Hãy cùng khám phá nét đặc biệt trong dịp lễ Trung thu tại một số quốc gia châu Á nhé.
Trung thu từ lâu đã trở thành một nét văn hóa vô cùng đặc sắc ở các nước khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam. Hình ảnh lân sư rồng, lễ rước đèn ông sao, phá cỗ đêm trăng đã trở thành những kỷ niệm đáng nhớ, đặc biệt với các em nhỏ.
Cùng với Việt Nam, hàng loạt các quốc gia có nền văn hóa Á Đông như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đang chuẩn bị cho một lễ trung thu đầy màu sắc và ấm cúng. Hãy xem lễ Trung thu của họ có gì khác Việt Nam nhé.
Trung Quốc
Năm nay, lễ Trung thu tại Trung Quốc trùng với dịp Quốc khánh. Nguồn gốc của Trung thu nơi đây là nhằm để thờ Mặt trăng, đồng thời là dịp để gia đình quây quần sum họp, chúc nhau những lời chúc may mắn, hạnh phúc.
Đèn lồng rực rỡ là điểm nhấn đặc biệt của tết Trung thu ở Trung Quốc
Cũng giống ở Việt Nam, hình ảnh Hằng Nga và Thỏ Ngọc xuất hiện rất nhiều trong ngày Trung thu tại đất nước tỷ dân. Các em nhỏ nơi đây hàng năm vẫn nhìn lên mặt trăng để tìm kiếm hình dáng của Hằng Nga với một niềm tin rằng nữ thần này thực sự đang hướng ánh mắt xuống trần gian.
Cảnh thả đèn trời ở Côn Minh, Trung Quốc - một trong những lễ hội đặc trưng cho dịp Trung thu
Đồ ăn không thể thiếu trong ngày này ở Trung Quốc chắc chắn là bánh trung thu. Bánh của người Hoa khá giống bánh của người Việt nhưng dầu mỡ hơn, phù hợp với khẩu vị người Trung Quốc.
Bánh trung thu Trung Quốc khá giống bánh tại Việt Nam
Hàn Quốc
Lễ Trung thu (Chuseok) là dịp lễ quan trọng bậc nhất trong văn hóa Hàn Quốc, kéo dài 3 ngày, từ 14 đến 16 tháng 8 Âm lịch. Người Hàn thường sum họp lại với nhau, bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.
Người Hàn thường sum họp bên nhau những ngày này
Đồ ăn truyền thống tại Hàn Quốc những ngày này rất phong phú với bánh gạo Songpyeon hình trăng khuyết (làm từ bột gạo, thịt lợn…), rượu gạo và bánh Jeon (làm từ cá, thịt, rau củ chiên cùng với bột mì và trứng).
Mâm cúng Tết Trung thu tại Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc những ngày này, người Hàn thường tổ chức các trò chơi dân gian như ssireum (đấu vật Hàn Quốc), ganggangsullae (nhảy vòng tròn), talchum (múa mặt nạ)…
Các trò chơi truyền thống Hàn Quốc
Đài Loan
Tết Trung thu ở Đài Loan có xuất xứ giống với Đại lục. Tuy nhiên ở nơi này, trong 30 năm trở lại đây xuất hiện một tập tục vô cùng thú vị có nguồn gốc từ... quảng cáo truyền hình, đó chính là nướng thịt. Theo người dân Đài Loan thì việc nướng thịt trong Tết Trung Thu tượng trưng cho sự sum họp, hạnh phúc, đầm ấm khi cả gia đình quay quần bên bếp than hồng, cùng nhau nướng và thưởng thức những miếng tươi ngon. Chính vì thế mà Tết Trung thu ở Đài Loan còn có một tên gọi khác là Tết Thịt Nướng.
Gần đây trên vỉ nướng của người Đài xuất hiện thêm biến tấu độc đáo - bánh trung thu nướng.
Nhật Bản
Trung thu được du nhập vào Nhật Bản hơn 1000 năm về trước với mục đích cầu cho mùa màng bội thu. Dịp lễ này không kéo dài nhưng vẫn là một ngày lễ đặc biệt dành cho trẻ em như tại Trung Quốc hay Việt Nam.
Bánh Trung thu của Nhật khác hoàn toàn với bánh ở Việt Nam, Trung Quốc hay Đài Loan
Bánh Trung thu ở Nhật Bản có tên Dango.
Hình ảnh Thỏ Ngọc cũng xuất hiện trong văn hóa dân gian Nhật Bản, nhưng được biến tấu đi 1 chút. Thỏ Ngọc sống trên cung trăng và đã sáng tạo ra Tsukimi Dango, đồ ăn truyền thống tại Nhật, được làm từ gạo nếp, khoai môn, hạt dẻ và một số loại nhân khác. Điều đặc biệt ở Nhật Bản mà không quốc gia nào có, đó là nơi đây tổ chức Trung thu tới... hai lần.