Đề tốt nghiệp 2013 môn Văn và Địa: gần gũi với thực tế

20:00 03/06/2013

Cả đề Văn và Địa đều sát thực tế, yêu cầu giới trẻ nắm bắt tình hình đất nước.

Trải qua 2 ngày thi căng thẳng với 4 môn: Văn, Hóa, Địa và Sinh, hàng triệu sĩ tử trên toàn quốc đã hoàn thành 2/3 chặng đường. Bên cạnh những câu hỏi với kiến thức cơ bản và tập làm văn đều nằm trong nội dung trọng tâm ôn tập, phần nghị luận xã hội đã làm khá nhiều thí sinh hào hứng với chủ đề rất thời sự: bày tỏ suy nghĩ về hành động cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam. Đó là một câu chuyện có thật xảy ra vào ngày 30/04/2013, Nguyễn Văn Nam đã lao xuống dòng sống để cứu sống 5 học sinh khác và sau khi cứu người xong Nam đuối sức nên đã bị dòng nước cuốn trôi và chết đuối. 

Đề tốt nghiệp 2013 môn Văn và Địa: gần gũi với thực tế

Một số học sinh đã chia có những chia sẻ về đề thi năm nay: "Đề câu 2 năm nay hay đấy chứ, mình thấy có dễ viết nữa. Lắm câu châm ngôn đạo lí đọc chả hiểu cái gì, viết cái này dễ hơn. Hành động của bạn Nam là rất đáng ca ngợi nhưng mà mình thấy cách cứu của bạn là chưa đúng. Trong thời gian bạn cứu từng em một thì hãy dành ra một chút thời gian đi gọi thêm người, nhiều người cũng cứu sẽ nhanh hơn và có lẽ bạn đã không ra đi." 

Bên cạnh đó, cũng có một số bạn không làm được bài vì không theo dõi tình hình thời sự, những sự kiện xảy ra trong cuộc sống xung quanh. Rất nhiều bình luận cũng đã nói về vấn đề này: "Sao học sinh ra mà không có cảm xúc về hành động cứu người của em Nam vậy? Bởi vậy giới trẻ bây giờ ít khi đọc tin tức báo đài quá, mình để ý là hầu như các bạn trẻ ko bao giờ đọc báo về an ninh xã hội, thường các bạn dành thời gian cho game, hay đọc tin tức thời trang, ... Như chương trình Đường lên đỉnh Olympia ra rất nhiều câu hỏi về vấn đề báo chí hay cập nhật vậy mà các bạn đa số trả lời không được. Phải chăng các bậc phụ huynh không mấy thích thú khuyên con em nên dành thời gian đọc tin tức báo đài nhỉ? Ngẫm..."

Có thể nói đề thi Văn năm nay là một điểm nhấn thú vị và mới mẻ của Bộ giáo dục, không đi vào việc nghị luận những vấn đề đạo đức hay lý tưởng mà tính thời sự và những giá trị nhân văn đã được gửi gắm vào. Tấm gương Nguyễn Văn Nam chính là một điểm sáng để đề cao sự dũng cảm, tinh thần nghĩa hiệp cũng như truyền tải thông điệp biết sống vì người khác đến giới trẻ. Song song đó cũng gợi rất nhiều suy ngẫm về kỹ năng bản thân, suy nghĩ nhanh trong các tình huống vừa để tránh những thiệt hại đáng tiếc cho mình, vừa giúp được người khác. Chủ đề rộng và có nhiều khía cạnh để khai thác, đề Văn đã ghi một điểm cộng với cả học sinh và các bậc phụ huynh.

Đề tốt nghiệp 2013 môn Văn và Địa: gần gũi với thực tế

Tiếp nối với môn Văn, môn Địa cũng khiến các sĩ tử sôi nổi vì tính thời sự của đề thi. Năm ngoái 2012, môn Địa từng đặt câu hỏi về vấn đề biển đảo, đánh bắt hải sản xa bờ có ảnh hưởng đến nền kinh tế và quốc phòng an ninh như thế nào. Đến năm nay, đề thi một lần nữa theo sát vấn đề biển đảo nóng bỏng với câu hỏi "Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề biển đảo có ý nghĩa như thế nào? Có thể nói đây là một câu hỏi khá hay và giúp phân loại thí sinh rất rõ. Ngoài những kiến thức chung được học tập trong sách, để làm tốt đòi hỏi thí sinh phải biết đọc thêm sách báo, tìm hiểu thêm về tin tức và tình hình đất nước hiện tại. Nội dung câu trả lời không chỉ là trình bày kiến thức mà thí sinh còn phải cho thấy sự tư duy và quan điểm về tình hình biển đảo nước nhà.

Đề tốt nghiệp 2013 môn Văn và Địa: gần gũi với thực tế

Thêm một điểm nhấn nữa trong đề thi Địa chính là vấn đề việc làm trong bối cảnh kinh tế khó khăn được đặt ra thông qua câu hỏi "Nguồn lao động nước ta có những thế mạnh gì? Tại sao việc làm là vấn đề kinh tế xã hội lớn ở nước ta hiện nay?".

Đề tốt nghiệp 2013 môn Văn và Địa: gần gũi với thực tế
Cũng có một số ý kiến trái chiều

Về đề thi Địa, một thí sinh tên Tuấn chia sẻ: "Học sinh chủ yếu dùng kiến thức thực tế hơn là kiến thức sách giáo khoa. Đánh giá đề thi ở mức trung bình, với dân học khối C thì làm bài khá tốt, nhưng với học sinh trung bình thì để đạt điểm cao không dễ. Hơn nữa, đề thi chủ yếu dùng kiến thức bản thân vận dụng vào làm bài, không có khung chuẩn nào, nên không thể đánh giá được mình làm như vậy đã đúng hướng hay chưa. Tuấn cho rằng cái hay của đề là đưa vấn đề thời sự việc làm vào, nếu chịu khó xem thời sự thì có thể làm bài sinh động hơn."

Dù kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn chưa kết thúc nhưng có thể thấy rõ tinh thần đổi mới trong cách ra đề của Bộ giáo dục nước ta. Những vẫn đề thực tế, thời sự được đưa ra không chỉ để chọn lọc và phân loại thí sinh và còn cho thấy được cách nghĩ, cách tư duy của thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, những đề thi như vậy cũng góp phần định hướng giúp các bạn trẻ không chỉ học tập trên sách vở, trên ghế nhà trường mà còn phải năng động cập nhật thông tin cuộc sống, thời sự, tình hình của đất nước thông qua các sách, báo, các kênh truyền thông...Hy vọng qua các đề thi lần này, các bạn thí sinh đã nắm được tinh thần của Bộ giáo dục để chuẩn bị tốt hơn cho những môn thi sau và cho cả kỳ thi Đại học đầy cam go sắp tới.

Bài viết cộng tác cho chuyên mục Giải trí vui lòng gửi về địa chỉ: giaitri@yan.vn