Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam khiến nhiều người rơi vào cảnh khó khăn do cắt, giảm thu nhập, anh Hoàng Tuấn Anh đã nghĩ ra một ý tưởng vô cùng nhân văn và biến nó thành sự thật. Đó là phát minh ra máy phát gạo tự động. Kể từ đó, anh Tuấn Anh gắn liền với cái tên "cha đẻ ATM gạo".
Mới đây, xuất hiện trong chương trình "Gõ cửa thăm nhà", anh Tuấn Anh đã chia sẻ về câu chuyện đời tư của mình khiến nhiều người thêm xúc động.
Hình ảnh anh Tuấn Anh bên cây "ATM gạo" vào năm 2020 (ảnh trên) và hiện tại (ảnh dưới). (Ảnh: Thanh Niên/Chụp màn hình Gõ Cửa Thăm Nhà)
Chuyện tình đẹp với nàng tiểu thư Malaysia
Vợ của anh Tuấn Anh là chị Samatha Chong - một nàng tiểu thư nhà khá giả ở Malaysia. Được biết 2 người quen nhau tại Úc. Trong mắt chị Samatha, anh Tuấn Anh là người sống rất có trách nhiệm. Sau khoảng thời gian quen nhau, chị đồng ý sẽ gắn bó với chàng trai Việt Nam suốt đời nên chấp nhận rời xa quê hương, đến mảnh đất hình chữ S làm dâu.
Anh Tuấn Anh và vợ quen nhau tại Úc. (Ảnh: Chụp màn hình Gõ Cửa Thăm Nhà)
Chị Samatha tâm sự, ban đầu 2 vợ chồng chị thống nhất sẽ ở Việt Nam 5 năm rồi về Úc. Tuy nhiên vì sinh em bé, mẹ chồng lại ra đi nên cặp đôi không còn tính đến chuyện đó nữa.
Hai vợ chồng đã đồng hành cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn. (Ảnh: Chụp màn hình Gõ Cửa Thăm Nhà)
Làm dâu xứ lạ chẳng thể tránh khỏi những bỡ ngỡ vì sự khác biệt trong nhiều vấn đề nhưng chị Samatha chưa bao giờ nản lòng, sẵn sàng cùng chồng vượt qua mọi khó khăn. Ngoài công việc dạy tiếng Hoa, chị còn là hậu phương vững chắc cho chồng, dạy dỗ, chăm sóc hai con. Đồng thời phụ giúp anh Tuấn Anh trong việc kinh doanh. Trong đợt dịch Covid-19, chị Samatha luôn kề vai sát cánh bên chồng trong các chuyến đi đến những vùng đất xa xôi để hỗ trợ bà con.
Chị Samatha rất hài lòng với quyết định của mình. (Ảnh: Chụp màn hình Gõ Cửa Thăm Nhà)
Quan hệ giữa chị Samatha và gia đình nhà chồng cũng rất tốt đẹp. Tình cảm của mọi người đã bù đắp nỗi nhớ nhà khi 3 năm qua chị chưa thể về thăm quê do dịch Covid-19.
“Con xin lỗi vì đã không ở bên cha mẹ mỗi ngày. Con đã xa mọi người mấy năm rồi để đồng hành và hỗ trợ chồng. Con cảm ơn vì cha mẹ đã luôn ủng hộ tụi con”, nàng dâu Malaysia bật khóc trong chương trình "Gõ cửa thăm nhà".
Có chồng ở bên nên chị không còn cảm thấy cô đơn. (Ảnh: Chụp màn hình Gõ Cửa Thăm Nhà)
>>Xem thêm: Cây ATM gạo biết nhận diện khuôn mặt giữa Hà Nội
Hành trình lập nghiệp chông gai của "cha đẻ" ATM gạo
Bên cạnh việc chia sẻ về chuyện tình đẹp với người vợ Samatha, trong khuôn khổ chương trình anh Tuấn Anh còn nhắc đến hành trình lập nghiệp của mình. Anh cho biết, từ năm 16 tuổi anh đã bắt đầu tự lập nghiệp ở Úc với công việc kinh doanh online và đồ điện tử, rồi chuyển sang sản phẩm tấm cách nhiệt.
