Đa số chúng ta đều có thói quen ăn 3 bữa mỗi ngày từ lúc thức dậy cho đến lúc lên giường ngủ. Nhưng giờ đây, các chuyên gia đã đưa ra lời cảnh báo rằng bữa sáng, bữa trưa và bữa tối có thể gây hại cho sức khỏe chúng ta.
Trên thực tế, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh 3 bữa mỗi ngày mang lại lợi ích cho nhu cầu năng lượng của cơ thể. Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng bỏ bữa và thậm chí tuyệt thực lại tốt cho sức khỏe hơn là cứ kiên trì với một chế độ ăn cố định.
Không có bằng chứng cho thấy ăn 3 bữa mỗi ngày sẽ giúp ta khỏe mạnh hơn ăn 6 hay 9 bữa nhỏ. (Ảnh: Internet)
Sử gia Abigail Carroll nói rằng 3 bữa ăn này là cấu trúc văn hóa mà những người châu Âu nhập cư áp đặt lên người Mỹ bản địa, tức người da đỏ.
Trong cuốn sách "Three Squares: The Invention of the American Meal" (tạm dịch: Ba Bữa: Công cuộc Phát minh Bữa ăn Mỹ) của mình, cô Carroll nói rằng những người nhập cư dùng bữa vào các giờ quy củ và xem đây là hành động "văn minh" hơn so với dân bản địa - những người ăn uống theo mùa và có khi còn nhịn ăn.
Hiển nhiên là vì người châu Âu đã thắng người da đỏ trong công cuộc mở mang lãnh thổ nên quan niệm ăn uống của họ được coi là lành mạnh, trong khi lại chẳng có bằng chứng nào xác thực điều này, cô Carroll nói thêm.
Về sau này, bữa sáng được coi là bữa quan trọng nhất trong ngày do ảnh hưởng của các chiến dịch quảng cáo do các công ty sản xuất ngũ cốc và nước ép bày ra.
Trên thực tế, nghiên cứu năm 2014 của Đại học Bath, Anh, cho thấy một người dù có ăn sáng hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến lượng calo họ thu nạp trong ngày.
Tuy những người có ăn sáng sẽ tiêu thụ nhiều calo hơn những người bỏ bữa sáng, nhưng đến cuối ngày, họ sẽ đốt cháy nốt lượng calo dư ra đó, thế nên năng lượng hai người nạp vào vẫn như nhau.
Một nghiên cứu mới cho thấy bỏ bữa hay nhịn ăn rất tốt cho sức khỏe, kích hoạt việc giảm cân và tăng cường hệ miễn dịch. (Ảnh: Internet)
Đại học Alabama, Anh, cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng ăn sáng hay không cũng không tạo ra sự khác biệt đối với những người ăn kiêng giảm cân.
Cũng trong năm 2014, một nghiên cứu đăng trên Cell Metabolism (tạm dịch: Chuyển hóa tế bào) cho thấy dùng bữa trong khung thời gian 8 tiếng sẽ giúp giảm cân.
Trong thí nghiệm, người ta một số con chuột ăn các bữa giàu chất béo trong khoảng thời gian 8 tiếng, từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Những con chuột này khỏe mạnh và thon thả hơn những con được cho ăn cùng lượng calo trong suốt cả ngày.
Sau đó, khi những con chuột béo phì giảm thời lượng ăn xuống còn 9 tiếng, chúng giảm được 5% trọng lượng cơ thể trong vài ngày, dù vẫn nạp cùng lượng calo đó.
Theo một nghiên cứu khác của tập san Dinh dưỡng Anh Quốc, dù một người có ăn 3 bữa hay 6 bữa mỗi ngày cũng không ảnh hưởng đến lượng calo họ đốt cháy. Bên cạnh đó, cân nặng và lượng hoóc-môn của họ cũng không có khác biệt gì.
Năm ngoái, Đại học Warwick, Anh, cũng đưa ra nghiên cứu nói rằng hai nhóm phụ nữ ăn 2 bữa và 5 bữa một ngày cũng không có gì khác nhau. Họ còn nói rằng việc giới hạn 500 calo vào hai ngày trong một tuần và không tiếp thức ăn cho cơ thể dẫn tới giảm cân, tăng tuổi thọ và huyết áp cũng không bị tăng.
Tương tự, Đại học Nam California, Mỹ, công bố nghiên cứu rằng nhịn ăn từ 2 đến 4 ngày mỗi 6 tháng sẽ buộc cơ thể vào trạng thái sinh tồn, phải sử dụng mỡ và đường dự trữ cũng như thay thế các tế bào cũ bằng tế bào mới.
Việc này giúp hệ miễn dịch của cơ thể được tái sinh, đặc biệt là hệ miễn dịch bị lão hóa hoặc sau một thời gian điều trị ung thư, và hoạt động tốt hơn trong việc bảo vệ cơ thể khỏi lây nhiễm và bệnh tật.