Attack on Titan (Shingeki no Kyojin) là series truyền hình anime cực kỳ nổi tiếng được chuyển thể từ bộ manga cùng tên của tác giả Hajime Isayama. Ngay mùa phát sóng đầu tiên năm 2013, nó đã là bộ anime truyền hình bán chạy nhất năm và đứng thứ 8 tại Top 10 bộ anime ăn khách nhất Nhật Bản trong thập niên 2010.


Trước đó, Attack on Titan ra đời vào tháng 9/2009 và nhanh chóng trở thành bộ manga ăn khách bậc nhất mọi thời đại. Chỉ 3 tháng sau khi ra đời, Attack on Titan đã tiêu thụ được hơn 100 triệu bản trên toàn thế giới. Và ngoài thành công về thương mại, bộ manga này còn được giới chuyên môn đánh giá cao khi nhận được nhiều giải thưởng danh giá như Kodansha Manga Awards hay Harvey Awards.

Thấy được tiềm năng, đài MBS TV đã sản xuất phiên bản anime cho Attack on Titan với sự góp sức của IG Port's Wit Studio và đạo diễn Tetsuro Araki. Tập đầu tiên của Attack on Titan bản anime lên sóng ngày 7/4/2013 trong sự mong chờ và nôn nóng từ khán giả trung thành của bộ manga cũng như những người yêu thích anime. 

Mùa đầu tiên chính thức khép lại vào ngày 23/9/2013 sau 25 tập phát sóng gồm 4 phần lớn và 34 chương. Ngoài quê nhà Nhật Bản, Attack on Titan còn được mua bản quyền phát sóng ở nhiều quốc gia lớn khác như Hoa Kỳ, Anh, Australia hay New Zealand và nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía những người hâm mộ nhiệt thành của thể loại này.

Phải mất 4 năm sau, mùa thứ 2 của Attack on Titan mới được sản xuất và phát sóng tiếp tục. Bộ sậu cũ đứng sau mùa 1 vẫn tiếp tục tham gia vào quá trình làm nên mùa 2, tuy nhiên số tập phim đã rút ngắn chỉ còn lại 12 tập. Mùa 3 của anime cũng được lên sóng ngay lập tức vào một năm sau với tổng cộng 22 tập được chia ra thành hai khoảng thời gian phát sóng khác nhau. Mùa này cũng chứng kiến việc đổi kênh phát sóng từ MBS TV sang NHK General TV.

Và ngày 7/12  vừa qua, mùa giải thứ 4 của Attack on Titan đã chính thức lên sóng. Vì là mùa cuối cùng nên để đạt được chất lượng tốt nhất cho anime, thành phần công ty sản xuất và đạo diễn đã có sự thay đổi. Ở mùa này, công ty MAPPA là bên chịu trách nhiệm sản xuất còn vị trí đạo diễn được giao cho Jun Shishido. Theo thông báo ban đầu từ kênh NHK General TV, mùa 4 sẽ dự kiến có tổng cộng là 16 tập và hiện đã phát sóng được tới tập thứ 3.

Phiên bản anime của Attack on Titan kể về nhân vật chính Eren Jaeger cùng hai người bạn Mikasa Ackerman và Armin Arlert với những cuộc phiêu lưu nhằm trả thù và giành lại thế giới từ tay của các Titan (sinh vật khổng lồ hình người ăn thịt con người). Dù chỉ là một anime có tuổi đời còn non trẻ nhưng nó đã có lượng fandom và mức độ ảnh hưởng trên toàn cầu không kém gì các anime đình đám đi trước như One Piece, Naruto hay Dragon Ball Z.  Vậy điều gì đã mang lại thành công đáng ngưỡng mộ như thế cho Attack on Titan?

Sự thành bại của một tác phẩm nghệ thuật nào cũng bắt đầu từ yếu tố nội dung. Không thể phủ nhận, với nền tảng từ bản manga, Attack on Titan bản anime đã có được chất lượng ấn tượng như vậy. Nhưng điều này còn có công sức không nhỏ của đạo diễn và đội ngũ sản xuất anime. Attack on Titan không chỉ giới thiệu các nhân vật một cách xuất sắc mà đường dây phát triển cho họ cũng ấn tượng không kém. Cứ nhìn vào Eren, Mikasa và Armin từ tập đầu tiên cho tới hình ảnh ở mùa 4, khán giả có thể thấy rõ sự trưởng thành cũng như biến chuyển đầy kinh ngạc của họ. 

