Sự xuất hiện của đại dịch vô tình làm thay đổi thói quen của một bộ phận khán giả đối với nền công nghiệp điện ảnh. Thực tế không thể phủ nhận, sau gần 2 năm đối mặt với Covid-19, khán giả có xu hướng "mang phim về nhà" thay vì thói quen tụ tập nơi đông người như rạp chiếu.

“Chắc chắn những nhà làm phim của Hollywood rất lo lắng khi rạp mở cửa trở lại. Họ không biết khán giả sẽ ra rạp thường xuyên ra sao, đặc biệt khi nhiều người đã lâu không ra rạp và có nhiều phim lớn đang chờ. Vấn đề không nằm ở việc có ai đến rạp chiếu không, mà là lượng khán giả trung bình sẽ giảm ra sao”, nhà báo Ben Fritz của tờ The Wall Street Journal chia sẻ trong một buổi phát thanh khi được hỏi về việc liệu rạp phim có "chết" sau đại dịch.

Ông phân tích thêm: “Vào những năm 40, khán giả Mỹ đi xem trung bình cả tá phim mỗi năm. Hai năm trước, con số đó giảm còn 5. Nếu sau đại dịch, họ chỉ đi xem 3 phim thì sao? Đó sẽ là một cú giáng mạnh vào ngành chiếu phim truyền thống”. 

Và đó là câu chuyện đáng lo ở thị trường giải trí nước Mỹ, vậy còn Việt Nam? Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng Covid-19. Sự thấm thía tác hại của dịch bệnh đã thay đổi nhận thức cũng như thói quen của không ít người khi mà giờ đây, mọi người dần phải thích ứng với những sinh hoạt, giải trí khép kín, gói gọn trong khuôn viên gia đình. Cũng chính bởi vậy, xu hướng xem phim tại nhà gia tăng cùng sự phát triển của hàng loạt dịch vụ truyền hình trực tuyến.

Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra rằng, khoảng 1 triệu thuê bao ở Việt Nam đang sử dụng các nền tảng xem phim trực tuyến xuyên biên giới như Netflix, Apple TV, WeTV, mang lại doanh thu gần 1.000 tỷ đồng (cuối năm 2020). Trong khi đó, top 5 dịch vụ xem truyền hình trực tuyến bao gồm FPT Play, Netflix, K+, VTVCab On & Zing TV đang ngày càng lớn mạnh và được yêu thích với lượng khán giả truy cập cao (nghiên cứu do Q&Me thực hiện).

Có thể nói, ngay cả khán giả thành thị - đối tượng khách hàng chủ yếu của các tác phẩm màn ảnh rộng - cũng đã thích nghi trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài, hình thành thói quen xem phim trực tuyến. Đặc biệt, ở đợt dịch thứ 4, khi việc đóng băng tại các rạp chiếu phim được đánh giá là kéo dài nhất trong 2 năm đại dịch, nhiều người lo sợ xu hướng giải trí của khán giả cũng vì thế mà thay đổi hoàn toàn.

"Đó là điều tất yếu, không thể không lo lắng khi ngày càng đông khán giả hài lòng với lựa chọn xem phim ở nhà. Với chi phí không cao, thao tác đơn giản, những “rạp chiếu” tại gia thời dịch bệnh có thể bị xem là nguy cơ đối với phim chiếu rạp", cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành bày tỏ quan điểm trước sự thay đổi xu hướng hưởng thụ giải trí của một bộ phận khán giả hiện nay. Trước tác động của dịch bệnh, những thói quen cũ được thay thế bằng sự thích nghi, hòa nhập trong giai đoạn mới.

Trong khi đó, phân tích về thị trường của phim chiếu rạp, giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, ông Nguyễn Danh Dương nhận định, dịp hè và mùa phim Tết chính là khoảng thời gian "vụ mùa" giúp các nhà làm phim gặt hái được thành quả ưng ý. Song, do ảnh hưởng từ đại dịch, công tác "thu hoạch" của điện ảnh gần 2 năm qua không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Đối mặt với những thách thức khi cơn bão Covid-19 thật sự qua đi và người xem không còn mặt mà với xu hướng xem phim chiếu rạp như trước, giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia thẳng thắn cho hay: "Phim hay không thiếu, nhưng kể cả các rạp có được mở cửa trở lại và chiếu phim vào thời điểm này thì chắc chắn lượng khách tới rạp sẽ không đông, thu không đủ bù chi…"

Tới thời điểm hiện tại, việc rạp phim mở cửa trở lại nhận được nhiều trông chờ với mong muốn hồi sinh nền điện ảnh, thế nhưng có thành công hay không lại là một câu chuyện khác. Tới nay, nhiều nhà sản xuất vẫn đắn đo lựa chọn về thời gian trình làng "đứa con cưng", đặc biệt là khi phải đối mặt với "phép thử" từ thị trường bao gồm cả tâm lý, thị hiếu khán giả.

Dẫu vậy, không ít nhà làm phim tin tưởng rằng mảng chiếu phim rạp truyền thống có thể không bị ảnh hưởng quá nhiều trước sự "lên ngôi" của các nền tảng trực tuyến. Lấy dẫn chứng sự thành công ngoài mong đợi ở phòng vé nước ngoài thời điểm đưa Venom 2 hay Shang-Chi quay lại màn ảnh rộng, đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư cho hay:

"Ở Mỹ sau đợt giãn cách xã hội kéo dài, nhu cầu xem phim và giải trí tăng vọt 70%. Những tưởng nền tảng trực tuyến có thể thay thế rạp chiếu phim, nhưng rồi Shang-Chi và sau đó là loạt phim khác, Disney vẫn quay về độc quyền tại rạp trước khi chiếu trực tuyến. Khán giả cũng sẵn sàng trở lại rạp, bên cạnh việc chi tiền để xem phim trên ứng dụng trực tuyến".

Hay đạo diễn Lương Đình Dũng cũng cùng quan điểm khi trao đổi với Zing: "Rạp chiếu thực sự là nơi lý tưởng để mang đến mọi cảm nhận và giá trị thưởng thức ngôn ngữ điện ảnh đầy đủ nhất tới khán giả. Có những cảm giác mà bạn chỉ có thể trải nghiệm khi xem phim tại rạp".

Sau nhiều tháng bị quên lãng, việc tính toán cơ hội kéo khán giả quay trở lại rạp là điều mà các nhà làm phim phải đặc biệt chú trọng. Trong đó, những bộ phim hay, loạt “bom tấn” điện ảnh mới chính là tiền đề, một lần nữa giúp thay đổi thói quen của khán giả với các sản phẩm giải trí, gạt bay tâm lý "lười" ra rạp.