Hàng năm, những cái chết thương tâm do bị điện giật khi sử dụng bình nóng lạnh vẫn thường xuyên xảy ra.
Cần chú ý các nguyên tắc quan trọng khi sử dụng bình nóng lạnh. (Ảnh Internet)
Sai lầm khi nghĩ “có rơle là an toàn”
Hãy luôn luôn nhớ rằng rơle chỉ ngắt điện chứ không chống rò rỉ. Mà nguyên nhân chính yếu dẫn đến tai nạn bình nóng lạnh là do sự cố rò rỉ điện. Mặt khác, không ai có thể đảm bảo mọi thiết kế và thông số kĩ thuật sẽ luôn chính xác. Thế nên, nếu bạn không muốn đùa giỡn với mạng sống của mình thì nên tự ngắt điện khi không sử dụng bình nóng lạnh.
Máy móc cũng cần được nghỉ ngơi để hoạt động tốt nhất. Chúng ta không nên “treo” bình nóng lạnh ở chế độ 24/7. Điều này sẽ khiến cho mayso, dây dẫn,… dễ bị hỏng do hoạt động quá tải gây rò điện. Nhiệm vụ rơle trong bình nóng lạnh đó là cấp điện để làm tăng nhiệt độ nước, tự động ngắt khi nhiệt độ nước cao và không mang chức năng chống rò rỉ. Khi bình nóng lạnh bị rò rỉ, dòng điện từ rơle sẽ theo nước phóng ra ngoài. Đó chính là nguyên nhân khiến người sử dụng thiệt mạng.
Đừng quên cọc tiếp đất
Các gia đình không hiểu rõ cùng với sự bất cẩn của thợ lắp đặt, dẫn đến dây tiếp đất giúp triệt tiêu dòng điện thường bị bỏ qua. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự cố rò rỉ điện mà người Việt Nam khi sử dụng bình nóng lạnh hay “vô tình” lãng quên.
Nhất thiết phải kiểm tra thiết bị định kì
Không chỉ riêng bình nóng lạnh mà tất cả các đồ dùng công nghệ, điện, điện tử, máy móc đều cần được kiểm tra định kì. Tuân thủ thói quen này sẽ giúp phát hiện các hư hỏng và sửa chữa kịp thời, nhất là đối với các thiết bị điện như bình nóng lạnh. Đồng thời, chúng ta cũng nên dùng bút thử điện kiểm tra bình nóng lạnh thường xuyên.
Tắt máy nóng lạnh khi không sử dụng. (Ảnh Internet)
Nếu không muốn bỏ mạng oan uổng vì bình nóng lạnh, bạn phải ghi nhớ kĩ các điều sau đây:
- Tắt máy nóng lạnh trước khi tắm.
- Nên bật máy trước 5 – 10 phút, không nên bật máy liên tục 24/7, điều này gây tốn điện, khiến máy nhanh giảm tuổi thọ và dễ bị rò rỉ điện.
- Không tiếc máy đã cũ, cần thay mới.
- Không bỏ qua dây tiếp đất giúp triệt tiêu dòng điện khi lắp đặt máy nóng lạnh.
- Bảo trì định kì máy nóng lạnh và dây dẫn để phát hiện kịp thời các hư hỏng gây ra rò rỉ.
- Nên lắp thêm thiết bị chống giật để nguồn điện tự ngắt khi có dấu hiệu bị giật.
- Đầu tư mua loại máy nóng lạnh tốt, thương hiệu uy tín và đảm bảo chất lượng.
- Vệ sinh bình nóng lạnh mỗi tháng một lần nhằm hạn chế sự gỉ sét, ăn mòn dẫn đến rò rỉ.
- Dùng bút thử điện kiểm tra thường xuyên để phát hiện các mối hở.
Trường hợp gặp người bị giật điện do sử dụng bình nóng lạnh, hãy bình tĩnh ngắt nguồn điện tổng trước khi cứu và tiến hành các thao tác sơ cứu trước khi đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Ngoài ra, các thiết bị điện trong gia đình như bàn là, lò nướng, ấm đun siêu tốc, nồi cơm điện,… cũng là những mối đe dọa tiềm ẩn về rò rỉ điện. Thế nên, cần lưu ý khi sử dụng và bảo dưỡng sản phẩm.