Câu chuyện của anh chị đã khiến 2 MC của chương trình xúc động. (Ảnh: Chụp màn hình Gõ Cửa Thăm Nhà)
Mọi việc diễn ra thuận lợi nên anh kiếm được rất nhiều tiền trong một thời gian ngắn. Thế nhưng năm 24 tuổi, vì một số lý do nên anh phải dừng dự án, tất cả hàng hóa phải hủy bỏ. Vậy là chỉ trong vài giờ, anh Tuấn Anh phá sản, cả triệu đô bay sạch.
Khoảnh khắc tình cảm của cặp đôi khiến nhiều người xúc động. (Ảnh: Chụp màn hình Gõ Cửa Thăm Nhà)
Trắng tay, anh Tuấn Anh suy nghĩ tiêu cực muốn rời bỏ cuộc đời. Vào lúc tuyệt vọng nhất, chính cuộc gọi "định mệnh" từ người mẹ đã kéo anh lại. Anh trải lòng: “Mình cũng suy nghĩ trên đời này mình còn ba mẹ và rất nhiều thứ. Tiền mất mình có thể kiếm lại được. Nên mình suy nghĩ lại và tiếp tục con đường của mình."
Bằng sự kiên trì ấy, anh Tuấn Anh đã vượt qua rất nhiều sóng gió để giờ đây tìm được chỗ đứng của mình.
Anh Tuấn Anh đã xây dựng lại sự nghiệp từ 2 bàn tay trắng. (Ảnh: Dân Việt)
>>Đọc thêm: Điểm phát gạo miễn phí có thể đưa đến tận nhà tại Hà Nội
"ATM gạo" từng lên báo nước ngoài
Trước đó, khi "ATM gạo" ra đời, nó không chỉ gây tiếng vang tại Việt Nam mà còn được báo nước ngoài ca ngợi. Cụ thể, trong bài viết ngày 13/4/2020, hãng tin của Anh đã dẫn lời một bà mẹ 3 con tên Nguyen Thi Ly: "ATM gạo này rất hữu ích. Với một túi gạo, chúng tôi có thể nấu được 1 ngày. Bây giờ, chúng tôi chỉ cần mua thức ăn khác."
Bà con xếp hàng tại cây "ATM gạo". (Ảnh: TTXVN)
Ban đầu "ATM gạo" chỉ xuất hiện ở TP.HCM, nhưng sau đó nó đã được nhân rộng tại nhiều nơi như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế.
Đích thân anh Tuấn Anh xuống đường tặng gạo cho bà con. (Ảnh: Thanh Niên)
Cây "ATM gạo" đã giúp đỡ được cho nhiều người khó khăn. (Ảnh: Thanh Niên)
Từng tâm sự trên báo Thanh Niên về việc làm của mình, anh Tuấn Anh nói: "Tôi luôn nhủ thầm, một nắm khi đói bằng một gói khi no, nên một ký gạo khi ấy cũng bằng cả ngàn ký gạo lúc bình thường. Làm thiện nguyện 'lời' vậy tại sao mình không làm? Một vài tấn gạo không làm tôi nghèo đi nhưng có thể giúp được cả ngàn người đang ở bước đường cùng."
Anh Tuấn Anh bên khu vực để gạo. (Ảnh: Báo Đầu Tư)
Dù giờ đây dịch Covid-19 đã lắng xuống xong nghĩa cử cao đẹp của anh Tuấn Anh và vợ vẫn luôn được nhiều người nhớ đến, như một mình chứng cho câu chuyện nhân văn giữa mùa dịch.
Đón xem thêm nhiều tin hay tại YAN!
Trong cuộc đời mỗi người, không gì hạnh phúc hơn việc tìm được một người yêu thương, sẵn sàng đồng hành mình trong mọi khó khăn, vất vả. Chỉ cần có một người thực sự thấu hiểu ở bên thì dù có vất vả đến mấy, chúng ta cũng có động lực vượt qua.
Và chỉ khi cùng nhau đi qua những sóng gió của cuộc đời, chúng ta mới thêm trân quý người đồng hành. Và câu chuyện của vợ chồng anh Tuấn Anh chính là minh chứng vô cùng rõ ràng cho điều này.
Xem thêm tin tức khác TẠI ĐÂY!