Trải qua không ít thăng trầm trong suốt 20 năm, sức sống bền bỉ của Đường lên đỉnh Olympia vẫn đủ để khiến nó vượt khỏi ký ức của các thế hệ học trò để thực sự trở thành một biểu tượng.


2020, Đường lên đỉnh Olympia đã ghi dấu trong lòng khán giả được 20 năm. Chặng đường gian nan giữa sự thay máu liên tục của các gameshow truyền hình, chương trình đã thể hiện sự bền bỉ của mình khi vẫn luôn là món ăn tinh thần của nhiều người.

Tính tới nay, nhà vô địch năm đầu tiên đã gần 40 tuổi, trong khi quán quân nhỏ nhất cũng vừa mới bước sang tuổi 18. Và suốt quãng đường ấy, gameshow có tuổi đời lâu nhất của VTV này đã có nhiều lúc đứng trước nỗi lo bị "nhấn chìm" trong sự lên ngôi của các chương trình giải trí.

Đường lên đỉnh Olympia phát sóng số đầu tiên vào ngày 21/3/1999 trên kênh VTV3, do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức với ý tưởng một cuộc đua leo núi kiến thức. Giữa thị trường giải trí khan hiếm sân chơi học đường, sự ra đời của gameshow như thổi một luồng gió mới đầy màu sắc, vui tươi và được đón nhận.

Chương trình gây ấn tượng bởi sự ưu tú của các học sinh THPT, luật chơi mới lạ cùng hàng loạt những câu hỏi hóc búa khiến những phút “rượt đuổi” căng thẳng khi chinh phục đỉnh cao kiến thức của người chơi trở nên hấp dẫn.

Đường lên đỉnh Olympia cũng đưa tên tuổi của hàng loạt các MC tới gần hơn với khán giả, mang lại sự thành công kể cả khi đã rời chương trình như nhà báo Tạ Bích Loan (hiện đang giữ vị trí Trưởng ban Sản xuất các chương trình giải trí VTV3), MC Tùng Chi (Phó trưởng ban Giải trí và Thông tin Kinh tế, ĐÀI THVN), MC Khắc Cường, Thanh Vân Hugo, MC Diệp Chi,...

Chưa hết, các nhà vô địch sau khi bước chân ra khỏi cuộc thi cũng đạt được nhiều thành tựu đáng nể, phải kể đến những cái tên được khán giả quan tâm từ những mùa đầu như chàng trai hiếu học Phan Mạnh Tân, hình ảnh tấm gương vượt khó Lê Vũ Hoàng, Nguyễn Minh Đức, Phan Đăng Nhật Minh,...

"Chỉ trừ lúc bác mệt và ốm thôi chứ còn lúc nào bác cũng chờ đến trưa chủ nhật để mở xem Đường lên đỉnh Olympia. Và không chỉ theo dõi thôi đâu, mà bác còn ghi chép lại đầy đủ tên tuổi, ngôi trường mà các nhà leo núi đang theo học trong cuốn sổ tay của mình" - câu chuyện của một khán giả trung thành với chương trình suốt 20 năm qua được nhắc tới trong gala 20 năm Đường lên đỉnh Olympia.

Vượt chướng ngại vật

Có một thực tế rằng, bất cứ chương trình nào cũng khó có thể "giữ nhiệt" liên tục trên hành trình chinh phục thị hiếu khán giả. Với Đường lên đỉnh Olympia sự đổi mới được thể hiện qua từng năm khi suốt chặng đường kéo dài 2 thập kỷ của mình.

Điển hình, chương trình cũng đã có 4 lần thay đổi logo. Và dù biểu tượng chính vẫn là chiếc vòng nguyệt quế sáng giá là đại diện thương hiệu khi nhắc tới Đường lên đỉnh Olympia, thế nhưng chương trình vẫn chăm chút vào yếu tố "bổ mắt" cho khán giả để mỗi lần xuất hiện đều không nhàm chán.

Tuy nhiên, những thay đổi nhỏ lẻ ấy chưa thực sự cứu được Đường lên đỉnh Olympia bước vào giai đoạn thoái trào như những chương trình khác. Khoảng thời gian vài năm trước, cái tên Đường lên đỉnh Olympia dường như trở nên giảm nhiệt trước sự cạnh tranh của hàng loạt các chương trình truyền hình thực tế. Khán giả cũng dần đặt ra câu hỏi nghi ngờ về sự ra đi của một chương trình thuần kiến thức.

Trang VnE từng nhận định: "Có nhiều lý do để gameshow "bại trận" trước truyền hình thực tế. Bên cạnh những điểm yếu ai cũng nhận ra như thiếu kịch tính, thiếu tính tương tác... Người chơi trong các gameshow đa phần thụ động trong một kịch bản được lặp đi lặp lại, quen thuộc tới mức MC không cần nêu luật chơi thì ai cũng thuộc làu". Có lẽ điều này cũng đúng phần nào với Olympia.

