, do những người có điều kiện thực hiện và ngạc nhiên thay họ gọi đó là một nghề. Emily ở Paris là một bộ phim dành cho bạn nếu như đó là tất cả những gì bạn muốn xem”. 

Nếu bạn muốn tìm một bộ phim giải trí nhẹ nhàng vào cuối tuần để thư giãn đầu óc thì Emily ở Paris là một sự lựa chọn hoàn hảo. Còn nếu như bạn xem bộ phim này với mong muốn hiểu hơn về thế hệ trẻ ngày nay, thì tốt nhất là nên dẹp ngay cái suy nghĩ đó lại. Và mặc dù có chung nhà sản xuất đi chăng nữa, hãy nhớ: Chất lượng nội dung của Emily ở Paris và Sex and The City là khác nhau hoàn toàn.