Nắng nóng là một trong những nguyên nhân gây ra đột quỵ, sốc nhiệt, say nắng... Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Những ngày gần đây có khá nhiều người phải nhập viện do tác động của nắng nóng. Không chỉ có những người cao tuổi gặp các vấn đề về sức khỏe do nhiệt độ tăng cao mà ngay đến những người trẻ cũng có thể gặp nguy hiểm. Mới đây, một nam thanh niên 20 tuổi đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do đi bộ quá lâu dưới nắng.
Người lao động làm việc vất vả dưới nắng nóng (Ảnh minh họa: Pháp luật TP.HCM)
>>Xem thêm: Những hình ảnh nắng nóng kinh hoàng trên thế giới
Hôn mê sau khi đi bộ khoảng 4km dưới trời nắng
Theo thông tin trên Vietnamnet, Khoa Cấp cứu, BV Trung ương Quân đội 108 (BV 108) cho biết thời gian vừa qua bệnh viện đã điều trị rất nhiều trường hợp bị sốc nhiệt, say nắng. Trong đó có một nam thanh niên 20 tuổi được bệnh viện tiếp nhận trong tình trạng hôn mê.
Khi đi bộ dưới nắng người dân cần che chắn kỹ càng (Ảnh minh họa: Vietnamnet)
Cụ thể, bệnh nhân này sinh sống tại Quảng Ninh. Do đi bộ khoảng 4km dưới trời nắng nóng nên bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như mệt lả, mồ hôi túa ra, chân tay co quắp. Sau đó nam thanh niên chậm dần ý thức rồi rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Khi đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đông Triều (Quảng Ninh) cấp cứu, bệnh nhân sốt tới 41 độ C.
Các bác sĩ đã mở nội khí quản, đặt máy thở, hạ thân nhiệt cho bệnh nhân trước khi chuyển lên Bệnh viện 108 tiếp tục điều trị.
Qua cơn nguy kịch sau 2 tuần điều trị
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Uyển, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 108 cho biết, nam thanh niên được chuyển đến trong tình trạng nguy kịch. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định hạ thân nhiệt, kết hợp thở máy và lọc máu.
Suốt 2 tuần điều trị tích cực, thanh niên trẻ tuổi mới vượt qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân có thể tự thở mà không cần nhờ đến máy, tinh thần tỉnh táo. Hiện bệnh nhân đã được chuyển về bệnh viện tuyến dưới để tiếp tục tập phục hồi chức năng. Tuy nhiên di chứng về thần kinh sẽ cần thêm thời gian để đánh giá.
BV Trung ương Quân đội 108, nơi tiếp nhận bệnh nhân nam 20 tuổi (Ảnh: 24h)
>>Đọc thêm: Trường học tại Bắc Bộ đối phó với nắng nóng
Nhiều trường hợp khác bị đột quỵ do nắng nóng
Ngoài trường hợp nam thanh niên trên, còn có rất nhiều người bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng. Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 30 - 40 ca cấp cứu do gặp các vấn đề sức khỏe vì nắng nóng. Trong đó trường hợp nam bệnh nhân 72 là nguy kịch nhất với tình trạng chảy máu não, hôn mê sâu, tiên lượng dè dặt.
Được biết trước đó người này ra đã ra ngoài nắng, sau đó trở về nhà thì bắt đầu thấy đau đầu dữ dội, các phản xạ chậm dần rồi mất ý thức.
Nữ bệnh nhân 53 tuổi đột quỵ khi bán hàng ngoài chợ dưới nắng (Ảnh: Vietnamnet)
Ngoài ra một người phụ nữ 53 tuổi khác ở Hà Nội cũng đã phải nhập viện cấp cứu sau khi bán hàng ngoài chợ dưới nắng quá lâu. Tại bệnh viện, các bác sĩ kết luận nữ bệnh nhân bị đột quỵ não. Nắng nóng đã khiến huyết áp của người phụ nữ tăng cao, gây chảy máu não.
>>Xem thêm: Đường phố Hà Nội nắng nóng, xuất hiện ảo ảnh giữa trưa
Hiện nay khu vực miền Bắc và Trung Bộ vẫn đang trong đợt nắng nóng đỉnh điểm. Để đề phòng các nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ... người dân nên chủ động trang bị các vật dụng tránh nắng như áo khoác, mũ, kính, khẩu trang, bôi kem chống nắng khi đi ra ngoài. Trong khung giờ cao điểm từ 10h đến 16h nên hạn chế ở lâu dưới nắng. Nếu bắt buộc phải làm việc dưới nhiệt độ cao nên nghỉ ngơi sau khoảng 45 phút đến 1 tiếng.
Ngoài ra đừng quên uống nước đầy đủ và cung cấp các loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể bạn nhé!
Giờ vàng để cấp cứu bệnh nhân say nắng, sốc nhiệt là 1 tiếng đầu tiên
Theo Nguyễn Ngọc Uyển, Khoa Cấp cứu, BV 108, thời gian cấp cứu người bị say nắng, sốc nhiệt đạt hiệu quả cao là trong vòng 1 tiếng đầu tiên. Sau khoảng thời gian này, người bệnh có thể trở nên nguy kịch.
Đặc biệt sau khoảng 3h bị say nắng, sốc nhiệt mà không được làm mát cơ thể, cấp cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong có thể lên đến gần 100%. Vì vậy việc cấp cứu cho bệnh nhân tại hiện trường là vô cùng quan trọng.
Khi phát hiện người bị say nắng, sốc nhiệt, cần đưa người bệnh vào nơi mát, thoáng khí. Kiểm tra nếu bệnh nhân ngừng thở phải hô hấp nhân tạo. Trong lúc đó phải gọi cấp cứu.
Ngoài ra cần bỏ bớt quần áo, đặt bệnh nhân nằm nghiêng, dùng khăn lạnh, khăn ướt, đá đắp vào nơi có những mạch lớn. Cho bệnh nhân uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu còn tỉnh táo.