Attack on Titan có tuyến nhân vật rất đông đảo. Nhưng nhờ khả năng xây dựng nhân vật cực kỳ chắc tay và có chiều sâu của đội ngũ biên kịch anime, mỗi nhân vật ấy đều để lại  dấu ấn riêng cho người xem. Trong quá trình tập luyện để trở thành những người hùng, Eren cùng các người bạn của mình không chỉ tìm thấy vinh quang mà còn có nước mắt và sự mất mát. Điều đó giúp câu chuyện của các nhân vật trở nên thật và có chiều sâu hơn hẳn. Không chỉ vậy, Attack on Titan còn có khả năng cân bằng những vấn đề tuyệt vời khi luôn đề cập và giải quyết nó một cách gọn ghẽ trong từng tập của mỗi mùa.

Và, yếu tố quan trọng bậc nhất giúp Attack on Titan thành công còn nằm ở phần âm nhạc được miêu tả với câu nói “chỉ có đỉnh hơn, không có đỉnh nhất”. Bài hát Opening và bài hát Ending của 4 mùa đều được sáng tác bởi Hiroyuki Sawano và được trình bày bởi nhiều giọng ca khác nhau như nhóm Linked Horizon (mùa 1, 2, 3), Shinsei Kamattechan (mùa 2 & 4), nhóm Cinema Staff (mùa 1 & 3),... Âm nhạc của Attack on Titan không chỉ gói gọn trong anime mà còn thành công vượt ra ngoài thị trường. Đơn cử như đĩa đơn Jiyu e no Shingeki tập hợp hai bài Opening của mùa 1 là Crimson Bow and ArrowThe Wings of Freedom đã “tẩu tán” được tới 129.000 bản chỉ trong tuần đầu bán ra. Như nhận xét, những bài hát Opening của Attack on Titan chứa đựng một màu sắc riêng và khiến khán giả có thể nhận ra ngay khi nghe, với thứ cảm xúc xem anime được đẩy lên cực độ từ những giai điệu hào hùng của Crimson Bow and Arrow hay yên bình từ Red Swan

Tuy trở thành huyền thoại anime ở Nhật Bản và được đón nhận nhiệt tình trên toàn thế giới,  Attack on Titan vẫn vướng phải nhiều tranh cãi không đáng có, đặc biệt là ở hai quốc gia láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc.

Một số lượng lớn khán giả ở Hàn Quốc đã tẩy chay Attack on Titan khi có tin đồn tác giả Hajime Isayama là người ủng hộ chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản. Thậm chí, có cả tin đồn rằng một nhân vật trong bộ anime này được lấy nguyên mẫu từ một chỉ huy quân sự Nhật Bản từng tham gia xâm chiếm Hàn Quốc năm 1916. Trước vụ lùm xùm ấy, một tài khoản  Twitter được cho là của Hajime Isayama đã phải lên tiếng:  “Những ý kiến kỳ quặc này chắc chắn phải xuất phát từ sự hiểu lầm và loạt thành kiến không thể xóa bỏ".

Dù vậy, ít nhất thì khán giả Hàn Quốc vẫn còn có thể được theo dõi Attack on Titan. Trong khi đó, vào tháng 6/2015, Bộ Văn hóa Trung Quốc quyết định “phong ấn” Attack on Titan cùng gần 40 anime khác bới lý do không phù hợp thuần phong mỹ tục với quá nhiều cảnh bạo lực, máu me và khiêu dâm.

Dù vậy, tất cả rắc rối này không đủ để Attack on Titan giảm đi sức hút. Đại diện cho DVD Talk, John Sinnott, ca ngợi đó là một trong những anime hay nhất mọi thời đại và là người hâm mộ anime thì không nên bỏ qua siêu phẩm này. Còn Maya Phillips của New York Magazine lại ca ngợi tính độc đáo của nó và dành tặng lời khen có cánh: “Thật khó để tìm ra một bộ anime xuất sắc trong thời đại phức tạp như hiện nay. Thật may Attack on Titan đã làm được và còn làm một cách không thể tuyệt vời hơn”

Dù sự kết thúc của Attack on Titan vào đầu năm sau sẽ khiến nhiều khán giả tiếc nuối, nhưng người ta vẫn hài lòng vì những gì mà nó mang lại. Bởi đẳng cấp của Attack on Titan là điều không thể chối cãi như cái cách mà nó được IGN và Polygon gọi tên là bộ anime xuất sắc nhất của thập kỷ 2010.