Sau hơn 20 năm kể từ khi bộ phim truyền hình Hàn Quốc đầu tiên – Yumi, tình yêu của tôi - được công chiếu tại Việt Nam, tới nay, phim ảnh, âm nhạc,... Hàn Quốc đã trở thành thói quen giải trí của người Việt, đặc biệt là giới trẻ.


Để giải mã sức lan tỏa của làn sóng giải trí Hàn Quốc cũng như xu thế mới trong tương lai, chuyên mục Cảm hứng bất tận tuần này có cuộc trò chuyện với ông Hong Jeong Yong, giám đốc đại diện KOCCA VIETNAM (Korea Creative Content Agency Vietnam) – Văn phòng đại diện Cơ quan nội dung sáng tạo Hàn Quốc tại Việt Nam

* Một cột mốc hay được nhắc tới vào năm 2020 vừa qua: SM entertainment đã mở khu tích hợp giải trí SM TOWN tại Việt Nam. Liệu đây có phải là sự mở đường để thu hút các công ty giải trí lớn của Hàn Quốc tới đây?

- Như tôi được biết, không chỉ riêng SM entertainment mà các công ty giải trí khác của Hàn Quốc cũng đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Đây là điều dễ hiểu – khi thị trường Hallyu (Làn sóng Hàn) tại Việt Nam rất tiềm năng và sau này còn có thể phát triển, mở rộng hơn nhiều.

Hiện tại, do bệnh dịch nên việc khai trương và vận hành các khu tích hợp giải trí như SM Town hay các trung tâm khác đang bị hoãn lại. Nhưng chắc chắn, mọi thứ sẽ khác khi thời gian này qua đi. Và tôi hi vọng, các công ty giải trí lớn khác Hàn Quốc như YG, JYP, RBW... cũng sẽ có nhiều kế hoạch, dự án thú vị tại đây.

*Việt Nam đang đón nhận làn sóng đầu tư của các công ty giải trí Hàn Quốc. Theo ông, làn sóng này sẽ tạo ra hiệu ứng thế nào?

- Nếu xu hướng này tiếp tục được mở rộng, thì người hâm mộ Hallyu tại Việt Nam sẽ có cơ hội thưởng thức cả nội dung gốc của Hàn Quốc và nội dung đồng sản xuất, remake ở Việt Nam. Gần đây, các hoạt động tạo nên các nội dung đa dạng tại Việt Nam như đồng sản xuất phim truyền hình, tổ chức concert nhạc Việt Hàn, remake nhạc phim... đang được chú trọng nhiều hơn. Ví dụ, việc hợp tác sản xuất chương trình chương trình truyền hình thực tế Running Man tại Việt Nam đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Tương tự, Tiệc trăng máu – bộ phim remake từ Intimate Strangers (2018) của Hàn Quốc - cũng trở nên rất nổi tiếng. Sự hợp tác này sẽ trở thành cơ hội giao lưu, hỏi học giữa hai nước.

 *Cách người hâm mộ tại Việt Nam và Hàn Quốc thưởng thức cũng như chi tiêu cho các sản phẩm Hallyu có sự khác biệt lớn nào không, theo ông?

- Nếu đã là người hâm mộ, tôi nghĩ họ không có sự khác biệt nào về cảm xúc và sự nhiệt tình. Tuy nhiên, để so sánh về cách chi tiêu cho các nội dung Hallyu của người hâm mộ giữa 2 nước thì có. Ở Hàn Quốc, việc bảo vệ bản quyền được chú trọng nhiều nên việc thưởng thức nội dung tính phí rất phổ biến. Ở Việt Nam, nhận thức về bản quyền và hệ thống bảo vệ bản quyền chưa được thiết lập rõ ràng, đa số người dân đều chỉ sử dụng nội dung miễn phí. Tôi tin, vấn đề này sẽ được cải thiện khi thị trường nội dung ở Việt Nam phát triển.

Một khác biệt nữa nằm ở hệ thống quản lý. Tại Hàn Quốc, những người lên kế hoạch của các công ty giải trí thường chú trọng và quan tâm đến người hâm mộ của công ty họ một cách bài bản và hệ thống. Ở Việt Nam, người hâm mộ Hallyu lại chưa nhận được sự hỗ trợ và quản lý này. Sự hâm mộ và yêu thích của người hâm mộ dành cho các idol không phải thể duy trì một cách tự nhiên mà cần sự kết nối, giao tiếp, hỗ trợ giữa hai bên để tồn tại lâu bền.

*Được biết ở người hâm mộ Hàn Quốc đã rất quen với các chương trình fan meeting (gặp mặt thần tượng), fansign (buổi lễ ký tên của thần tượng) có quy mô lớn. Nhưng các chương trình này ở Việt Nam lại khá mới mẻ, dù người hâm mộ cũng cuồng nhiệt không kém. Đó có phải là một hạn chế?

