Năm nào cũng vậy, sau dịp lễ hoặc đón năm mới, tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM đều tràn ngập rác.
Câu chuyện “rác sau lễ hội” là một chủ đề năm nào cũng phải nói tới và nhiều lần được báo đài lên tiếng, song việc chấn chỉnh ý thức này xem ra chẳng phải là điều dễ dàng. Pháo hoa mở đầu rực rỡ đầy sắc màu nhưng đó chỉ là những hình ảnh ở trên cao, còn dưới chân người ngắm lại là "biển rác". Không ít người xem pháo hoa xong đã bỏ lại trên đường phố, chai lọ, bì ni lông, bạt trải chỗ ngồi, thức ăn và vô tình biến ngày giao thừa trở thành "ngày hội toàn dân xả rác", nạn nhân của ngày hội này chính là: những công nhân vệ sinh!
Sau chương trình lễ hội đón năm mới 2018 vào tối 31/12/2017 ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM), hàng nghìn nam thanh, nữ tú ra về, để lại những đống rác thải tràn ngập cả con phố. Chẳng ai trong số ấy thấy xấu hổ khi ngang nhiên tàn phá môi trường, dẫm nát hoa và thảm cỏ, đu bám, leo trèo làm gãy cành cây lớn, xô đổ hàng rào...
"Loạn như đêm 30" chính là cụm từ diễn tả được khung cảnh sau những màn pháo hoa rực rỡ.
Hình ảnh nhếch nhác, rác thải bừa bãi cũng diễn ra tại cầu Thủ Thiêm (quận 2), nơi đông đảo người dân chen chúc nhau xem bắn pháo hoa. Từ giấy bìa, bao ni lông, thức ăn thừa, chai nhựa, vỏ bia… tràn ngập ra cả một khu vực rộng rãi. Mặc dù pháo hoa được bắn lúc 0 giờ, nhưng từ lúc 21 giờ, nhiều nhóm bạn trẻ đã tập trung, nhiều gánh hàng rong cũng bắt đầu xuất hiện dày đặc xung quanh khu vực đốt pháo hoa. Sau 15 phút bắn pháo hoa, khi dòng người "bất chấp" để được về mà không một chút mảy may hay quan tâm về những thứ mình để lại thì những cô chú vệ sinh bắt đầu làm việc cật lực.
Hành động vứt rác xuống đường, hè phố đã tạo nên thói quen xấu khó bỏ của người Việt đặc biệt là những người trẻ. Tất cả những thói quen này đều xuất phát từ 3 chữ “thiếu ý thức”.
Theo Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, tại Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bỏ rác bừa bãi, tàn thuốc, mẩu thuốc không đúng nơi quy định. Hành vi bỏ rác, chất thải không đúng quy định trên hè phố có khung hình phạt tiền từ 500.000 - 7.000.000 đồng. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm nêu trên là hành vi chỉ xảy ra mang tính tức thời, việc phát hiện và xử lý cũng rất khó thực hiện. Đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân, khách vãng lai.
Các công nhân vệ sinh môi trường vất vả dọn rác thải trên đường phố sau đêm hội pháo hoa.
Trong khi đó, lực lượng phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không có thẩm quyền tạm giữ giấy tờ tùy thân của người vi phạm nên việc xử lý rất khó thực hiện. Tất cả lại trông chờ vào một cụm từ "cần ý thức".
Bỏ rác đúng nơi quy định vì một cái Tết không của riêng ai...
Công nhân oằn mình trắng đêm dọn rác sau giao thừa những năm trước đã dấy lên nhiều luồng ý kiến. Họ bỏ cái Tết của mình để lo cho bộ mặt phố phường đủ đầy sắc xuân. Họ bỏ bữa cơm đêm 30, bỏ luôn cả tiếng nói nhộn nhịp trong ngày đầu năm mới chỉ để "dọn rác cho người khác". Đành rằng đó là công việc của họ, nhưng nếu chúng ta có ý thức hơn một chút thì biết đâu họ sẽ được về quây quần bên gia đình sớm hơn. Và cái Tết của những công nhân vệ sinh sẽ bớt mệt mỏi mà trọn vẹn hơn.
"Bỏ rác vào thùng!"- một hành động dễ thương của những người văn minh.
Hơn nữa rác thải chính là mối đe dọa với con người, đặc biệt là túi ni lông có "lòng chung thủy" với mặt đất đến hàng trăm cũng chưa phân hủy.
Thành phố đẹp cần ý thức, người dân văn minh cần ý thức và mùa xuân cũng "cần ý thức". Bạn chỉ cần bỏ ra 1 phút hay đôi khi chỉ là 30 giây để nhặt rác dưới chân mình nhưng những công nhân vệ sinh phải mất cả đêm trắng để gom tất cả những "một phút" lười nhác và thiếu ý thức đó. Vì vậy đi xem "pháo hoa" đừng để lại rác bạn nhé!
Các tin tức Đời sống - Xã hội sẽ liên tục được cập nhật trên YAN NEWS!