Dự kiến trong 5 ngày, TP.HCM sẽ bao phủ mũi 1 cho 780.000 trẻ

09:50 17/10/2021

Theo lộ trình do Bộ Y tế xây dựng, trẻ em từ 12 đến 17 tuổi sinh sống và học tập trên địa bàn TP.HCM dự kiến sẽ được tổ chức tiêm chủng từ ngày 22/10. Số lượng học sinh trong nhóm tuổi trên được thống kê là khoảng 780.000 em.

 
Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho các em học sinh. (Ảnh: Báo Chính Phủ)
Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho các em học sinh. (Ảnh: Báo Chính Phủ)

Tuổi Trẻ đăng tải, theo kế hoạch Bộ Y tế đề ra, TP.HCM có thể là địa phương triển khai tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi đầu tiên, còn các địa phương khác vẫn đang xây dựng kế hoạch cụ thể.

Việc tiêm vaccine cũng sẽ được thực hiện theo hình thức hạ dần độ tuổi tuỳ vào tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại từng địa phương. Trẻ sẽ được tiêm vaccine nếu cha mẹ và người giám hộ đồng ý, ký vào phiếu đồng ý. Sau khi tiêm xong, trẻ cũng sẽ được cấp giấy xác nhận như bình thường. 


Vaccine dự kiến dùng để tiêm cho trẻ em là Pfizer của Mỹ và Abdala của Cuba.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một cán bộ của Sở Y tế TP cho biết, lực lượng tiêm chủng cho trẻ em lần này sẽ là lực lượng đã tiêm cho người lớn trước đó. Tuy nhiên, họ sẽ được Bộ Y tế tổ chức tập huấn, hướng dẫn kĩ càng.

Dự kiến, trẻ em sẽ được tiêm theo 2 hình thức khác nhau: cố định (trẻ không đi học) hoặc lưu động, trường học (trẻ đang đi học). Với tốc độ tiêm của TP.HCM hiện nay, rất có thể trong vòng 5 ngày, 780.000 em sẽ được bao phủ mũi 1. Trung bình mỗi ngày, thành phố sẽ tiêm cho khoảng 156.000 trẻ em. 

Hiện tại, nhiều quận huyện đã rà soát, lên danh sách trẻ từ 12 - 17 tuổi đang sinh sống và học tập trên địa bàn để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng. Đây được cho là hướng đi phù hợp, nhằm giúp các địa phương triển khai tiêm cho trẻ nhanh chóng, không bị động ngay khi có vaccine.

 
Nhiều em nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Nhiều em nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP - cho biết, trẻ em khi tiêm vaccine sẽ được phân thành những nhóm đối tượng riêng. Cụ thể, trẻ khỏe mạnh, không có bệnh nền, tiền căn dị ứng được tiêm vaccine như bình thường. Còn trẻ có bệnh lý nền trước khi tiêm phải khám sàng lọc kỹ càng, sau đó tiến hành tiêm ở nơi có điều kiện chăm sóc tốt như cơ sở y tế, bệnh viện. 

Vị bác sĩ nói thêm: "Với trẻ em khỏe mạnh khi tiêm vaccine thường sẽ an toàn nhưng với trẻ mắc các bệnh hiểm nghèo, các bệnh lý về máu, tim bẩm sinh, hen suyễn... có thể có tác dụng phụ phức tạp hơn. Do vậy những trẻ này nên tiêm trong các bệnh viện để được cấp cứu kịp thời nếu có tình huống bất thường xảy ra".

Đồng quan điểm, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - khoa sức khỏe trẻ em (Bệnh viện Nhi đồng TP) - cho rằng việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ cần tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và khuyến cáo của nhà sản xuất. Tiêm chủng cho trẻ em không quá khác với người lớn, nhưng vẫn cần phải thật thận trọng.

 
Dù tiêm vaccine hay không, học sinh khi trở lại trường vẫn phải đeo khẩu trang, thực hiện phòng dịch. (Ảnh: Hà Nội Mới)
Dù tiêm vaccine hay không, học sinh khi trở lại trường vẫn phải đeo khẩu trang, thực hiện phòng dịch. (Ảnh: Hà Nội Mới)

Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em là rất cần thiết trong khoảng thời gian này. Các bậc phụ huynh nên suy nghĩ thật kĩ trước khi đăng ký tiêm chủng cho con em mình.

Đón xem những thông tin mới nhất tại YAN nhé!

TRẺ TIÊM VACCINE COVID-19: CÓ THỂ UỐNG NƯỚC TÍA TÔ HẠ SỐT NHƯNG HẠN CHẾ

Nhiều cha mẹ thường có tâm lý rằng trẻ sau khi tiêm vaccine nếu bị sốt thì phải uống nước lá tía tô. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng.

Cụ thể, theo dược sĩ Nguyễn Thị Nguyên Sinh cùng bác sĩ Phạm Đức Thắng, công tác tại Bệnh viện Y Dược TP.HCM cơ sở 3, trẻ sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 rất có thể gặp phải một số phản ứng phụ thông thường như sưng, nóng, đỏ, đau, ngứa nơi tiêm, mệt mỏi...

Lúc này, cha mẹ nên suy nghĩ thật kĩ khi sử dụng lá tía tô. Bởi lẽ hiện nay, chưa hề có tài liệu chính thống nào cho thấy nước từ loại lá này có thể giúp ngăn phản ứng phụ khi tiêm vaccine ngừa Covid-19. 

Xem thêm tại đây