Năm 2020, cụm từ “vaccine” đang được cả thế giới nhắc đi nhắc lại trong sự nôn nóng, khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Chẳng có gì lạ về điều ấy, nếu bạn biết rằng vaccine là thành tựu y học tuyệt vời bậc nhất mà loài người từng có được. Nó đã giúp gần 8 tỷ người trên toàn cầu tránh được những đại dịch khủng khiếp bắt đầu hoành hành từ thế kỷ XVII, khi cơ thể được miễn nhiễm với nhiều căn bệnh không tìm ra thuốc chữa.


Bắt nguồn từ châu Phi, sau đó lan dần sang châu Âu và châu Á, bệnh đậu mùa trở thành đại dịch ngay từ thế kỷ VI và luôn là mối đe dọa khủng khiếp với nhân loại. Theo nghiên cứu của kênh History, căn bệnh này cướp đi mạng sống của 30% người nhiễm bệnh và để lại vô vàn vết sẹo trên người của các bệnh nhân may mắn sống sót. Nó tiếp tục lan rộng đến châu Mỹ vào thế kỷ XV, khiến hàng chục triệu người dân bản địa ở Hoa Kỳ và Mexico phải bỏ mạng.

Cuối thế kỷ XVIII, đại dịch đậu mùa bùng phát mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở châu Âu và đặc biệt là nước Anh. Theo số liệu được ghi lại vào năm 1773, cứ 10 người nhiễm đậu mùa thì có tới 9 người tử vong, người duy nhất sống sót sẽ bị “đánh dấu” bởi hàng trăm vết sẹo vĩnh viễn trên gương mặt và  thân thể. Không chỉ vậy, tất cả những người bị đậu mùa còn phải chịu sự kỳ thị và xa lánh của mọi người vì mức độ lây lan nhanh khủng khiếp của căn bệnh quái ác này. 

Đó là giai đoạn mà thế giới chưa biết đến sự tồn tại của vi khuẩn và virus. Và, người chặn đứng đại dịch đậu mùa là một bác sĩ thuộc Hoàng gia London có tên Edward Jenner (1749 – 1823). Khi mày mò tìm ra và chứng minh sự hiệu quả của vaccine trong việc phòng chống dịch bệnh, chính Edward Jenner cũng không ngờ rằng phát minh của mình lại có đóng góp quyết định như thế cho tương lai.

Thực tế, trước đó, Edward Jenner đã bỏ rất nhiều công sức để tìm cách chữa bệnh đậu mùa nhưng kết quả vẫn bằng không. Những tưởng mọi chuyện đã đi vào ngõ cụt nhưng trong một lần tình cờ, Edward Jenner đã phát hiện ra một điều đặc biệt: Những người làm nghề vắt sữa bò bị nhiễm phải loại virus nhẹ hơn gọi là đậu bò (cowpox) thì họ sẽ không nhiễm đậu mùa sau đó nữa. Trong đầu ông nảy ra một băn khoăn: Liệu có thể làm cho mọi người cùng mắc bệnh đậu bò để tránh được căn bệnh đậu mùa chết người?

Băn khoăn, nhưng Edward Jenner đành phải mạo hiểm thử nghiệm phương pháp này, bởi càng chậm trễ thì số người phải thiệt mạng vì bệnh đậu mùa sẽ càng tăng lên theo cấp số nhân. Ông quyết định đến gặp một người vắt sữa bò mang tên Sarah Nelmes – vốn đang bị nhiễm đậu bò với hàng tá mụn nước nổi trên cơ thể. Edward Jenner lấy dịch từ những chiếc mụn nước này sau đó cấy nó vào cánh tay của cậu bé James Phipps đang khỏe mạnh. Đúng như dự đoán, vài ngày sau James đã có dấu hiệu nhiễm bệnh đậu bò. Để rồi, sau gần 50 ngày chờ đợi, cậu bé đã không còn dấu hiệu của bệnh nữa. Edward Jenner thực hiện bước tiếp theo: Cấy mủ bệnh đậu mùa vào người James. Và ngạc nhiên thay, cậu bé hoàn toàn không hề bị nhiễm căn bệnh quái ác này.

