Tạm đóng cửa lớp 0 đồng vì dịch, thầy giáo than: "Nhớ học trò lắm"

10:00 20/11/2021

Anh Huỳnh Quang Khải (30 tuổi, trú tại phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) là một hướng dẫn viên du lịch. Ngoài công việc đó, từ năm 2010 đến nay, anh còn đảm nhận công việc "gõ đầu trẻ" cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không thể tới trường.

Ghé thăm lớp học tình thương của anh Quang Khải và vợ cùng chung tay xây dựng vào một ngày cận kề lễ kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi đã có dịp được tìm hiểu sâu hơn về người thầy đặc biệt này.

 
Lớp học tình thương của hướng dẫn viên du lịch Hoàng Quang Khải.
Lớp học tình thương của hướng dẫn viên du lịch Hoàng Quang Khải.

"Học sinh khóc vì tự viết được tên, tôi sướng còn hơn nắm tay người yêu"

"Ba ra đi mãi mãi từ khi mình còn rất nhỏ, đã từng có thời gian khủng hoảng và luôn cảm thấy sợ. Bởi vậy, mình xem học trò như em ruột, như người thân trong gia đình nên không muốn chúng bị thiệt thòi" - anh tâm sự về cơ duyên để mở lớp học tình thương cho các hoàn cảnh đặc biệt.

 
Anh Huỳnh Quang Khải - người thầy giáo "nghiệp dư", dành hơn 10 năm để giúp trẻ em bán vé số xóa mù chữ.
Anh Huỳnh Quang Khải - người thầy giáo "nghiệp dư", dành hơn 10 năm để giúp trẻ em bán vé số xóa mù chữ.

Lớp học tình thương Ngọc Việt được anh Huỳnh Quang Khải thành lập vào năm 2009, khi vẫn còn là chàng sinh viên ngành du lịch. Với lý tưởng "Sống là cho đi", hơn 10 năm qua, anh cùng vợ đã bỏ tiền túi, thậm chí bán cả nhẫn cưới để xây dựng lớp học khang trang, sắm sửa thêm cơ sở vật chất, thiết bị học tập cho học sinh. Bên cạnh việc dạy văn hóa (Toán và Tiếng Việt) anh Khải còn tổ chức thêm những chuyến đi dã ngoại, tham quan vườn thú, du lịch,... nhằm giúp các em có thêm trải nghiệm, kỹ năng sống. 

 
Lo sợ học sinh tủi thân, anh Khải vẫn luôn tổ chức sinh nhật, hội trại cho các em. 
Lo sợ học sinh tủi thân, anh Khải vẫn luôn tổ chức sinh nhật, hội trại cho các em. 

Hồi tưởng lại những ngày còn đứng lớp giảng bài, anh Khải chia sẻ với chúng tôi rất nhiều kỷ niệm. Giống như có lần anh dạy cho một người phụ nữ lớn tuổi, thấy cô khóc vì lần đầu biết viết tên mình, anh đã cười lớn vì "sướng còn hơn nắm tay người yêu". Cũng có trường hợp đặc biệt là nam công nhân U40, đến lớp học 0 đồng để "xin chữ" vì muốn đồng hành cùng con vào lớp 1 hay câu chuyện về Hùng Vũ, một cậu bé 18 tuổi nhưng trí tuệ kém phát triển, được anh kèm cặp suốt thời gian dài. Mỗi học sinh là một câu chuyện được anh Quang Khải lưu giữ cho riêng mình, giống như những báu vật quý giá.

 
Các em học sinh nhớ lớp, chỉ mong được quay trở lại như thời điểm trước khi dịch bùng phát.
Các em học sinh nhớ lớp, chỉ mong được quay trở lại như thời điểm trước khi dịch bùng phát.

Hàng trăm em học sinh đã rời lớp tình thương Ngọc Việt, số lượng người quay trở lại để thăm người thầy giáo trẻ tuổi rất ít. Dẫu vậy, anh Khải vẫn chẳng để tâm, điều duy nhất anh mong cầu chính là học trò của mình trưởng thành, làm một người có ích cho xã hội.

>>> Đừng bỏ lỡ: Câu chuyện "phép tính sai của thầy giáo" và bài học quý về cuộc sống

Từ bỏ đam mê để hướng nghiệp cho học sinh

Hành trình dạy học của anh Quang Khải đã kéo dài hơn một thập kỷ, gặp không ít khó khăn và cũng từng có ý định bỏ cuộc nhưng "càng làm càng vui" và thấy ý nghĩa cho đời nên anh quyết định không dừng lại. May mắn, những hoạt động của anh luôn có sự ủng hộ từ gia đình, đặc biệt là người bạn đời.

Khi được hỏi về điều bản thân nhận được sau 12 năm làm chuyện "bao đồng", anh Quang Khải thổ lộ: "Mình nhận được nhiều lắm, không phải tiền bạc hay sự cảm ơn mà là nụ cười của học sinh. Bởi vậy, Khải muốn "sống là cho đi" và dạy học sinh rằng hãy cho đi tất cả, đừng nhận lại bất kỳ điều gì, ngay cả lời cảm ơn. Và rồi có lúc cuộc đời cũng sẽ cho mình thứ mà bản thân mong ước".

