Tình mẫu tử thiêng liêng đan lẫn với những “cơn sóng ngầm” trong cuộc chiến tranh quyền đoạt vị khắc nghiệt và nguy hiểm chốn cung cấm được tái hiện một cách mới mẻ trong bộ phim Dưới bóng Trung điện.

Lấy bối cảnh ở triều đại Joseon, bộ phim Dưới bóng Trung điện xoay quanh cuộc chiến bởi những nữ nhân trong chốn hậu cung. Trung điện Im Hwa Ryung (Kim Hye Soo) và cuộc đối đầu của nàng với những thế lực khác nhau trong cuộc chiến tranh giành quyền lực. Trong khi, con trai cả – Thế tử Sae Cha (Beak In Hyuk) tài giỏi, hòa nhã và thông tuệ hơn người thì 4 vị đại quân còn lại của nàng bao gồm Seongnam (Min Sang Moon), Gyeseong (Yoo Seon Ho), Muan (Yoon Sang Hyun) và Il Young (Park Ha Jun) thường xuyên bị người trong cung điện chế giễu là “những vương tử báo đời”, là “nỗi ô nhục của thánh cung”.

Mặc kệ những lời bình phẩm đầy ác ý, Trung điện vẫn luôn bao bọc và yêu thương những người con trông có vẻ bất tài của mình và mong muốn chúng có thể sống một cuộc đời hạnh phúc, được sống theo ước nguyện của riêng. Thật không may, Trung điện bất ngờ phát hiện Thế tử mắc bệnh huyết hư huyết (thiếu máu và ngất). Đây cũng tình cờ là căn bệnh đã lấy đi mạng sống của Thế tử đời trước, đồng thời như một sự báo hiệu về tương lai không lành cho con trai cả của Trung điện. Trong lúc tìm cách chữa trị cho Thế tử, Trung điện dần khám phá ra những bí ẩn đằng sau cái chết của Thế tử đời trước, sự lên ngôi của đương kim thánh thượng và nhận ra rằng mọi chuyện đều có liên quan đến Thái hậu (Park Hae Sook) – người luôn muốn phế truất nàng và trừ khử cả các con của nàng. 

Nhằm bảo vệ cho sự an nguy cho những đứa trẻ của mình, Trung điện không còn cách nào khác ngoài việc để chúng nắm giữ quyền lực. Do đó, cuộc thi tuyển chọn bồi đồng cho Thế tử là cách để những đứa trẻ này được an toàn. Dẫu bồi đồng là cái “bóng” của Thế tử, nhưng cũng có thể thay thế Thế tử. Vì vậy, không chỉ Trung điện phải khuyên nhủ 4 vị vương tử tham gia cuộc tuyển chọn này mà 10 vị phi tần đều tham gia. Họ thúc ép con trai của mình học hành và không ngần ngại sử dụng các thủ đoạn để tranh giành chức vị này. Đây cũng là lúc cuộc chiến vương quyền bắt đầu trở nên khốc liệt hơn.

Bộ phim của đạo diễn Kim Hyung Sik đã chứng minh được sức hút của mình khi lọt top 10 bộ phim không nói tiếng Anh được xem nhiều nhất trên Netflix, với 8,1 triệu giờ xem. Theo Nielsen Hàn Quốc, rating tập thứ tám của phim đã chạm đến con số vô cùng ấn tượng là 11,8%, một thành tích rất đáng nể với một đài cáp như TVN.

Thành tích ấn tượng này có lẽ một phần đến từ nội dung khá mới mà Dưới bóng Trung điện gửi gắm, một phần tới từ tuyến nhân vật đa dạng cùng những diễn viên hàng đầu và triển vọng xứ Kim chi. Câu chuyện được kể bởi một dàn nhân vật mà ở đó mỗi cá nhân xuất hiện đều mang những sắc màu rất riêng biệt, mang một câu chuyện riêng, bất kể là nhân vật chính diện hay phản diện. Mặc dù lấy bối cảnh ở triều đại Joseon – nơi người phụ nữ không được xem trọng và chịu nhiều định kiến nhưng Dưới Bóng Trung Điện lại được dẫn dắt bởi chính những nữ nhân trong chốn hậu cung. Tại đây, những người phụ nữ được khắc hoạ với sự độc lập, mạnh mẽ, tự chủ với cuộc đời mình.

Không hề bị Trung điện Im Hwa Ryung lấn át, nhân vật Đại phi nương nương cũng được xây dựng đầy ấn tượng với hình ảnh người phụ nữ mang nhiều sắc thái. Bà là một người thủ đoạn, lạnh lùng và dành cả đời để theo đuổi quyền lực. Bà vốn không phải là vương hậu nhưng lại có thể đưa con của mình lên ngôi vua. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về cuộc chiến tranh giành ngôi vương trong quá khứ. 

