Dự thảo: Lái xe có thể vượt đèn vàng nếu việc dừng lại gây nguy hiểm

15:20 13/06/2020

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã công bố dự thảo lần 3 của Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) để lấy ý kiến người dân.

So với Luật Giao thông đường bộ đang có hiệu lực (2008) thì dự luật mới đã có thêm một số quy định và các trường hợp ngoại lệ về việc chấp hành đèn tín hiệu giao thông. 

 
Ùn tắc giao thông tại một ngã tư ở Hà Nội (Ảnh: Kênh Thời tiết)
Ùn tắc giao thông tại một ngã tư ở Hà Nội (Ảnh: Kênh Thời tiết)

>>Xem thêm: Người điều khiển xe đạp điện phải có giấy phép lái xe hạng A0

Nếu việc dừng đèn vàng có thể gây nguy hiểm thì lái xe được đi tiếp

Điều 13 của dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã đưa ra định nghĩa cụ thể về các tín hiệu giao thông. Trong đó đáng chú ý là quy định về đèn vàng. Theo khoản 3, điều 13, "tín hiệu vàng là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng; trong trường hợp không có vạch dừng thì phải dừng lại trước đèn tín hiệu theo chiều đi, nếu đèn tín hiệu đặt ở giữa hoặc phía bên kia của nút giao thì không được đi vào nút giao, phải dừng lại trước vạch cho người đi bộ (nếu có)".

Điều khoản này quy định một số trường hợp ngoại lệ, như trong trường hợp nếu phương tiện đã quá vạch dừng, đèn tín hiệu hoặc đã quá gần vạch dừng, đèn tín hiệu mà nếu dừng lại có thể gây nguy hiểm thì được đi tiếp. So với Luật Giao thông đường bộ 2008 thì đây là điểm mới, bởi theo bộ luật hiện hành, người điều khiển phương tiện giao thông chỉ được phép đi tiếp trong trường hợp đèn vàng bật sáng và lái xe đã quá vạch dừng. 

Ngoài ra, dự thảo Luật Giao thông đường bộ mới cũng quy định, trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy, phương tiện giao thông được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát và nhường đường cho người đi bộ. 

 
Các phương tiện đang tham gia giao thông có chỉ dẫn của tín hiệu đèn (Ảnh: Báo Giao thông)
Các phương tiện đang tham gia giao thông có chỉ dẫn của tín hiệu đèn (Ảnh: Báo Giao thông)

>>Xem thêm: Cảnh sát giao thông chính thức ra quân từ 15/05 để tổng kiểm soát

Một số ngoại lệ đối với tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ

So với Luật Giao thông hiện hành, quy định về tín hiệu xanh cũng có một số thay đổi. Theo đó, ở khoản 1, điều 13, dự thảo đã đưa ra định nghĩa về đèn xanh. "Tín hiệu xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho các hướng khác tiến vào nút giao".

Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định, khi tín hiệu giao thông màu xanh là các phương tiện có thể di chuyển. Quyết định này được các nhà làm luật đưa ra mới mong muốn giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông tại những tuyến đường có đèn tín hiệu.

Ở khoản 2, điều 13, dự thảo Luật Giao thông (sửa đổi) định nghĩa cụ thể về đèn đỏ. Theo đó, "Tín hiệu đỏ là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp không có vạch dừng thì phải dừng lại trước đèn tín hiệu theo chiều đi, nếu đèn tín hiệu đặt ở giữa hoặc phía bên kia của nút giao thì không được đi vào nút giao, phải dừng lại trước vạch cho người đi bộ (nếu có)". Còn trong luật Giao thông đường bộ hiện hành chỉ đưa ra định nghĩa ngắn gọn: "Tín hiệu đỏ là cấm đi". 

 
Phương tiện chấp hành hiệu lệnh khi có đèn xanh tại một nút giao ở Hà Nội (Ảnh: VOV)
Phương tiện chấp hành hiệu lệnh khi có đèn xanh tại một nút giao ở Hà Nội (Ảnh: VOV)

Các phương tiện có thể bỏ qua đèn tín hiệu nếu có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông

Ngoài các quy định mới về chấp hành tín hiệu giao thông, so với Luật Giao thông hiện hành, dự luật mới còn quy định rõ ràng về thứ tự chấp hành báo hiệu đường bộ. Theo khoản 1, điều 17, người tham gia giao thông phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự: "Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; Tín hiệu đèn giao thông; Biển báo hiệu; Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường".

Cụ thể, khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời. Tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

 
CSGT làm nhiệm vụ tại ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Phú, Hà Nội (Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô)
CSGT làm nhiệm vụ tại ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Phú, Hà Nội (Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô)

>>Xem thêm: Bộ GTVT đề xuất: Xe máy bật đèn khi tham gia giao thông kể cả ban ngày

Bạn có ý kiến gì về việc phương tiện được vượt đèn vàng nếu việc dừng lại có thể gây nguy hiểm. Cho chúng mình biết ý kiến tại YAN Netizen nha.

Cùng theo dõi và cập nhật những tin tức mới nhất tại YAN nhé!

Quy định xử phạt đối với lái xe không chấp hành tín hiệu giao thông

Nghị định 100/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/1/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã quy định mức xử phạt với hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông.

Theo điểm e, khoản 4, Điều 6, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), nếu không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng và tước bằng lái từ 1-3 tháng. 

Theo điểm a, khoản 5, Điều 5, đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, tước bằng lái từ 1-3 tháng hoặc tước bằng lái từ 2-4 tháng nếu vượt đèn vàng mà gây tai nạn giao thông. 

Mức phạt trên cũng áp dụng đối với trường hợp người điều khiển các phương tiện giao thông có hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông.