Với truyền thống nông nghiệp, từ ngàn xưa, mùng 5/5 âm lịch được xem là ngày Tết Đoan Ngọ ở nhiều nước châu Á. Ở Việt Nam, năm món ăn dân dã đủ đầy gạo nếp, trái cây sau đây đã trở hành mâm cúng Tết Đoan Ngọ không thể thiếu trong dịp này.
Đến ngày mùng 5/5 âm lịch hằng năm, các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên,… đều tổ chức ngày Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là Tết diệt sâu bọ, Tết nửa năm cầu cho mùa màng bội thu. Riêng ở Việt Nam, ngày Tết này còn là dịp thờ cúng, nhớ ơn tổ tiên.
Mâm đồ cúng ngày Tết Đoan Ngọ luôn được các gia đình rất chú trọng.
Theo tiếng Hán, “Đoan” có nghĩa là mở đầu, “Ngọ” được hiểu là giữa trưa, là khí dương. Đoan Ngọ có thể hiểu là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Tết Đoan Ngọ thường diễn ra vào mùa thu hoạch. Vì là giai đoạn chuyển mùa, thay đổi thời tiết nên dễ sinh sâu bệnh, dân gian mới tiến hành nhiều tục trừ sâu phòng bệnh, cúng bái cầu mùa màng bội thu. Song song đó, dịp tiết trời đầu hè cũng dễ gây nên một số chứng bệnh như cảm mạo. Thế nên, mâm cúng lễ ngày này ngoài mang ý nghĩa thờ cúng thì còn là những món ăn ngăn ngừa bệnh tật cho cả gia đình.
Cơm rượu nếp
Món ăn đầu tiên phải nhắc đến chính là cơm rượu nếp. Theo quan niệm của dân gian, vị thanh tao của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ giúp loại bỏ những loài kí sinh có hại trong cơ thể. Ở một số vùng miền Trung, người ta còn ăn với một vài lát chanh mỏng, cho thêm đường cho bớt chua. Họ quan niệm rằng, những loại kí sinh trong người sẽ chết khi ăn trái cây chua vào buổi sáng.
Cơm rượu nếp là thức cúng không thể thiếu.
Hoa quả đầu mùa
Tháng 5 là thời điểm mà các loại hoa trái mùa hè bắt đầu vào mùa. Các loại hoa quả như mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu... cũng là các thứ quả không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết Đoan Ngọ. Với người xưa, điều này không chỉ giúp tiêu trừ mầm bệnh mà phần nào còn thể hiện được mong muốn hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở.
Tháng năm âm lịch cũng là lúc trái cây vào mùa.
Bánh tro
Bánh chưng là đặc trưng của Tết Nguyên Đán ở miền Bắc thì bánh tro lại chính là đặc trưng của Tết Đoan Ngọ. Chiếc bánh trong veo vàng óng thể hiện sự thuần khiết, tinh túy của đất trời. Quá trình làm nên chiếc bánh cũng không phải đơn giản. Từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế biến đều phải tỉ mỉ. Nếp phải đều hạt không được lẫn với gạo tẻ. Nước tro nấu bánh được gạn từ nước tro đốt từ những cây rơm nếp vàng óng. Sự hấp thụ các đặc tính cây cỏ của loại bánh này chính là lí do tại sao ông bà ta tin rằng nó có tác dụng phòng ngừa bệnh tật và giải nhiệt tháng 5.
Bánh tro có quy trình chế biến khá công phu.
Thịt vịt
Thịt vịt từng được xem là món ăn đặc trưng trong dịp Tết này của người miền Trung. Dần dần món này trở nên phổ biến hơn trên mâm cúng Tết giữa năm tại nhiều vùng cả nước. Theo quan niệm dân gian, thịt vịt có tính hàn, chất mát ngọt, chữa nóng sốt. Vì thế, dùng thịt vịt trong Tết Đoan Ngọ chính là lấy hàn chế nhiệt. Ngoài ra, có người cho rằng từ mùng 5/5 trở đi, thịt vịt sẽ béo hơn và không có mùi hôi.
Trong mâm cúng của người miền Trung thường không thể thiếu thịt vịt.
Chè trôi nước
Sau khi dùng những món trên, không gì tuyệt hơn là cả nhà tráng miệng bằng chén chè trôi nước béo ngọt. Đây là món ăn không thể thiếu vào dịp lễ này ở của người miền Nam. Viên chè làm từ bột nếp trắng kết hợp với vị béo của đậu xanh, nước cốt dừa (trong cách nấu chè trôi nước của người miền Tây) quyện cùng vị ngọt của nước đường được thắng sền sệt làm nên hương vị không thể quên.
Bí quyết để chè trôi nước đúng vị là phải có một ít gừng già giã nhỏ và chút mè rang vàng cho món chè dậy mùi thơm và ấm nóng, thích hợp thưởng thức trong những ngày mưa se lạnh đầu mùa.
Chè trôi nước ngon phải thơm vị mè và nồng vị gừng.
Ảnh: Internet.