"Chúng ta không thể đối mặt với chủ đề trung tâm của 11/9 nên đành khai thác phía vòng ngoài" - Manohla Dargis, nhà phê bình phim của The New York Times nói - "Chúng ta chưa làm được điều cần làm nhất, và sẽ còn bất lực trong một thời gian dài nữa”.


Đã 19 năm kể từ ngày người dân nước Mỹ chứng kiến vụ tấn công khủng bố kinh khủng nhất lịch sử của mình. Vết hằn tang thương ấy mãi gắn với sự kiện 11/9 tại Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở Manhattan, với 2.977 người thiệt mạng, 6.000 người bị thương và 10 tỷ USD về hạ tầng đã mất đi.

Nhưng, giữa muôn vàn đau buồn, Hollywood vẫn đang loay hoay tìm cho mình một lối riêng để tưởng niệm thảm họa này.

Sau 11/9, các bộ phim điện ảnh và truyền hình của Mỹ đều ít nhiều có sự thay đổi. Những cảnh phim vô tình có thiết kế hay hình toà tháp đôi đều được chỉnh sửa.

Trong trailer của Spider Man vào năm 2002, xuất hiện cảnh Peter dùng tơ nhện để nhốt chiếc máy bay do những tên cướp ngân hàng điều khiển ở giữa hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới. Cảnh quay này đã bị cắt bỏ hoàn toàn trong phim.

Trong bản gốc tập 8, phần 3 của series Friend, Chandler và Monica đang trong hành trình hưởng tuần trăng mật thì bị bắt giữ tại sân bay vì Chandler khi đó đã nói đùa về một quả bom sắp nổ. Sau thảm kịch 11/9, đoạn phim này đã được đạo diễn cắt bỏ.

Bản gốc bộ phim Monsters Inc có cảnh quay nhà hàng Harryhausens bị nổ tung sau khi Mike và Sulley vội vã rời khỏi đó để mang theo Boo. Tuy nhiên, phân cảnh này đã được cắt bỏ và thay thế bằng một cảnh quay nhẹ nhàng hơn vì nhà sản xuất cho rằng nó có thể gợi nhớ đến ký ức về 11/9.

Một loạt chương trình, show truyền hình có hình ảnh toà tháp ở phần mở đầu cũng phải thay đổi hình ảnh, chẳng hạn như The Sopranos, Law & Order: SVU và Sex and the City.

“Phải chăng 11/9 là một sự thất bại, khi điện ảnh Hollywood làm rất nhiều về đề tài thảm họa, khủng bố nhưng chưa từng trực tiếp khắc họa toàn cảnh sự kiện này?” - Chuyên gia phân tích điện ảnh Jeff Bock đặt câu hỏi. Thực tế, những phim khai thác đề tài 11/9 đều chọn hướng đi an toàn, và chỉ được coi là những “lát cắt” của chiếc bánh tang thương.

Về đề tài này, hai dự án điện ảnh từng được triển khai và thu hút một lượng khán giả đáng kể vào năm 2006. Đó là World trade center,  gắn với với câu chuyện có thật về hai sĩ quan cảnh sát bị kẹt dưới tòa tháp đã sụp đổ và United 93, bộ phim được theo tốc độ thực của những sự kiện có thể đã xảy ra trên chiếc máy bay đã đâm xuống một cánh đồng ở Pennsylvania. Tất nhiên, cả hai phim, đều chỉ là một phần sự kiện.

Sau đó, Hollywood có hai tác phẩm phim tâm lý Reign over me của Adam Sandler và Remember me của Robert Pattinson, cũng là những lát cắt khác về câu chuyện 11/9. Tuy nhiên cả 2 đều thất bại trong việc thu hút  khán giả. Manohla Dargis, nhà phê bình phim của The New York Times, còn nhận xét Remember me là bộ phim "kinh khủng" và "đầy thực dụng”.

Trong danh sách những đạo diễn kiêm biên kịch ít ỏi dám dứt khoát đề cập đến sự kiện 11/9, người tiêu biểu nhất là nhà làm phim độc lập Brian Sloan. Phim WTC view năm 2005 của ông nói về một người New York cố cho thuê một phòng trong căn hộ liền kề tòa tháp đôi của anh ta, tuy hư cấu nhưng bắt nguồn từ chuyện có thật.

