Lối sống DINK đang ngày càng phổ biến khi giới trẻ chỉ tận hưởng hạnh phúc riêng mình mà không muốn giống như bố mẹ sống cả cuộc đời vì con cái.


Đi ngược lại quy luật tự nhiên, ngày càng có nhiều cặp đôi trì hoãn hoặc từ chối việc sinh con để tận hưởng cuộc sống riêng của hai người. Bất chấp mọi định kiến xã hội, họ khẳng định quyết định này là quyền của mỗi cá nhân.
 

Thuật ngữ DINK mặc dù xuất hiện từ những năm 1980 thế nhưng trong thời gian gần đây nó mới thực sự được nhiều người biết đến. DINK ( Double income, no kids) dùng để chỉ những cặp vợ chồng kết hôn mà không sinh con, chỉ tập trung tận hưởng cuộc sống của đời mình.

Thay vì dành thời gian, tiền bạc, công sức để sống suốt đời vì con cái, những cặp vợ chồng này lại dồn tài chính chăm sóc thú cưng, mua sắm, đi du lịch… Các chi phí như quần áo, thực phẩm hay giáo dục dài hạn dành cho một đứa trẻ cũng sẽ được loại bỏ khỏi danh mục chi tiêu của họ. Điều đó sẽ giúp các cặp đôi DINK tăng chi tiêu để phục vụ chính mình hay những người thân khác bên cạnh. Ngoài ra, không gian sống của họ cũng không quá cầu kỳ khi phòng ngủ dành cho trẻ em là chẳng cần thiết. Điều này sẽ cho phép cặp đôi DINK mua hay thuê căn nhà có không gian nhỏ để tiết kiệm tài chính.
 

DINK được phân thành nhiều loại. Đầu tiên và phổ biến nhất đó chính là các cặp đôi mới kết hôn đầy đủ khả năng sinh sản nhưng lựa chọn không có con. Tiếp theo là cặp vợ chồng có con nhưng bọn trẻ đều đã trưởng thành và chuyển ra ngoài sống. Những người này thường rơi vào độ tuổi từ 40 hoặc 50, lúc này họ bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ về chuyện tiết kiệm tài chính để phục vụ cho vấn đề nghỉ hưu. 

Danh mục tương đối mới của DINK là các cặp đôi đồng tính. Một trong những ưu điểm vượt trội của phân loại này đó chính là bình đẳng trong thu nhập. Những người đàn ông kết hôn đồng tính thậm chí còn có thu nhập khả dụng nhiều hơn cặp vợ chồng kép khác với suy nghĩ không có con. Ngoài ra, các cặp đôi đồng tình khó có khả năng sinh con nên suy nghĩ về lối sống DINK rất ít thay đổi. 

Một nhóm đối tượng khác cũng thuộc DINK nhưng thường bị bỏ qua đó chính là các cặp vợ chồng không thể có con. Kết quả này xảy ra khi họ kết hôn nhưng dù cố gắng cũng không có khả năng sinh sản và nhận con nuôi thì quá phức tạp, rủi ro, tốn kém. Bằng cách duy trì thu nhập kép mà không có nhân khẩu học trẻ em, những cặp vợ chồng này tiếp tục được hưởng những lợi ích tốt với nguồn kinh tế dồi dào.
 

Theo số liệu về chỉ số Tổng tỷ suất sinh - TFR (số lượng bình quân con sinh ra sống của một người phụ nữ trong giai đoạn sinh đẻ từ 15 đến 49 tuổi) cho biết: Xu hướng TFR của Việt Nam đang giảm dần qua các năm cụ thể 2001 là 2,25 con/phụ nữ, 2011 xuống còn 1,99 con/phụ nữ. Đến giai đoạn 2012 - 2019, chỉ số này chỉ còn dao động từ 2,04 đến 2,10 con/phụ nữ.

Không riêng gì Việt Nam, thống kê cho thấy những nước châu Á khác như Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… cũng nằm trong khu vực có tỉ lệ sinh thấp nhất trên thế giới. Bất chấp thực tế rằng những quốc gia này chịu ảnh hưởng lớn bởi Nho giáo, nơi quan điểm có con nối dõi tông đường được đặt lên hàng đầu. Cũng theo một khảo sát của Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Hong Kong vào năm 2017, trong số những người được hỏi chỉ có 29,4% báo cáo mức sinh lý tưởng là 2, 40,4% nói mức sinh lý tưởng là 1 nhưng tới 28,4% lại cho biết họ không muốn có con. 
 

Xu hướng DINK dễ nhận biết nhất là ở giới nghệ sĩ, nổi tiếng ở Hong Kong phải kể đến  Lương Triều Vỹ và Lưu Gia Linh. Họ kết hôn nhưng cam kết không có con, mỗi người đều tự do làm việc mình thích và thỉnh thoảng mới gặp nhau dù chung nhà. Lương Triều Vỹ từng trả lời phỏng vấn báo chí: “Tôi không thể chăm sóc thêm một đứa trẻ nào nữa khi phải để ý đến mẹ, chị, vợ. Tôi đã không yên khi vợ xảy ra chút chuyện hay buồn vô hạn lúc chó trong nhà chết. Con cái chẳng may có bề gì khi sinh ra tôi biết sống làm sao”.

