Một cuộc nghiên cứu gần đây đã cho thấy những người sở hữu đôi mắt màu nâu được xem là đáng tin cậy hơn những người mắt xanh (dương).
Đăng tải trên tạp chí khoa học PLOS ONE, cuộc nghiên cứu này được tiến hành với mục đích tìm hiểu xem liệu màu mắt có ảnh hưởng đến sự đánh giá về mức độ tin cậy của con người hay không. Cuộc nghiên cứu được dẫn dắt bởi Tiến sĩ Karel Kleisner thuộc Đại học Charles ở Prague, nhóm nghiên cứu chụp ảnh khuôn mặt của 40 sinh viên nam và 40 sinh viên nữ có mắt màu xanh và nâu. Sau đó họ nhờ 238 người tham gia nghiên cứu (hầu hết là sinh viên, 2/3 trong số đó là nữ) chấm điểm những khuôn mặt nói trên dựa trên độ tin cậy, sức hấp dẫn và sức ảnh hưởng trên thang điểm 10. Điểm 1 có nghĩa người đó rất đáng tin, hấp dẫn, và có sức ảnh hưởng, còn điểm 10 thì ngược lại.
Người mắt nâu được chứng minh là tạo ra cảm giác đáng tin hơn. (Ảnh: Internet)
Nhưng vì cuộc nghiên cứu này chỉ tập trung vào việc màu mắt có ảnh hưởng đến sự đánh giá về mức độ tin cậy hay không, nên các nhà nghiên cứu đã có một “mánh khóe” nhỏ. Sau khi cho nhóm đầu tiên chấm điểm xong, họ chỉnh sửa ảnh những người mắt nâu thành mắt xanh và ngược lại, và cho một nhóm thứ hai tiếp tục chấm điểm những ảnh đã chỉnh sửa. Kết quả thật bất ngờ: màu mắt đúng là có sức ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh giá độ tin cậy của một người, và những khuôn mặt có mắt nâu được xem là đáng tin hơn những khuôn mặt mắt xanh.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc nghiên cứu cũng tiết lộ một chi tiết khá thú vị, đó là những người mắt xanh được cho là hấp dẫn hơn, và khuôn mặt phụ nữ được xem là đáng tin hơn đàn ông.
Liệu chúng ta có nên tin hoàn toàn vào kết quả này hay không, và có nên dựa vào đó để đánh giá những người xung quanh hay không? Câu trả lời là chưa. Vì có một chi tiết đáng chú: những khuôn mặt được nhóm thứ hai đánh giá cao nhất về độ tin tưởng vẫn giống như nhóm đầu tiên, dù cho màu mắt đã thay đổi. Và các nhà nghiên cứu nhận ra rằng chắc chắn phải có một yếu tố nào khác nữa.
Nhưng không vì thế mà kết luận người mắt xanh không đáng tin. (Ảnh: Internet)
Sau khi đo đạc cấu trúc những khuôn mặt nói trên, họ nhận thấy rằng, nếu xét về mức độ tin tưởng, đôi mắt không phải là yếu tố duy nhất quyết định. Những khuôn mặt được chấm điểm cao ở mức độ tin tưởng đều có mắt to hơn và miệng rộng hơn, môi có xu hướng nhếch lên trên. Và những đặc điểm này thường xuất hiện ở những người mắt nâu, trong khi đó những người mắt xanh thường có mắt nhỏ hơn, mặt dài hơn, và lông mày thường nằm cách xa nhau.
Tuy nhiên, vẫn còn một yếu tố nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là những người mắt xanh thường có cằm dài hơn, khiến cho họ mất đi yếu tố trẻ con trên khuôn mặt, mà những người có khuôn mặt trẻ con thường được đánh giá là đáng tin hơn.
Tóm lại, cuộc nghiên cứu nói trên vẫn chỉ là sơ bộ, và vẫn cần thêm rất nhiều cuộc nghiên cứu khác nữa để đánh giá được mối tương quan giữa màu mắt, hình dáng khuôn mặt và độ tin cậy của một người.