Định kiến với nghề cầu thủ ở Việt Nam

16:01 08/01/2015

Cầu thủ bóng đá ở Việt Nam vẫn được coi là một nghề sung sướng, mau giàu. Nhưng đi kèm với đó cũng là những định kiến về văn hóa và học vấn, cũng như sự soi mói, áp lực thường có với vai trò “người của công chúng”. Có những bậc phụ huynh sẵn sàng để con theo đuổi bóng đá nếu đứa trẻ có đam mê, tố chất, song chắc chắn phần đông những người làm cha làm mẹ vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm và không bao giờ coi nghề nghiệp ấy là tương lai của con em họ.


	
	Bóng đá mang lại cho các ngôi sao sự nổi tiếng và mức lương bổng đáng mơ ước. Ảnh: Internet
Bóng đá mang lại cho các ngôi sao sự nổi tiếng và mức lương bổng đáng mơ ước. Ảnh: Internet

Ít học, lắm tiền

Trong xã hội coi trọng bằng cấp và những danh hiệu trên ghế nhà trường, niềm tự hào của các phụ huynh nằm ở chỗ khoe con mình học sinh giỏi, học trường này trường kia, chứ chẳng mấy ai thích khoe con tôi giỏi đá bóng. Đá bóng, hơi phũ phàng, được rất nhiều người coi như một nghề lao động chân tay, chỉ dành cho những ai không thể học tốt văn hóa. Việc bóng đá Việt Nam không nhiều cầu thủ có “thành tích học tập” ấn tượng có thể giải thích rất dễ dàng, vì các gia đình nếu thấy con em còn học được theo kiểu truyền thống thì sẽ muốn chúng học bằng được, chứ chẳng đời nào để chúng theo một con đường lạ lẫm khác, không riêng gì bóng đá.

Sự an toàn, ổn định, sự đánh giá của cộng đồng vẫn luôn quyết định cách phụ huynh định hướng con em mình. Điều này không sai, nhưng vô tình có thể tước đi của chúng những cơ hội mới, những hướng phát triển mà có khi lại hiệu quả hơn nhiều. Mà cũng chính bởi tâm lý dốc tâm dốc sức, dốc tiền cho “học hành” bằng mọi giá, để rồi hầu hết tầng lớp trung lưu trở xuống của chúng ta vẫn có thu nhập kém hơn một cầu thủ trên lý thuyết là “ít học”, nó đương nhiên gây ra sự bất mãn, công khai hoặc ngấm ngầm, trong tư tưởng của khá nhiều người. Định kiến với nghề cầu thủ vì thế càng sâu sắc hơn.


	
	Khá nhiều người vẫn còn có đinh kiến không tốt về nghề cầu thủ. Ảnh: Internet
Khá nhiều người vẫn còn có đinh kiến không tốt về nghề cầu thủ. Ảnh: Internet

Nói về chuyện “học”, kỳ thực một cầu thủ chuyên nghiệp phải học nhiều hơn người thường, chí ít về mặt thời gian. Học ở đây là học nói chung, học lấy kỹ năng làm nghề, chứ không phải cứ Toán, Văn, Sinh, Sử mới là “học”. Chúng ta bắt đầu chọn nghề ở tuổi 18, nhưng họ đã chọn nó từ thời 9, 10 tuổi. Mỗi người có một thế mạnh, một tiềm năng riêng, và ai bỏ ra nhiều thời gian, tâm huyết cho thế mạnh của mình, tất yếu thành quả sẽ rõ rệt. Các cầu thủ vẫn học văn hóa nhưng giảm thiểu đáng kể khối lượng để tập trung cho bóng đá. Họ muốn toàn diện hơn cũng khó, vì cách đào tạo cầu thủ ở Việt Nam là thế, mới chỉ được như thế.

Ai đó có thể nói rằng không học được, làm được gì mới phải theo bóng đá. Nó cũng đúng với nhiều cầu thủ, nhưng thế thì sao? Một nghề, một khả năng tốt được trui rèn tới nơi tới chốn, đến trình độ cao chẳng hơn là làm gì cũng được nhưng không có gì nổi trội? Những cầu thủ ấy họ có thể cố sức trở thành một kỹ sư hay một nhân viên văn phòng bình thường với năng lực bình thường, nhưng họ đã chọn bóng đá. Những người khác lại chọn khác, và đạt được những kết quả khác. Đó là lẽ tự nhiên, công bằng trong cuộc sống, không ai may mắn hơn ai. Chính vì vậy, việc thắc mắc tại sao cầu thủ kiếm được nhiều tiền có lẽ là thừa thãi và vô nghĩa.

