Khán giả thường quen với một Hàn Quốc ngập tràn yếu tố "ngôn tình" hết trên phim truyền hình cho tới khi chiếu rạp. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, thành công trong nền công nghiệp điện ảnh xứ sở kim chi lại xuất phát từ những tác phẩm thuộc thể loại khác.


Và tất nhiên, mâm "món ăn tinh thần" với đầu đủ các loại gia vị và hương liệu này lại rất được lòng công chúng.

Để "chỉ mặt điểm tên" những bộ phim Hàn không ít lần "làm mưa làm gió" trên thị trường Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung chắc chắn không thể bỏ qua thể loại lãng mạn và hài lãng mạn, đề cao tình yêu nam nữ. 

Một vài cái tên sáng giá có thể kể tới như: Tune in for Love (Giai Điệu Tình Yêu - 2019), On Your Wedding Day (Ngày Em Đẹp Nhất - 2018), Be with You (Và Em Sẽ Đến - 2018), The Beauty Inside (Người yêu tôi là ai? - 2015), Architecture 101 (Lớp kiến trúc 101 - 2012),...

Phải nói rằng, yếu tố lãng mạn là thứ "gia vị phim" mà ngành công nghiệp Hàn Quốc chẳng bao giờ thiếu. Và cũng chính điều này tạo nên một thương hiệu cho xứ sở kim chi, để khi khán giả nhắc tới là sẽ nghĩ ngay đến chất "ngôn tình" có trong từng tác phẩm.

Dù thành công và tạo được "cơn sốt" rộng rãi cùng tiếng vang lớn, thế nhưng đây vẫn chưa phải là những bộ phim làm nên kỳ tích cho điện ảnh Hàn Quốc cả trên "chiến trường" doanh thu lẫn giải thưởng quốc tế. Bằng chứng: Trong top 5 bộ phim điện ảnh Hàn Quốc có doanh thu cao nhất lịch sử lại vắng bóng những cái tên thuộc thể loại lãng mạn này.

Cụ thể, dẫn đầu là Parasite (Ký Sinh Trùng) ra mắt năm 2019 với yếu tố giật gân/hài cùng con số doanh thu cao nhất lịch sử, chạm mốc 266 triệu USD. Bộ phim còn đại thắng ở hàng loạt các giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước. Đặc biệt, Parasite mang về chiến thắng cao nhất tại Liên hoan phim Cannes 2019, đồng thời giành bốn tượng vàng tại lễ trao giải Oscar hồi tháng 2. Tác phẩm bi hài kịch gia đình này cũng được bán bản quyền cho 192 nước.

Theo sau Parasite là bộ phim hài Extreme Job (Nghề Siêu Khó - 2019) mang về doanh thu 122 triệu USD trong khi kinh phí sản xuất ban đầu chỉ chạm ngưỡng 5,5 triệu USD. Tác phẩm đã ghi tên mình trong danh sách 100 bộ phim ăn khách nhất của lịch sử điện ảnh Hàn Quốc khi xếp ở vị trí thứ 2.

Những cái tên trong top 5 còn lại bao gồm bộ phim khai thác đề tài lịch sử, chiến tranh The Admiral: Roaring Currents (Đại Thủy Chiến - 2014) có doanh thu đạt 111 triệu USD; tác phẩm mang yếu tố kỳ ảo Along with the Gods: The Two Worlds (Thử Thách Thần Chết: Giữa Hai Thế Giới - 2017) thu về 103 triệu USD và cuối cùng là Ode to My Father (Lời Hứa Với Cha - 2014) thuộc thể loại chiến tranh/chính kịch kết hợp yếu tố gia đình gây xúc động đạt doanh thu 99 triệu USD.

Trên thực tế, các bộ phim Hàn Quốc thuộc thể loại hành động, hình sự, tâm lý gia đình, hài, yếu tố giả tưởng hay kinh dị có tính giải trí cao đều có khả năng tạo nên "cơn sốt" phòng vé. Trong khi đó, các tác phẩm xoáy sâu vào văn hóa, lịch sử, mang lại niềm tự hào dân tộc hoặc có sự kết hợp với yếu tố gia đình lại sở hữu lượng khán giả cực đông (trên 10 triệu lượt/tổng dân số 50 triệu người).

Điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu phát triển rực rỡ khoảng 20 năm trở lại đây khi không chỉ chinh phục thị trường nội địa khó tính mà còn tạo ra làn sóng "xuất khẩu văn hoá" tới nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngay trên nền tảng Netflix, hàng loạt các bộ phim tới từ xứ sở kim chi khiến dân tình phải dậy sóng như Kingdom 2 (Vương Triều Xác Sống 2 - 2020), Train To Busan (Chuyến Tàu Sinh Tử - 2016), Pandora (Thảm Họa Hạt Nhân - 2016)... Tại Việt Nam, sức hấp dẫn của điện ảnh Hàn cũng khó có thể chối từ. Bằng chứng là hàng loạt các bộ phim thiết lập kỷ lục phòng vé Việt như Peninsula (Bán Đảo - 2020), Parasite (Ký Sinh Trùng - 2019)...

Những con số này một lần nữa khẳng định chắc nịch rằng điện ảnh Hàn không chỉ có phim tình cảm mà còn đa dạng thể loại hơn nữa. Để rồi, không phải ngẫu nhiên, báo giới nhận định: “Niềm tự hào dân tộc của người Hàn Quốc không chỉ nằm ở những hãng công nghệ, xe hơi hàng đầu như Samsung, LG, Hyundai mà còn có cả làn sóng hallyu của truyền hình hay những bộ phim điện ảnh đa thể loại, đủ khả năng gây nghiện không chỉ với khán giả trong nước".

Thiết kế: Hoài My