Trào lưu tập gym và chăm sóc vóc dáng chưa bao giờ là lỗi thời tại bất kỳ nơi đâu. Nhưng, cách mà người ta dành thời gian, tiền bạc và tâm huyết cho nó cũng gắn liền với một câu hỏi luôn gây tranh cãi: Phải chăng, sức khỏe và vẻ đẹp là điều cần đánh đổi bằng rất nhiều tiền?


Trong 13 năm kể từ khi cơ sở đầu tiên được mở tại Hùng Vương Plaza (Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), California Fitness & Yoga trở thành thương hiệu hệ thống thể dục thể hình chuẩn quốc tế đầu tiên và lớn nhất ra mắt tại Việt Nam với 250.000 hội viên, 37 cơ sở và vốn đầu tư hàng triệu đô la Mỹ. Và Nhịp sống Gen Z có cuộc trò chuyện với Dane Fort, giám đốc của công ty này.

* Đâu là lý do khiến anh chọn Việt Nam, một đất nước không lớn, để phát triển ngành công nghiệp có mức chi phí không hề rẻ này?

- Trước khi đến Việt Nam, chúng tôi có vài sự lựa chọn như Ấn Độ, Dubai và cả Việt Nam. Lần đầu đặt chân đến đây, tôi dậy từ 5 giờ sáng để đi chạy bộ và nhìn thấy rất đông người Việt Nam. Họ tập thể dục, tập dưỡng sinh, các động tác để rèn luyện sức khỏe… ai nấy đều tràn đầy năng lượng. Và đó là lúc tôi nhận ra, Việt Nam chính là nơi nên ở lại. 

Từng có một người thầy nói với tôi: “Khi chọn một công việc gì, hãy chọn cái mà mình thực sự đam mê với nó". Và tôi muốn chọn một ngành mà kể cả khi kinh tế lên xuống thất thường, mọi người đều vẫn cần đến nó. Nếu tôi hỏi rằng bạn có muốn trở nên khỏe mạnh, quyến rũ và kéo dài tuổi thọ của mình hơn không, tôi tin 100% câu trả lời nhận về sẽ là “có”.

* Vào thời điểm ra đời công ty, Việt Nam vẫn còn là một thị trường nhỏ, và rất ít người nghĩ đến việc đầu tư tiền vào một ngành dịch vụ có chi phí lớn như vậy. Động lực từ đâu và làm thế nào để anh tạo ra một môi trường với những chuẩn mực mới, phù hợp với Việt Nam?

- Bạn sẽ phải quyết đoán và không được dễ dãi. Bạn cũng không được hạ thấp tiêu chuẩn vì cảm thấy khách hàng của mình chưa sẵn sàng để tiếp nhận điều này. Tôi đặt ra những tiêu chuẩn kỳ vọng cao và cũng tin rằng người Việt xứng đáng với nó. Cho dù là Hong Kong, Mỹ hay bất cứ nơi đâu, tiêu chuẩn là như nhau, và Việt Nam cũng vậy.

* Câu chuyện của anh dường như khá giống với nhiều thương hiệu khác, khi một loại hình kinh doanh phát triển lớn mạnh, những “bản sao” liên tục ra đời, nhanh hơn, cải tiến hơn và có khi còn thành công hơn “bản gốc”. Anh đã vượt qua chướng ngại này thế nào?

 - Khi nói rằng ai đó copy mình, tôi xem như lời khen. Với tôi, kể cả khách hàng của đối thủ cũng xứng đáng với điều tốt nhất. Chính vì thế, tôi vẫn ổn khi có những người “sao chép” như cách bạn nói.

Tuy nhiên, họ chỉ có thể nhắm tới việc làm giống tôi nhưng lại không biết được chúng ta sắp làm gì tiếp theo. Tôi không bao giờ ngồi xuống và tự hào vì mình đang nắm 60% thị trường. Mỗi tối tôi sẽ suy tư và tự hỏi rằng, tại sao mình không có được một khách hàng nào đó. Chúng tôi đã bỏ lỡ chi tiết gì, chúng tôi chưa hoàn thiện ở điểm nào, làm sao để cải thiện vấn đề…

Tôi luôn nhìn vào cơ hội mà mình đã bỏ lỡ, nhìn vào những vị khách hàng mà chúng tôi đã không có được. Đó là cách để tôi vận hành mọi thứ. Thật ra, tôi vẫn cảm thấy mọi thứ đều như mới bắt đầu mà thôi.