Và, trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ, những tranh cãi xung quanh Đường lên đỉnh Olympia thường được khơi mào, mà lý do chính gắn với việc nó bị xem là “nơi tuyển nhân tài cho nước Úc” khi các thí sinh cứ lần lượt đi du học và không trở (tính tới nay chỉ 3/18 quán quân về Việt Nam). Không chỉ vậy, những sự cố xuất hiện tại đây khá nhiều như tranh cãi về điểm số, nghi vấn lộ đề, sai câu hỏi và cả đáp án...

Tăng tốc

Đứng trước nỗi lo sẽ hoà tan trên thị trường giải trí, sự thay đổi là điều cần thiết. Năm 2016 đánh dấu sự "thay máu" nhiều nhất của chương trình. Đường lên đỉnh Olympia mùa thứ 16 đã có thêm nhiều cải tiến mới mẻ về luật chơi nhằm tăng tính hấp dẫn cho chương trình. Đây cũng là năm cuối cùng để các thí sinh lớp 12 có cơ hội dự thi bởi theo quy chế mới, từ năm thứ 17 sẽ chỉ chọn các ứng viên "leo núi" là học sinh lớp 10, 11.

Đặc biệt, bắt đầu từ trận chung kết Olympia năm thứ 20, số tiền thưởng cũng sẽ được thăng hạng lên mức khủng hơn. Theo đó, nữ thí sinh duy nhất giành ngôi vô địch trong mùa giải năm nay đã nhận về số tiền thưởng 40.000 USD cùng suất học bổng tại ĐH Kỹ thuật Swinburne (Úc).

Nói về sự thay đổi từng ngày của Đường lên đỉnh Olympia, nhà báo Tạ Bích Loan - trưởng ban Sản xuất các chương trình giải trí (VTV3) từng chia sẻ: "Cuộc thi vẫn đi theo hướng cổ vũ cho các bạn trẻ tham gia vào sân chơi mang tính trí tuệ nhưng trong năm 2019, chúng tôi còn mở ra không gian mới. Đó là những cuộc gặp gỡ, trò chuyện với những bạn thắng cuộc, đi học tập ở nước ngoài, trở về. Họ sẽ chia sẻ câu chuyện của mình với những thí sinh. Qua đó, chúng tôi muốn gửi thông điệp: Nếu các bạn học tập, cố gắng lao động thì sẽ được thành công".

Thăng trầm suốt 20 năm chiếm sóng, vẫn phải thừa nhận Đường lên đỉnh Olympia là gameshow "lì lợm" nhất trên thị trường khi ròng rã 2 thập kỷ chưa năm nào ngừng chiếu hay tạm hoãn. Không ai có thể phủ nhận sự thành công mà chương trình đã đạt được khi mỗi buổi trưa Chủ nhật, gia đình nào cũng ôm kè kè cái TV để xem các thí sinh chinh phục "đỉnh núi kiến thức".

Mới đây, chương trình đã tổ chức gala kỷ niệm 20 năm lên sóng với buổi gặp gỡ thân mật của đại gia đình Olympia vào ngày 19/09. Cùng chủ đề "Tuổi 20 đáng sống", những câu chuyện về hành trình của các cựu thí sinh Olympia được công chúng vô cùng quan tâm. Thực tế cho thấy, khán giả chưa bao giờ ngừng dành sự trân trọng, nể phục với những người tài. Đó cũng chính là lý do sức hút của chương trình dù có lên xuống thất thường theo thị hiếu khán giả nhưng vẫn mang giá trị công nhận về tri thức mà nhiều người muốn được vinh danh.

Với sự vận hành tạo nên thói quen cho khán giả Việt, Đường lên đỉnh Olympia không chỉ dừng lại ở giới hạn của một chương trình truyền hình mà đã được nâng lên thành biểu tượng văn hoá, kiến thức, chứa đựng một miền ký ức thế hệ trẻ. Thậm chí, còn có một “ông bố Tây Ninh” thể hiện sự thần tượng cuồng nhiệt với chương trình khi đặt tên con trùng với tên nhà vô địch năm thứ 2 Phan Mạnh Tân. Và chẳng thể ngờ sau 17 năm, cậu bé lại trở thành thí sinh vinh danh trên sàn đấu Olympia thật.

Hay câu chuyện một khán giả làm hẳn vòng nguyệt quế bằng vàng 9999 nguyên chất tặng Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm nay. Tất cả đã cho thấy lan toả và ảnh hưởng của chương trình tới cả thế hệ người dân Việt.

Chương trình cũng là dấu mốc quan trọng của lứa tuổi học trò, mang theo ước mơ chinh phục đỉnh vinh quang. Trần Thế Trung - quán quân mùa thứ 19 (cựu học sinh THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) chia sẻ: "Đối với mình, Olympia là một giấc mơ từ khi còn nhỏ, cho đến năm thứ 19 thì mình đã được vinh dự trở thành 1 thí sinh của chương trình và sau này thì có may mắn giành được giải nhất chung cuộc."

Bình dị, không chiêu trò và cũng không cần sự xuất hiện của người nổi tiếng, Đường lên đỉnh Olympia vẫn luôn tồn tại dưới hình thức 1 gameshow trí tuệ. Và trí tuệ thật sự thì không quá khó để tìm chỗ đứng tỏng lòng mọi người.