Hay cặp vợ chồng diễn viên Trịnh Y Kiện và Mông Gia Tuệ cũng chung quan điểm với lối sống DINK. Họ bày tỏ rõ quan điểm: “Chúng tôi đã bàn với nhau về việc không sinh con. Nguyên nhân là do thế giới ngày càng phức tạp, môi trường lại không trong sạch. Chưa kể đến vừa sinh ra chúng đã phải học rất nhiều thứ”.

Ở quốc gia có nền văn hóa khác như Mỹ, nữ nhà văn Christen Reighter luôn giữ vững quan điểm không sinh con mặc cho người khác cười nhạo, tỏ ra nghi ngại: “Rồi cô sẽ thay đổi quyết định”. Thậm chí Christen Reighter đã đến bệnh viện triệt sản, được bác sĩ khuyên nên suy nghĩ lại nhưng cô khẳng định mình tự nguyện, tỉnh táo và hiểu rõ mọi rủi ro có thể xảy ra. Nữ nhà văn còn khẳng định: “Tôi tin rằng việc có con hay không, không phải thước đo để xác định giá trị của một người phụ nữ”.

Tại Việt Nam, cặp vợ chồng nổi tiếng sống theo DINK phải kể đến Khởi My - Kelvin Khánh. Sau 3 năm kết hôn họ tuyên bố với fan rằng sẽ sống với nhau đến già mà không sinh con. Nam ca sĩ chia sẻ: “Khánh và My đã thống nhất không sinh con mà sẽ sống với nhau như vậy đến già. Cuộc sống hai người hiện tại đang rất vui. Cho nên cứ sống với nhau như vậy, đến một thời điểm nào đó thấy cần có con thì cả hai sẽ tính tiếp”.

Không chỉ trong giới nghệ sĩ, lối sống kết hôn mà không sinh con đang ngày càng được các bạn trẻ ủng hộ. Chị Nguyễn Hồng là nhân viên văn phòng, sinh sống tại Hà Nội cho biết: “Mẹ sinh ra tôi lúc mới 23 tuổi. Từ khi còn bé đến tận bây giờ tôi chưa từng thấy bố mẹ có một ngày trọn vẹn cho riêng mình. Hàng chục năm trời trong ký ức của tôi, họ chỉ quần quật làm việc, chăm lo cho con cái. Đến tận bây giờ nếu tôi sinh con bố mẹ sẽ lại dành những năm tháng còn lại của cuộc đời để chăm cháu. Tôi không muốn sống cả đời vì con cái như bố mẹ. Tôi muốn sống cho riêng mình, vì mình”.
 

DINK ngày càng được nhiều người ủng hộ và giới trẻ đang có cái nhìn thoáng hơn với nó. Thế nhưng bên cạnh đó không ít ý kiến vẫn cho rằng đây là lối sống ích kỷ vì chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng bản thân. Họ cho rằng con cái là sợi dây kết nối tình yêu của bố mẹ, nếu không có nó các cặp vợ chồng sẽ dễ ly hôn vì chẳng có gì ràng buộc. Ngoài ra, việc không sinh con sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai.
 

Thậm chí trước thực trạng này, nhiều học giả tại Trung Quốc đã đề xuất áp dụng với các gia đình DINK thuế không con cái. Nguồn tài chính thu được từ việc này sẽ dùng tạo nên một quỹ hỗ trợ xã hội và được dùng để hỗ trợ cho các gia đình sinh con thứ hai. Thế nhưng ngay lập tức công chúng đã tỏ ra phẫn nộ bởi theo họ việc có con hay không là lựa chọn cá nhân của mỗi người và cần được tôn trọng.

Tuy nhiên các nhà khoa học của đại học Michigan, Florida và North Caroline (Mỹ) đã thực hiện một nghiên cứu với 6.000 phụ nữ ở các quốc gia khác nhau và kết quả cho biết chất lượng, hạnh phúc lứa đôi không bị ảnh hưởng nhiều bởi con cái. Chuyên gia tâm lý Hồng Hương (Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho biết thêm, bố mẹ có thể sẵn sàng hi sinh mọi thứ vì con nhưng đây không phải yếu tố then chốt quyết định sự tồn tại của một cuộc hôn nhân. Bởi lẽ theo chị có rất nhiều người dù không có con nhưng vẫn chung sống với nhau cực kỳ hạnh phúc.

Việc cố tình sinh ra những đứa trẻ dù không muốn mới chính là sự ích kỷ. Bởi lẽ họ không thực sự chuẩn bị đủ cả về tinh thần, trách nhiệm, kiến thức… để chăm sóc tốt cho con cái của mình. “Tôi e rằng đấy mới là sự ích kỷ đối với những đứa trẻ. Bây giờ họ ngày càng đề cao hạnh phúc hơn vấn đề nòi giống. Thay vì lo lắng cha mẹ, bạn bè đồng nghiệp bình phẩm mình như thế nào thì quyết định của mình mới là quan trọng bởi vì cuối cùng chả có ai thay mình làm tất cả những điều đó" - Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội.

Khó có thể đánh giá đúng sai trong câu chuyện này nhưng chúng ta hãy chấp nhận một thực tế ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển suy nghĩ con người cũng cởi mở hơn và hạnh phúc không phải được cân đo đong đếm bằng việc sinh con. Quyền lựa chọn về sự ra đời của một đứa trẻ đều phụ thuộc về mỗi gia đình miễn là họ thực sự có trách nhiệm với quyết định của mình.