Chúng tôi có 250.000 hội viên trong khi giấc mơ của tôi là cải thiện chất lượng cuộc sống cho 96 triệu người Việt. Chúng tôi sẽ làm mọi cách bằng những nội dung thiết thực, tìm ra hướng để có thể tiếp cận các thế hệ Gen Y, Gen Z, những người ở thuộc lứa tuổi 20 - 25. 

Chúng tôi chỉ có khoảng 12% khách hàng thuộc độ tuổi 25 trở xuống. Chính vì thế, tôi chỉ chấm cho mình 3 điểm mà thôi. Nhưng tôi đặt mục tiêu mình sẽ cần đạt điểm số 8. Hiện giờ mọi thứ với tôi vẫn như mới bắt đầu.

* Liệu có khó không để vượt qua được thành công của bản thân - một thứ mà anh đã nỗ lực nhiều năm để đạt được - và vươn tới đỉnh cao mới?

- Tôi đánh giá sự phát triển và thành công ở hiện tại không phải tuyến tính, tức là cứ từng bước 1 + 1 mà đi lên. Tôi nghĩ rằng mọi thứ đều theo cấp số nhân, từ 1, 2 cơ sở rồi lên 4, 8, 16 rồi 32, 64… Khi đã có được nền tảng tốt, bạn sẽ phát triển được mọi thứ theo cấp số nhân.

Thời điểm bắt đầu, mọi thứ sẽ tịnh tiến rất chậm và không dễ để định lượng sự tăng tốc. Nhưng khi bạn bắt đầu đến được vạch xuất phát thì mọi thứ sẽ thực sự tăng tốc rất nhanh và tạo ra được ảnh hưởng thực sự. Chúng tôi đạt được con số 250.000 thành viên trong vòng 13 năm và trong 3 năm nữa, mọi thứ sẽ tăng theo cấp số nhân, con số ấy có thể sẽ là 500.000.

* Là người truyền cảm hứng cho người khác, nhưng có vẻ ngành nghề anh theo đuổi gặp nhiều khó khăn như bao người trong đợt dịch Covid -19 này, anh có cảm thấy nó là chướng ngại lớn trong thời điểm năm 2020?

- Đừng chỉ nhìn vào những gì đang xảy ra với mình, mà hãy tìm cách tận dụng nó để cuộc sống của mình trở nên tốt hơn. Nhiều công ty sẽ nhìn dịch Covid-19 như một chướng ngại vật, nhưng với chúng tôi đây lại là cơ hội. Dù hậu quả của đại dịch này vô cùng khủng khiếp, nhưng tôi tin là cũng từ đó mà nhận thức về sức khoẻ của con người sẽ tăng lên gấp 10, gấp 20 lần. Mọi người sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của sức đề kháng, thấy sự thiết yếu của những gì họ ăn, cách họ đối xử với sức khỏe, với trái tim của mình có tác động lớn thế nào, cả tác hại của thuốc lá nữa.

Cũng nhờ Covid-19 mà nhiều người mới nhận ra: “Ồ, tôi có thể mua được nhà mới, chiếc xe hơi mới, điện thoại mới nhưng sẽ chẳng mua được một thân thể mới”. Chính vì thế, sự mất mát của hàng triệu sinh mạng vì Covid-19 chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người về việc cần tăng cường sức khỏe cho bản thân.

* Nhiều người nhận định người Việt Nam, nhất là người trẻ Việt chưa có đủ đam mê và năng lượng để làm một điều gì đó mới mẻ. Theo anh điều này có đúng hay không?

- Nếu nhân viên của bạn đi làm mà không cố gắng 100%, đó là lỗi của người sếp, họ chưa truyền đủ lửa cho nhân viên của mình. Với người Việt Nam, cá nhân tôi nghĩ rằng nếu bạn chưa thực sự quyết tâm cho điều gì đó, hãy tự nhìn vào gương vào hỏi: Tại sao mình chưa cố gắng? Tại sao mình chưa quyết tâm? Đâu là hướng đi cho mình?

Người Việt Nam luôn khát khao, chăm chỉ và đầy lòng biết ơn. Họ luôn nghĩ theo hướng nên làm gì và đóng góp giá trị gì cho công ty. Điều này rất khác khi làm việc tại Mỹ, mọi người thường tìm xem mình xứng đáng nhận được cái gì trước khi làm việc. Cũng vì thế mà tôi rất yêu quý người Việt Nam, trân trọng sự tận tụy và tư tưởng cống hiến của người Việt.

* Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!