Đi lên từ văn hóa bản địa và sản vật địa phương, Thúy Thuận Coffee đang là khu du lịch canh nông hot nhất Đà Lạt. Ở đó, trong không gian gần 4ha, du khách có thể vừa thưởng thức cà phê, vừa chiêm ngưỡng thắng cảnh tự nhiên và tham quan một nhà máy sản xuất cà phê thô lớn nhất Việt Nam – nơi đang là đối tác đạt chuẩn xuất cafe cho Starbuck.


Ít ai nghĩ, chủ nhân của nó lại là một phụ nữ không phải gốc Đà Lạt – chị Đinh Thị Thúy. Như lời chị, mọi thứ xung quanh mình có thể diễn ra một cách từ từ, chậm rãi, miễn là chúng ta phải thật sự cảm thấy hạnh phúc với quyết tâm sẽ đi hết con đường của mình.
 

* Tình yêu với cà phê Đà Lạt của chị được bắt đầu theo cách nào?

Từ năm 2006 tôi đã là hộ sản xuất cà phê cá thể rồi. Trong quá trình làm công việc của mình, tôi nhận thấy một thực tế: Nông dân Đà Lạt có thể làm ra nhiều loại cà phê ngon nhưng khó tạo dấu ấn trong việc xuất khẩu.

Lúc đó, tôi khao khát muốn làm ra những sản phẩm cà phê Đà Lạt với chất lượng đạt chuẩn. Được 3 năm, tôi bắt đầu có đối tác và dần hiểu thêm: nông dân của chúng ta làm nhiều, nhưng lại ít chú ý tới sự lựa chọn và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

 

Trong quá trình đó, tôi may mắn gặp một công ty của Mỹ và vượt qua được bước kiểm tra về sản phẩm của họ. Mọi thứ cứ tuần tự phát triển dần (cười).

Rồi, yêu nghề, yêu nhà máy của mình, tôi cũng đăng kí thành lập mô hình du lịch canh nông. Lúc đầu, từ một người làm nông nghiệp, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng mình đang tiếp tục phát triển thêm về nó ở khía cạnh du lịch. Không ngờ, khi bắt tay vào làm, tôi lại thấy hướng đi này cũng vô cùng hấp dẫn và rất thích hợp với bản thân mình.

* Nói đến cà phê, người ta hay nghĩ tới những thương hiệu lớn như  Trung Nguyên, VinaCafe, Phúc Long… Cách tiếp cận của chị có chịu ảnh hưởng từ những thương hiệu lớn này?

Tôi không dám so với những thương hiệu như Trung Nguyên, dù cũng có mộng tưởng riêng trên con đường của mình. Thật ra, tôi từng đến thăm quan các nhà máy sản xuất cà phê ở Trung Nguyên, rồi cũng có lúc mong chế biến ra một thương hiệu cà phê riêng, với những quán cà phê ở các địa điểm đẹp trên cả nước. Nhưng nhìn lại, có lẽ điều tôi mong nhất vẫn là khách du lịch tới Đà Lạt, thưởng thức cà phê và hiểu về cách sản xuất cà phê ở chính nơi đây. Có nghĩa, mọi thứ vẫn phải gắn với công việc của những người dân tại đây. Họ sẽ cùng tôi trồng, chế biến và bán cà phê, để du khách tới Đà Lạt được cảm nhận hết mọi thứ từ nguyên gốc (cười).

* Khi chuyển qua mô hình du lịch canh nông, chị làm một mình hay có ai đó hỗ trợ?

Việc từ sản xuất chuyển qua du lịch mà vẫn muốn giữ được mọi thứ về bản chất thì khá vất vả. Tôi muốn , hạt nhân của du lịch vẫn chính là cái nhà máy đang sản xuất cà phê của mình. Cũng may mắn, tôi có một người bạn đồng hành cùng và mất hơn 2 năm để hoàn thành quá trình "set up".

Nhìn chung, khi sản xuất cà phê, tôi có thể hiểu đối tác muốn gì. Nhưng làm du lịch thì khác, trong giai đoạn đầu tôi cũng khó nắm bắt được được tâm lý, thị hiếu du khách. Vất vả thời gian đầu, nhưng khi mọi thứ đã vào guồng rồi thì cũng đơn giản thôi…

 

* Giai đoạn đầu,  khách du lịch tới đây có quan với mô hình du lịch của chị không?

Lúc đến đây và nhìn bề ngoài, cũng có những người thất vọng, nhưng họ lại dần thích thú khi đi vào trong và tìm hiểu. Sau đó nhiều người nhắn riêng cho tôi rằng rất thích mô hình này và muốn quay lại đây nhiều lần nữa. Thậm chí, tôi có cả những người bạn ngạc nhiên rằng chỗ này có gì mà khách tới nhiều thế, rồi họ tìm đến, trải nghiệm và hào hứng góp ý với tôi về việc nên tiếp tục phát triển cái này cái kia.

