Bến Bình Đông là nơi trao đổi hàng hóa giữa Sài Gòn với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày cận Tết, dọc theo bến Bình Đông rất đông ghe thương hồ từ các tỉnh miền Tây chở theo nhiều loại hoa Tết đổ về cập bến và nơi đây đã là chợ hoa truyền thống của người dân thành phố.
Bến Bình Đông là một đoạn của kênh Tàu Hủ trải dài từ cầu Nguyễn Tri Phương đến cầu Tân Định. Có người nói vui rằng, muốn biết Sài Gòn đã vào xuân hay chưa thì đến bến Bình Đông, bởi nơi đây chính là tổ hợp của cửa ngõ đưa thuyền bè từ miền Tây hay cảng Sài Gòn giao thương với khu Chợ Lớn - ngôi chợ tập hợp những hoạt động mua bán sầm uất nhất đất Sài Thành.
Hoạt đông mua bán ở chợ hoa bến Bình Đông tấp nập.
Bến Bình Đông là nơi cuối cùng mà người ta còn có thể bắt gặp được hình ảnh của các thương hồ mưu sinh hàng ngày trên sông, con sông này chính là thủ phủ trên bến dưới thuyền bậc nhất trong suốt 300 năm kinh tế sông nước của Sài Gòn - Gia Định. Bến Bình Đông mang ký ức sống động Sài Gòn - Chợ Lớn: Thành phố được sinh ra từ những dòng kênh.
Cận Tết, những chậu mai bắt đầu rực rỡ khoe sắc xuân.
Cũng như nhiều năm trước, hoa mai vẫn là loại cây cảnh chủ lực của nhiều nhà vườn, vì thông lệ người miền Bắc có Đào thì người miền Tây, miền Nam có hoa mai.
Nhiều tàu, ghe neo đậu lại để bán hoa Tết trên bến.
Sau ngày 20 tháng Chạp hàng năm, nơi đây lại nhộn nhịp ghe xuồng chở đầy ắp hoa kiểng từ miền Tây về bán cho người dân thành phố chơi xuân. Chợ hoa Tết chỉ tập trung buôn bán ở một bên vỉa hè sát bờ kè kênh Tàu Hủ và dưới thuyền. Năm nay mặt hàng chủ lực là cúc, mai và quất.
Chợ hoa ở bến Bình Đông thường tấp nập vào giáp Tết nguyên đán.
Thường đến trưa 30 Tết, mọi người sẽ nhổ neo trở về nhà ăn Tết. Từ thế kỷ XVIII, sau khi di dân từ Cù Lao Phố (thuộc Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay) lên vùng Chợ Lớn ngày nay, bến Bình Đông khi ấy chưa sầm uất mãi cho đến khi người Hoa khơi dựng lại cơ ngơi buôn bán dọc hai bên bờ kênh Tàu Hũ, đặc biệt vào dịp Tết đến xuân về đã tạo thói quen cho người dân Sài thành vào mỗi dịp Tết đều phải ghé chợ hoa bến Bình Đông.
Người Sài Gòn chọn bến Bình Đông là nơi mang hương sắc xuân cho gia đình
Xuân về trên bến Bình Đông khi người ta thấy các thương lái đưa thuyền vào bến, chất đầy những chậu hoa mai, hoa cúc, quất,... trên bờ dưới ghe tạo nên khung cảnh đậm chất miền Tây, người bán, người mua tấp nập sau 20 tháng Chạp. Ven bến đầy đủ các loại hoa, trên sông các thương hồ chở hàng ra vào cảng Sài Gòn.
Bến Bình Đông không những là nơi lưu dấu lịch sử phát triển của Sài Gòn mà còn là không gian di sản văn hóa đáng để bảo tồn hiện nay.
Nhiều mùa xuân đã đi qua, bến Bình Đông năm nào cũng thế, ở đây người bán không hét giá, người mua Sài Thành lại dễ tính, bao nhiêu chất của người miền Tây đều đọng lại ở đây.
Với người dân miền Nam, hoa mai là biểu tượng chính của mùa xuân nên nhiều người sẵn sàng bỏ hàng chục thậm chí hàng trăm triệu để mua một cây mai "khủng". Trung bình mức giá cho một chậu mai nhỏ dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/chậu. Các chậu lớn hơn thì mức giá có thể khoảng 5-6 triệu, có chậu mai lâu đời lên đến hàng chục, hàng trăm triệu.
Những năm trước, hoa nở sớm được bán hạ giá. Tuy nhiên năm nay các chủ vườn cho biết sẽ thống nhất giữ giá ổn định, không hạ giá kể cả sát giao thừa tránh bị khách ép giá.
Nhiều nhất ở bến Bình Đông vẫn là mai và quất. Hầu hết, hoa được các thương lái mua từ các nhà vườn ở Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre) và Sa Đéc (Đồng Tháp) và các tỉnh lân cận.
Trên mạch máu kinh tế của miền Nam, người lao động Sài Gòn khắc họa một khung cảnh tấp nập, hữu tình.
Chợ hoa Tết bến Bình Đông càng nhộn nhịp vào những ngày sát Tết. Qua nhiều công cuộc cải cách, bến Bình Đông vẫn giữ được nét riêng mang dáng dấp của chợ Tết miền Tây hữu tình.
Ảnh: Quang Đức
Các thông tin Đời sống, Xã hội sẽ được chúng tôi liên tục cập nhật tại mục Đời của YAN NEWS!