"Điều gây cảm hứng cho tôi là việc nhận ra rằng mình đã sống trong thời điểm đáng nhớ của lịch sử." -  Sloan nói – “Và tôi thấy bị thúc bách phải làm phim tài liệu ngay. Đây cũng là câu chuyện về việc người dân thành phố phải sống thế nào với sự việc kinh khủng đã xảy ra, cũng như cách họ sống cùng nó sau đó."

Ngoài những trường hợp trên, có thể kể tới 25th hour của Spike Lee, không nói về vụ tấn công mà giới thiệu những hình ảnh đáng nhớ có liên quan. Phim mở đầu bằng hình ảnh hai đèn pha tái hiện tòa tháp đôi và sau đó là công trường ở Khu vực số 0. Aaron Hills - phóng viên tờ The Village Voice – cho rằng những hình ảnh này không hiệu quả: "Cách khơi gợi này khiến bộ phim có vẻ hấp dẫn, nhưng đó vẫn là một sự khiên cưỡng để chuyển thể một quyển tiểu thuyết đã xuất bản trước khi hai tòa tháp sụp đổ."

Câu chuyện về 11/9 cứ diễn ra như thế. Đi theo từng cách thể hiện, từng cách khắc hoạ, nhưng  Hollywood lại chẳng có nổi một phim tổng thể để nói về ngày hôm ấy. Thậm chí, đến năm 2017, bộ phim 9/11 ra đời với cái tiêu đề không thể nào thẳng thắn hơn. Tuy nhiên, nội dung phim vẫn chỉ là một phần trong thảm họa đặc biệt này. 90 phút của phim xoay quanh câu chuyện Jeffrey Cage cùng đồng nghiệp mắc kẹt trong thang máy khi vụ việc xảy ra. Dù sao, tuy chưa đưa ra một cái nhìn khái quát về sự kiện nhưng bộ phim cũng được coi là một điểm sáng để làm tiền đề cho các tác phẩm về 11/9 trong tương lai.

Hầu hết, các hãng phim tư nhân hay nước ngoài đều chọn dòng chữ này để tưởng niệm về ngày 11/9.

Mùa thu năm 2002, một nỗ lực hợp tác giữa 11 nhà làm phim quốc tế đã âm thầm xuất hiện tại các rạp chiếu phim nghệ thuật ở vài thành phố lớn của Mỹ. Bộ phim có tên đơn giản là 11'09"01 September 11 và kết hợp giữa 11 phim ngắn, tất cả đều trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến những sự kiện xảy ra hôm đó. Bộ phim ẩn chứa nhiều yếu tố tri ân và tưởng niệm hơn những gì mà người ta có thể hình dung: tổng thể bộ phim có 11 phần, đến từ 11 quốc gia, mỗi phần dài 11 phút 9 giây, khung hình 11'09"01.

Mỗi thước phim trong 11'09"01 September 11 là những góc nhìn khác nhau xung quanh vụ khủng bố. Đó là một giáo viên Iran cùng những học sinh im lặng cầu nguyện cho các nạn nhân, là một chàng nhiếp ảnh gia người Pháp bị câm và điếc thoát chết thần kỳ sau vụ tấn công, là một người lính Nhật bị tâm thần sau khi trở về từ chiến tranh cùng lời nhắn “Chẳng có cuộc chiến nào là thần thánh. (Đây cũng là cảnh kết phim, như một cái tát vào mặt những kẻ tôn thờ chiến tranh và bạo lực).

Một số tác phẩm đáng chú ý khác phải kể đến phim tư liệu Babel của đạo diễn Alejandro González Iñarritu tái hiện cảnh những thân người rơi xuống từ tòa tháp đôi. Phim của Samira Makhmalbaf là cuộc trò chuyện học sinh tiểu học để thảo luận về bản chất sự trừng phạt của thần linh ("Chúa không có máy bay" - một cô bé nói - "Chúa tạo ra con người").

Như nhiều nhận định, những hình ảnh và ký ức về ngày 11/9 vẫn còn tạo nên sự đau đớn trong lòng nước Mỹ. Bởi vậy, một bộ phim chính thống, chọn thời điểm trọng đại đó để phát triển và đào sâu có thể sẽ đem lại những kết quả quá nặng nề. Và chừng nào, khi mỗi khán giả đi xem phim vào tối thứ bảy còn giữ tâm lý muốn bỏ “thế giới xấu xa” lại sau lưng để tìm kiếm sự hồi hộp và phần chấn, chừng đó Hollywood còn gặp khó khăn với câu chuyện này.

Như một vòng hoa tang vẫn còn bỏ ngỏ cho ngày 11/9!

Thiết kế: Hoài My