Điểm thu hút của Dưới bóng Trung điện còn xuất phát từ những chàng vương tử. Đầu tiên phải kể đến nhân vật Thế tử, chàng là người xứng đáng hơn bất kì ai, thông tuệ, bác ái, luôn đối xử với người xung quanh bằng một thái độ mực thước, tôn trọng và nho nhã. Thế tử Sae Cha là một điểm tựa vững chắc để tán ô của Trung điện trải rộng khắp chốn cung cấm. Trái ngược với vị huynh trưởng tài sắc vẹn toàn của mình, 4 vị Đại quân còn lại đều ôm ấp những giấc mộng riêng. 

Mặc dù có những nét tính cách và đam mê riêng nhưng chỉ cần một lời nhắn gửi từ Trung điện, các vị vương tử không chần chừ giấu đi gai góc của mình để bước vào một thế giới mà họ chẳng hề thích. Mỗi nhân vật là ví dụ về một kiểu người con, có người ngoan ngoãn, có người chăm chỉ học hành, cũng có người không nghe lời… nhưng tất cả đều thể hiện tình yêu dành cho mẹ bằng nhiều cách khác nhau, điển hình là trận tranh cãi với vương tử Uiseong dẫn đến việc bị Đại phi nương nương quỳ phạt dưới mưa.

Tại thể loại phim cổ trang vô cùng quen thuộc, Dưới bóng Trung điện lại gửi gắm thông điệp tình mẫu tử rất thân thương, gần gũi. Ngay từ những phút đầu của bộ phim, Trung điện Im Hwa Ryung hiện lên với hình ảnh một người mẹ kiên cường, mạnh mẽ và sẵn sàng “giương nanh múa vuốt” để bảo vệ những người con mà nàng yêu thương nhất trong chốn cung cấm lạnh lẽo và khắc nghiệt.

Nàng luôn tất bật chạy khắp nơi từ trong cung tới ngoài cung để làm tất cả cho các vương tử của mình, từ những điều nhỏ nhặt nhất như chăm lo việc học hành tới giải quyết tất cả những rắc rối mà chúng gây ra. Đúng như cái tên của bộ phim, Trung điện là tán ô vững chắc che chắn cho các vương tử của mình trước những bão giông nơi cung cấm. Không mưu cầu quyền uy hay danh vọng, Trung điện chỉ mong muốn họ có được một đời an yên và hạnh phúc. Chỉ khi tính mạng của họ bị đe dọa, nàng mới phải ép buộc họ vào một khuôn phép nhất định, thúc đẩy họ lao vào cuộc chiến vương quyền. 

Ngoài ra, việc Trung điện chấp nhận con người thật của Đại quân Gyeseong – mong muốn được khoác lên mình trang phục của nữ nhân và tô điểm cho gương mặt của mình bằng son phấn, đã gây luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người ủng hộ các cư xử của Trung điện, dẫu nàng có rất sốc nhưng không hề một chút giận dữ, chỉ có sự lo lắng rằng đứa con trai bé nhỏ của mình có thể gặp nguy hiểm tới tính mạng vì việc này.

“Làm sao mà ổn được, ta vừa mất đi một đứa con trai của mình mà. Ta đã thử đặt mình vào vị trí của nó, khi không thể vượt qua được nên đành phải chấp nhận sự thật này. Nó hẳn đã sợ hãi và lo lắng biết bao. Vậy nên ta không thể làm ngơ được” – lời thoại của Trung điện trong phim.

Thế nhưng, nhiều khán giả lại cho rằng chi tiết này mang đậm hơi thở của thời hiện đại. Thực tế, ở thời xa xưa, tư tưởng chưa cởi mở như hiện tại đặc biệt là vấn đề giới tính. Hơn thế nữa, việc các bậc cha mẹ lớn tuổi ủng hộ vấn đề xu hướng tính dục của con cái cũng hiếm có khó gặp, đặc biệt lại là trong bối cảnh cung đình. 

Tuy vẫn còn một vài “hạt sạn” nhỏ trong bộ phim nhưng Dưới bóng Trung điện vẫn nhận được cơn mưa lời khen cùng sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Tác phẩm đã lồng ghép được rất nhiều vấn đề xã hội, đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh từ phục trang, bối cảnh và đặc biệt thành công trong việc “chọn mặt gửi vàng” để tái hiện lại các nhân vật giúp câu chuyện dễ đi vào lòng người hơn.