Nhìn chung, khi làm kinh doanh nghề nào cũng vậy, ta hãy đặt bản thân vào khách hàng để hiểu họ cần gì, thích gì. Và nếu mình biết thích, biết hào hứng trước những phản hồi của khách hàng thì động lực để hoàn thiện mọi thứ sẽ tới.

* Vậy, chị có thể nói thêm về động lực của mình trong câu chuyện này?

Khi còn trẻ tôi luôn nghĩ rằng cà phê là ngành chịu áp lực rất cao. Để làm được cà phê, từ con người đến nhân sự, tính toán, sức lực… đều có những yêu cầu đặc biệt. Khó khăn, nhưng tôi vẫn xây dựng được sản phẩm của mình phát triển như bây giờ. Để có được như ngày hôm nay, tất cả đối với tôi cũng là nhờ cà phê thôi. Và tôi thật lòng yêu thích nó, đến mức gọi là đam mê cũng được.

Rồi, bản chất của tôi cũng là thích làm đẹp (cười). Bây giờ, chăm sóc khu du lịch của mình, những lời khen của khách hàng là một động lực đặc biệt với tôi. Và cũng cần nói thêm, nghề cà phê có những đặc thù riêng nên muốn con mình nối nghiệp cũng khó lắm. Nhưng làm du lịch thì bản thân mình vui vẻ, và cũng có thể tạo cơ hội để con cái nối nghiệp một cách thuận lợi.

Có lẽ, sau này đến tuổi 80, tôi vẫn có thể làm du lịch được, bởi nó giúp mình có cơ hội tìm kiếm nhiều ý tưởng độc đáo - và quan trọng nhất là luôn tạo cảm giác hạnh phúc trong lòng.

Vùng đất này có một câu châm ngôn riêng: không làm du lịch không phải người Đà Lạt. Tôi đang là một người Đà Lạt theo nghĩa ấy.

* Vậy ở góc nhìn của một người Đà Lạt, chị có sợ sự phát triển của nhịp sống và các công trình hiện đại sẽ làm mất đi vẻ đẹp vốn có của nó không?

Tôi luôn hi vọng về Đà Lạt theo đúng nghĩa của nó. Có cảm giác ở  nơi đây mọi thứ từ ánh nắng đến thiên nhiên, con người… đều rất riêng, với sự thơ mộng và hấp dẫn của mình. Bởi thế, tôi mong rằng Đà Lạt sẽ phát triển du lịch theo hướng gần thiên nhiên và gắn kết với con người, đời sống, văn hóa nơi đây. Tôi không phải người gốc Đà Lạt nhưng ở đây cũng 32 năm rồi. Tôi thích bản chất người Đà Lạt gốc luôn chậm chạp, nhẹ nhàng, dễ thương lắm. Họ cứ từ từ nhưng làm cái gì là luôn từ tâm.
 

* Từ góc nhìn của người phụ nữ đã có những thành công  trên cả 2 lĩnh vực lớn là sản xuất cà phê và du lịch, chị có thể chia sẻ những tôn chỉ của mình khi làm việc?

Tôn chỉ của tôi đơn giản thôi: ta có thể không biết quá nhiều khi làm việc gì, nhưng nhất quyết phải luôn nhìn lại nó để hoàn thiện. Và  với tôi, làm việc phải có đam mê, dù là nhỏ nhất cũng cần tính toán từng giờ từng ngày, đêm đến phải suy nghĩ bước tiếp theo. Làm việc từ từ cũng được nhưng phải đến nơi đến chốn và tìm cho bản thân cảm giác hạnh phúc, vui vẻ...

* Chị đã trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn để thành công như ngày hôm nay. Vậy góc nhìn của chị về hạnh phúc như thế nào?

Nghề cà phê này phải tính toán ghê lắm nên bon chen nhiều khiến tôi cũng không lo con cái chu toàn được. Hạnh phúc với tôi đơn giản lắm. Tôi ước đêm nào cũng là 30 Tết để có thể ăn bữa cơm sum họp cùng gia đình. Tôi ước 4 năm nữa, mọi thứ sẽ dần đi vào ổn định để sống vui vẻ, yêu đời, có thể giúp con mình lo chuyện bài vở vào buổi tối hoặc vợ chồng có thời gian tâm sự, chia sẻ thêm với nhau.

Trong công việc cũng vậy, ta biết tạo động lực và cùng hỗ trợ nhau thì cuộc sống mới dễ thương. Nhân viên của tôi khác biệt lắm, lúc nào cũng vui vẻ chứ không được tiêu cực dù chỉ là một lời nói hay hành động nhỏ đâu nha.

Như tôi vẫn nói đó, thái độ luôn quan trọng hơn trình độ. Đã không làm thì thôi, còn đã làm thì phải đầu từ cái tâm, đã giúp là phải giúp tới cùng. Mình phải làm bằng cả tâm huyết thì sau cùng mới nhận được trái ngọt mà nó mang về.