 
Lớp học của anh Khải đã hơn 5 tháng không có tiếng ê a đọc chữ của các em học sinh.
Lớp học của anh Khải đã hơn 5 tháng không có tiếng ê a đọc chữ của các em học sinh.

12 năm đứng lớp, dù chỉ là thầy giáo "nghiệp dư" nhưng anh Khải vẫn luôn tự hào về nghề gieo chữ mà bản thân đang theo đuổi. Trong suốt khoảng thời gian đó, có lứa học trò chỉ tặng thầy chiếc bánh, thanh kẹo hay nhành hoa dại vào Ngày Nhà giáo Việt Nam nhưng vẫn được anh trân quý và yêu thương. Tuy nhiên, việc xóa mù chữ cho trẻ em nghèo không phải đích đến cuối cùng của anh.

"Sắp tới, mình dự định sẽ nghỉ việc làm hướng dẫn viên du lịch. Đó từng là niềm đam mê của mình từ nhỏ, thực sự không muốn từ bỏ nhưng do dịch nên ngành du lịch hồi phục khá lâu. Hiện tại, mình đang xây dựng dự án xe bán bánh mì chả cá, khi lớp trở lại, mình sẽ dạy nghề cho các em học sinh. Ví dụ sau này các bạn không học với mình nữa thì cũng có cái nghề để mưu sinh" - anh Quang Khải tâm sự.

 
Sách vở, bút thước vẫn chờ các em học sinh trở lại sau mùa dịch.
Sách vở, bút thước vẫn chờ các em học sinh trở lại sau mùa dịch.

>>> Bài viết liên quan: Cặp vợ chồng trẻ nhận con nuôi: Nghe con gọi "bố mẹ" cũng đủ hạnh phúc

Thầy nhớ trò, trò nhớ lớp

Từ ngày 29/5 đến nay, lớp học của anh Khải đóng cửa để cùng thành phố chống dịch. Trong thời gian này, thay vì đứng lớp, anh tổ chức các dự án thiện nguyện như bữa cơm 0 đồng, chợ rau củ 0 đồng nhằm hỗ trợ phần nào khó khăn của bà con trên địa bàn quận. Song song đó, anh cũng trao tặng gạo, lương thực tận nhà cho các học sinh cũ, hỗ trợ tạm thời cho tới khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội. 

 
Sau dịch, nhiều học trò vẫn ghé qua nhà thầy Khải để vui chơi. 
Sau dịch, nhiều học trò vẫn ghé qua nhà thầy Khải để vui chơi. 

Chia sẻ với chúng tôi, em Hùng Vũ - một học trò gặp vấn đề về não tâm sự: "Thầy Khải rất tốt. Nhờ có thầy mà em đã biết được nhiều thứ. Đi học vui hơn ở nhà". Một bạn nhỏ khác thì hi vọng hết dịch, được đi học chữ và thực hiện ước mơ trở thành giáo viên.

 
Anh Khải hi vọng học trò tiếp tục được trở lại lớp học tình thương.
Anh Khải hi vọng học trò tiếp tục được trở lại lớp học tình thương.

Hiện tại, hầu hết học sinh của anh Khải nằm trong độ tuổi từ 12 đến 17 vẫn chưa được tiêm chủng, vậy nên việc mở lớp trở lại là vô cùng khó khăn. Trong thời gian qua, anh cũng cố gắng tìm mọi cách để hỗ trợ các em nhưng chưa thành công.

Nhìn căn phòng ngập tràn màu hồng, sách vở và bàn ghế vẫn còn đó nhưng lại vắng bóng tiếng đùa nghịch  của học trò thân thương, ánh mắt anh Khải thoáng buồn rồi bất chợt nói: "Chỉ mong sớm hết dịch để lại được làm thầy giáo..."

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!

NGƯỜI QUYẾT ĐỊNH XÂY DỰNG LỚP HỌC TÌNH THƯƠNG 0 ĐỒNG CỦA ANH KHẢI

Chia sẻ thêm với chúng tôi, anh Khải cho biết vợ luôn là người đồng hành cùng anh khi xây dựng lớp học tình thương cho trẻ em nghèo. Cụ thể, cách đây 3 năm, anh đã ngỏ ý với vợ về chuyện xây dựng phòng học khang trang hơn. Thời điểm đó, cả 2 mới trả nợ xong, không dư dả tiền nong nên anh Khải cũng hơi ngại ngần. Nghe xong câu chuyện từ chồng, vợ anh Khải đã quyết định bán chiếc nhẫn vàng để lấy vốn dựng lớp học. 

"Tìm một người phụ nữ để sống cùng mình suốt cuộc đời dễ lắm. Thế nhưng, tìm một người chung chí hướng, lý tưởng sống thì rất khó. Nếu là cô gái khác, chắc chắn họ sẽ không đồng ý bán nhẫn cưới nhưng vợ mình thì khác. Đó cũng chính là một sự may mắn" - anh Khải tâm sự.