- Có hai lý do liên quan tới điều này. Thứ nhất, ở Hàn Quốc, các công ty giải trí thường tổ chức các buổi fan meeting, fansign để gắn kết tình cảm giữa idol và fan hâm mộ. Trong các buổi fan meeting, fansign như vậy thường sẽ có lệ phí tham gia và lệ phí này không hề thấp. Còn tại Việt Nam, các đối tượng yêu thích K-pop lại chủ yếu là học sinh sinh viên hoặc những người trẻ chưa có thu nhập cao.

Thêm nữa, các công ty giải trí Hàn Quốc chưa tìm được cộng sự tốt ở phía Việt Nam. Tôi biết nhiều công ty giải trí Hàn Quốc đã lên kế hoạch tổ chức fan meeting, fansign ở Việt Nam nhưng lại chưa tìm được đối tác tốt tại đây để cùng thực hiện, hoặc từng hợp tác và nhận kết quả không như mong đợi. Bởi vậy, nhiều công ty giải trí Hàn Quốc vẫn còn do dự trong việc này.

*Được biết, KOCCA đang tổ chức cuộc thi làm phim hoạt hình cho các bạn trẻ Việt Nam, ông có thể chia sẻ thêm về cuộc thi này?

- Cuộc thi làm phim hoạt hình của KOCCA Việt Nam được bắt đầu diễn ra từ đầu tháng 6. Đây là cuộc thi được tổ chức với mục đích bồi dưỡng đam mê làm phim hoạt hình của các bạn trẻ Việt Nam. Cuộc thi dành cho tất cả các đối tượng chuyên và không chuyên là công dân Việt Nam và không giới hạn độ tuổi.

Chúng tôi dự định sẽ tổ chức gặp gỡ (online) với các chuyên gia trong lĩnh vực hoạt hình Hàn Quốc tại buổi trao giải để các bạn thí sinh có thể nhận được những đánh giá, những lời khuyên bổ ích về tác phẩm của mình, đồng thời mở workshop với sự tham dự của Hiệp hội Phim hoạt hình Hàn Quốc và các chuyên gia để chia sẻ về các kỹ thuật sản xuất phim hoạt hình, kinh nghiệm phát triển nội dung và chiến lược tiến vào thị trường nước ngoài.

Đây là cách để chúng tôi kết nối, thúc đẩy giao lưu giữa các nhà làm nội dung sáng tạo hai nước. Chúng tôi rất mong muốn có thể tìm ra và hỗ trợ một phần nào đó cho các nhân tài trong lĩnh vực phim hoạt hình tại Việt Nam. KOCCA Việt Nam cũng đang xem xét việc hỗ trợ mở học viện về âm nhạc, hoạt hình ở Việt Nam trong năm 2022.

* Với cuộc thi này cũng như những trải nghiệm đã có, ông đánh giá ra sao về năng lực cũng như sự thích ứng công nghệ, sáng tạo của bạn trẻ Việt Nam?

- Sau 2 năm làm việc tại Việt Nam tôi nhận thấy rằng các bạn trẻ có năng lực làm việc tốt và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ về sau này. Bằng chứng là tôi đã gặp được rất nhiều những nhân tài ở đây.

Tôi cho rằng các bạn trẻ Việt Nam có rất nhiều ý tưởng hay trong việc làm phim hoạt hình. Tuy nhiên nhìn chung thì khả năng ứng dụng kỹ thuật vào làm phim của các bạn trẻ Việt Nam chưa được cao. Đồng thời tình tiết nội dung phim và việc quảng bá phim cũng chưa được chú trọng nhiều.

* Vậy những hạn chế này nên được cải thiện theo hướng nào?

- Tôi nhận thấy rằng ở Việt Nam chưa có nhiều trường lớp hay học viện làm phim hoạt hình. Ở Hàn Quốc, để đào tạo các nhân tài ưu tú trong lĩnh vực này chúng tôi xây dựng, phát triển rất nhiều các trường lớp đào tạo. Thêm vào đó, các bạn trẻ Hàn Quốc còn có nhiều cơ hội để tích lũy các kinh nghiệm thực tế từ các trương chình thực tập, kiến tập của các công ty hoạt hình..., trước khi chính thức làm việc trong lĩnh vực hoạt hình.

Tôi nghĩ, Việt Nam cũng cần phải tập trung vào việc tìm kiếm và bồi dưỡng, giáo dục nhân tài như vậy. Việc tạo ra các cơ cấu kết nối giữa học tập và làm việc thông qua liên kết của các học viện đào tạo và các doanh nghiệp hoạt hình là rất quan trọng. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn vận hành của học viện bằng trao đổi, tiếp nhận giảng viên, sách giáo khoa và thiết bị thực hành tiên tiến từ các cường quốc hoạt hình như Hàn Quốc và Nhật Bản.

* Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Thực hiện: Hoàng Văn - Nhật Anh
Thiết kế: Hoài My