Bóng đá – Một nghề đặc biệt

Thật ra, sự đãi ngộ cho cầu thủ sẽ không cao đến thế, nếu không phải họ đang chơi môn thể thao vua, một môn đáp ứng thị hiếu của số đông, mang lại nhiều lợi ích cho các đơn vị liên quan. Cầu thủ chỉ biết đá bóng cũng như ca sĩ chỉ biết hát, một ca sĩ với những bài hát được yêu thích rộng rãi, kéo nhiều người đến xem thì “cát xê” cao là không khó hiểu. Về khả năng chuyên môn, đừng so sánh với nước ngoài, hãy ghi nhận sự thật rằng, các cầu thủ chơi bóng ở V-League là những người tốt nhất trong nghề nghiệp của họ ở Việt Nam. Chúng ta, ở những ngành nghề khác, mấy ai có được vị trí đó?


	
	Việt Nam cần có nhiều học viên như HAGL JMG. Ảnh: Internet
Việt Nam cần có nhiều học viên như HAGL JMG. Ảnh: Internet

Cũng giống các ca sĩ, cầu thủ chỉ có thời, chúng ta bám nghề mấy chục năm thì họ chỉ mười mấy năm là hết nghiệp. Cái sướng của họ về mặt kinh tế sẽ dừng lại rất sớm. Còn về sau, họ buộc phải học làm những nghề mới, sử dụng vốn liếng cho những công việc mới, không có chuyện từ 30 tuổi về sau “ngồi mát ăn bát vàng”. Chưa kể, nghề cầu thủ cũng đầy rủi ro như một số nghề lao động lương cao khác, chấn thương rình rập họ từng ngày, và chỉ một phút bất cẩn cũng đủ để tiêu tan sự nghiệp sau cả chục năm phấn đấu.

Gần đây, mô hình đào tạo hiện đại HAGL JMG của bầu Đức đã mang đến một cái nhìn mới. Nghề cầu thủ có vẻ bớt bụi bặm đi, có vẻ thêm phần văn minh, chuyên nghiệp. Việc bổ sung mạnh kiến thức văn hóa và đạo đức cho các em từ nhỏ cũng rất tuyệt vời, nó xua tan lo ngại bấy lâu của các phụ huynh khi nhìn nghề cầu thủ. Nói rộng ra, thì bóng đá hay một số nghề “tay chân” khác theo quan niệm nhiều người đâu phải chỉ sử dụng “tay chân”, nó cần nhiều lắm sự lĩnh hội, sự tư duy, khéo léo, tầm nhìn, tính sáng tạo. Nó đích thực là một nghề khó, khó theo đuổi và cũng khó thành công.

Ở các nước có nền bóng đá phát triển, cầu thủ giỏi được tôn vinh, hâm mộ cũng chẳng thua gì các nhân vật hàng đầu ở những lĩnh vực khác. Chúng ta thấy họ chơi bóng bằng kỹ năng thuần thục, cộng với một cái đầu thông thái, phát biểu trước báo giới thì tự tin, điềm đạm. Nhưng cũng đừng nên đánh đồng, quy chụp, vì ở đâu cũng vẫn đầy rẫy những cầu thủ thiếu ý thức, đá thô bạo, vô trách nhiệm, tư duy chiến thuật nghèo nàn. Việt Nam là vùng trũng, điều kiện đào tạo có hạn, việc sản sinh ra những cầu thủ “toàn năng” là chưa khả thi. Trường hợp đẹp đẽ mọi bề như Công Vinh là rất hiếm và cũng phải mất rất nhiều năm hoàn thiện.

Chỉ có một tương lai nơi mà những học viên như HAGL JMG được nhân lên rộng khắp, xã hội Việt mới có thể xem bóng đá như một nghề “bình thường”, có danh giá của riêng nó. Định kiến sẽ còn tồn tại, phụ huynh sẽ còn ái ngại, đó là phản ứng tự nhiên, vì ở đây, con đường học vấn truyền thống vẫn là thước đo phổ biến giữa cộng đồng. Sẽ thật lạ lẫm nếu đến một ngày, chúng ta nhìn đứa nhóc nhà hàng xóm và khen ngợi “cháu đá bóng giỏi quá nhỉ, thế này thì bố mẹ được nhờ rồi đây!”