Dựa trên những nguyên lý đó, Edward Jenner đã nghiên cứu chuyên sâu hơn và chế tạo ra vaccine với 3 công đoạn khác nhau. Bước 1: Lấy số lượng vừa đủ vi trùng bệnh đậu bò trên con bò hoặc người nhiễm bệnh. Bước 2: Làm cho số lượng vi trùng đó yếu đi. Bước 3: Tiêm vi trùng này qua đường máu vào cơ thể người. Vì máu của người được tiêm đã có yếu tố kháng bệnh nên họ sẽ miễn nhiễm với bệnh đậu mùa. Mặc dù nếu xét theo tiêu chuẩn y đức ngày nay thì cách làm của bác sĩ Edward Jenner là hoàn toàn không đúng, nhưng xét vào hoàn cảnh lúc đó nếu không có sự mạo hiểm của ông, có lẽ cả châu Âu đã bị đậu mùa nhấn chìm.

“Vaccination” là cái tên mà Edward Jenner đặt cho phương pháp của mình, gắn với từ vaccinia (loại virus gây ra bệnh đậu bò). Phương pháp này sau đó nhanh chóng được nhân rộng ra khắp thế giới. Chính phủ Anh, chính phủ Mỹ hay Hoàng đế Napoleon của Pháp đều ráo riết tiêm chủng để phòng ngừa đại dịch khủng khiếp này. Ngoài việc được trao các giải thưởng danh giá hay được tạc tượng để ghi nhớ công ơn, ông còn được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Quốc tế về Phòng chống đậu mùa vào năm 1802. Tuy nhiên, có lẽ thành tựu lớn và đáng tự hào nhất của Edward Jenner chính là khuất phục bệnh đậu mùa để giải nguy cho nhân loại trước tình cảnh khó khăn giai đoạn đó.

Năm 2020 là một năm không mấy tốt đẹp của nhân loại khi chứng kiến sự hoành hành của đại dịch Covid-19. Tính đến nay đã có hơn 81,2 triệu người nhiễm phải virus này với gần 1,8 triệu ca tử vong trên  toàn thế giới. Bên cạnh những biện pháp an toàn để bảo vệ, nhiều quốc gia cũng ráo riết tìm cách chế tạo ra vaccine càng sớm càng tốt để thế giới nhanh chóng quay trở lại với cuộc sống bình thường.

Nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha hay cả Việt Nam cũng đã tiến hành tiêm những mũi vaccine thử nghiệm đầu tiên để kiểm chứng tác dụng của nó. Vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam có tên Nano Covax do công ty Nanogen chế tạo và sản xuất đã tiêm cho 3 người thử nghiệm đầu tiên vào ngày 17/12 vừa qua. Giai đoạn thử nghiệm vaccine đợt 1 ở Việt Nam sẽ kết thúc sau hơn 1 tháng nữa trước khi bước vào đợt 2 vào tháng 3/2021 và đợt 3 vào tháng 8 cùng năm. 

Ở quê hương của vaccine là Anh, các chuyên gia cũng đã bào chế thành công vaccine dưới sự hợp tác của hãng AstraZeneca và nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford. Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy mức độ hiệu quả ở mức từ 70% đến 90% (theo tin từ AFP). Ngày 28/12 vừa qua, loại vaccine này cũng đã được chính phủ Anh chứng nhận.

Dù còn nhiều lo ngại và thách thức ở phía trước nhưng sự ra đời của vaccine phòng ngừa Covid-19 như là một tia hy vọng tươi sáng cho toàn cầu, nhất là khi năm mới 2021 đang đến gần. Sự xuất hiện của nó như tiếp thêm niềm tin: Một ngày không xa, chúng ta sẽ khống chế hoàn toàn được Covid-19 như cách mà Edward Jenner từng làm với đại dịch đậu mùa vào cuối thế kỷ XVII. Để rồi, khi mọi thứ trở lại bình thường, cả thế giới sẽ biết trân trọng nỗ lực không biết mệt mỏi của những đồng nghiệp sinh sau ông 2 thế kỷ.